Thực phẩm chức năng - Không nên lạm dụng
(LSO) – Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con lớn nhanh, “thoát còi cọc” mà lạm dụng nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN). Vô tình, cha mẹ đã tự ý bổ sung TPCN cho con mà không biết rằng, điều này mang đến nhiều mối nguy hại hơn là có lợi.
Lợi bất cập hại
Hiện nay, đời sống khá giả hơn, nhiều bậc cha mẹ mong muốn con mình phát triển toàn diện nhất. Và thực tế đã có nhiều bậc cha mẹ tỉm đến các loại TPCN vì những lời quảng cáo “có cánh” như: bổ sung đầy đủ các chất cho sự phát triển của bé, tăng chiều cao tối ưu hay giúp bé hết biếng ăn, tăng cân mà không có tác dụng phụ… khiến nhiều bậc phụ huynh tin tưởng.
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra thực tế kinh doanh thực phẩm chức năng tại Nhà thuốc Thái Bình (127 đường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn)
Có con gái 4 tuổi biếng ăn, chậm lớn, chị Lương Thị Thu Minh (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) vô cùng lo lắng. Chị Minh tìm mua đủ loại TPCN bổ sung vi chất như: kẽm, canxi và kích thích ăn ngon để trợ giúp cho con. Hằng ngày, chị ép con uống đủ một vốc 4 loại TPCN khác nhau (dạng cốm, nước, viên).
Chung cảnh ngộ với chị Minh, chị Hoàng Thanh Nga (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) vì sợ con thấp còi nên cứ thấy các shop “xách tay” có hàng gì mới về là chị mua về cho con dùng. Chị Nga cho biết: Tôi chỉ tin hàng xách tay thôi, có đủ các loại mình cần từ canxi, dầu gan cá, viên omega, viên DHA cho con thông minh. Nhưng việc cho con uống đủ, đều rất khó. Con thường chỉ uống có nửa lọ rồi bỏ.
Trên thực tế, số người đưa con đi khám, kiểm tra xem con mình thiếu chất gì và tuân thủ bổ sung theo chỉ định của bác sĩ là rất ít. Các phụ huynh thường cho con trẻ sử dụng các loại TPCN thông dụng như: canxi, sắt, kẽm, sáng mắt, tăng chiều cao, tăng cân nhanh… một cách bừa bãi mà không biết rằng, lạm dụng TPCN quá mức sẽ gây nên nhiều tác hại. Chủ yếu, các phụ huynh vẫn đặt niềm tin vào “bác sĩ Google” hay những lời quảng cáo “có cánh” mà không biết rằng con mình chính là người nhận hậu quả.
Ví như trường hợp chị Nguyễn Thu Giang (thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn). Thấy con trai 8 tháng tuổi bị rụng tóc vành khăn, ngủ hay xoay trở mình, chị Giang ra hiệu thuốc mua ngay canxi và vitamin D3 về bổ sung cho con. Chỉ đến khi con quấy khóc nhiều, bú ít, không đi ngoài nhiều ngày, chị mới đưa con đi gặp bác sĩ. Bác sĩ chỉ biết lắc đầu vì chị tự ý bổ sung canxi, không đúng cách thức và liều lượng khiến bé bị táo bón nghiêm trọng.
Chất lượng khó quản lý
Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành 30 quyết định, thông báo tạm dừng lưu thông hàng hóa và thu hồi hơn 100 sản phẩm TPCN không đảm bảo an toàn, không đạt chất lượng theo chỉ tiêu công bố. Trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền (từ ngày 14/9 đến 28/9/2018) và kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh TPCN. Đến thời điểm này, đoàn đã kiểm tra được gần 30 cơ sở trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Bắc Sơn.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại Nhà thuốc 26, đường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn
Ông Hoàng Văn Tiến, Chánh Thanh tra Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: TPCN chiếm đến 30 – 50% tổng số sản phẩm được bày bán ở các cơ sở kinh doanh dược phẩm. Qua kiểm tra thực tế, đoàn chưa phát hiện TPCN trong danh mục thu hồi. Tuy nhiên, TPCN còn bán rất nhiều qua các trang mạng xã hội, rất khó quản lý.
Hiện tại trên các trang bán hàng online, TPCN được bày bán la liệt, nhiều mặt hàng được quảng cáo như một “thần dược” với nhiều công dụng. Nhưng trên thực tế thì chất lượng của các sản phẩm đó không được như mong đợi và thậm chí có người còn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Anh Vi Tuấn Nguyên (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) chia sẻ: Tôi mua TPCN về biếu mẹ để bồi bổ sức khỏe, nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện và thu hồi thì mới biết đó là hàng giả. Khi đó, mẹ tôi đã uống gần hết lọ TPCN, khiến tôi rất lo lắng, không biết có ảnh hưởng gì không.
Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo: Có rất nhiều loại TPCN tốt nhưng nếu lạm dụng và sử dụng không đúng, thì sẽ gây hại cho người sử dụng. Khi định dùng TPCN, người dân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc xem người thân của mình có biểu hiện như thế nào, chế độ ăn uống, tiền sử bệnh tật, từ đó biết được có nên dùng TPCN hay không và nên dùng loại nào cho phù hợp.

Ý kiến ()