Tích cực phòng chống dịch sốt xuất huyết
LSO-Từ đầu năm đến nay, huyện Hữu Lũng chưa xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên, trên địa bàn đã ghi nhận 12 ca bệnh SXH vãng lai. Do đó, công tác phòng chống dịch đang được thực hiện rất chủ động và tích cực, đặc biệt là khi SXH đang vào mùa cao điểm (từ tháng 7 - tháng 11).
![]() |
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng tư vấn, tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân Phạm Thúy Ngà cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết |
Ông Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Dịch SXH các năm trước đây chủ yếu diễn biến ở trẻ em, nhưng những năm gần đây số người lớn mắc SXH và sốt virus tăng lên gấp nhiều lần. Nếu phát hiện bệnh muộn hoặc không đưa đến cơ sở y tế kịp thời thì có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tay tê liệt, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến nguy cơ tử vong cao, nhất là đối với trẻ em bị SXH.”
Từ đầu năm 2017 đến nay, Hữu Lũng đã ghi nhận 12 trường hợp được chẩn đoán mắc SXH. Bệnh nhân chủ yếu là học sinh, sinh viên đang học tập, công tác tại Hà Nội, Bắc Giang về địa phương điều trị để tiện chăm sóc. Tất cả đều được giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời, không để lây lan thành ổ dịch.
Để chủ động phòng chống dịch SXH, ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm Y tế huyện đã lập kế hoạch phòng chống SXH; tổ chức tập huấn chuyên môn cho các bác sĩ, trưởng trạm y tế của 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch SXH trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền lồng ghép qua các buổi họp thôn về phòng, chống bệnh SXH bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, truyền thông trên loa truyền thanh; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; giám sát chặt chẽ các ca bệnh mắc từ nơi khác đến điều trị tại tỉnh; lấy mẫu xét nghiệm.
Bác sĩ Hoàng Thu Huyền, Trưởng khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho biết: Khoa đã tiếp nhận 12 bệnh nhân, hiện tại 11 bệnh nhân xuất viện, còn 1 bệnh nhân đang điều trị và có chuyển biến tích cực. Các bệnh nhân SXH được cách ly trong phòng riêng, được lấy máu xét nghiệm và điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Ngoài ra, trung tâm tiến hành phun thuốc diệt muỗi, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh bệnh viện, nhằm hạn chế mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Em Phạm Thúy Ngà, sinh viên đang học tập tại Hà Nội, bệnh nhân bị SXH điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng chia sẻ: “Được các y, bác sĩ của trung tâm quan tâm, chăm sóc và điều trị, giờ em đã khỏi, không còn sốt, nổi mẩn khắp người như trước nữa”.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành y tế, UBND huyện Hữu Lũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia và vận động người dân tiến hành khơi thông cống rãnh, tổ chức tiêu diệt loăng quăng (bọ gậy), phát quang bụi rậm, lùm cây, vạt cỏ rậm, thường xuyên cọ rửa, thay nước lọ hoa, bể cá… lật úp các dụng cụ phế thải có khả năng chứa nước đọng như: chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp sau khi sử dụng…; thu gom, đốt hoặc chôn lấp, xử lý rác tập trung; thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt: ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài, sử dụng hương xua đuổi muỗi, hoặc phun, tẩm hóa chất diệt muỗi…
Bệnh SXH đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc – xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động cắt đứt đường truyền bệnh hay nói cách khác phá bỏ nơi trú ngụ, hạn chế tối đa sự sinh sản phát triển của muỗi truyền bệnh và không để muỗi đốt. Vì vậy người dân cần nâng cao hơn nữa khả năng phòng, chống dịch bệnh SXH tại mỗi gia đình để bảo vệ bản thân và gia đình, tránh nguy cơ dịch SXH bùng phát trên diện rộng.
TRIỆU THÀNH

Ý kiến ()