Thúc đẩy vùng kinh tế động lực
LSO-Tập trung phát triển nhanh Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn là một trong năm chương trình công tác trọng tâm mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong đó thu hút đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng.
![]() |
Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị |
Để hỗ trợ, khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh đã áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, từ giữa năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06 về chính sách hỗ trợ và ưu đãi vào khu KTCK.
Theo các chính sách này, các doanh nghiệp đầu tư vào khu KTCK được hưởng ưu đãi, hỗ trợ trong các lĩnh vực như: ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, mặt nước; hỗ trợ về bồi thường thiệt hại, tái định cư trong giải phóng mặt bằng; đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về tài chính, tín dụng…
Ông Trần Tiến Minh, Trưởng Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: hằng năm, ban phối hợp cùng các ngành hữu quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các cuộc gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Song song với hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố các quy hoạch phát triển khu KTCK, đồng thời chỉ đạo về thực hiện cơ chế một cửa trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư lựa chọn cơ hội đầu tư và quyết định các phương án đầu tư vào khu KTCK.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết: trong quá trình khảo sát đầu tư Khu trung chuyển hàng hóa tại Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, chúng tôi đã được hỗ trợ rất nhiều, từ việc tiếp cận với các quy hoạch, cơ chế, chính sách đến hỗ trợ trong quá trình khảo sát. Chúng tôi đánh giá môi trường đầu tư của Lạng Sơn thực sự minh bạch, thông thoáng và bình đẳng.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Lạng Sơn đã tập trung nguồn lực xây dựng và từng bước hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng trong khu KTCK. Trong đó tập trung vào các hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện.
Tại khu vực cửa khẩu, hệ thống đường nội bộ, đường đấu nối đang dần được hoàn thiện. Các công trình nhà làm việc liên ngành được quan tâm đầu tư giúp cho lực lượng chức năng có điều kiện hiện đại hóa trong quản lý; rút ngắn các quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Trong 2 năm trở lại đây, kế hoạch vốn đầu tư công trong khu KTCK lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch đầu tư năm 2016 là hơn 1.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân thanh toán được khoảng 60% kế hoạch; hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 công trình. Đồng thời các đơn vị cũng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới và triển khai thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm.
Triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp từ cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách đến đầu tư cơ sở hạ tầng, Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã và đang thực sự tạo được sức hút hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã cấp thêm 3 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh 6 giấy chứng nhận đầu tư vào khu KTCK, tổng mức tăng thêm gần 300 tỷ đồng. Hiện nay Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn có 86 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 9 nghìn tỷ đồng.
Các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng hầu hết tập trung vào khu KTCK. Hiện nay, tổng số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 28 dự án thì đã có tới 22 dự án đầu tư vào khu KTCK với tổng vốn trên 174 triệu USD.
Gần 8 năm kể từ ngày thành lập, Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Các dự án đầu tư tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước hình thành khu KTCK phát triển năng động và hiện đại; dần thể hiện được vai trò là vùng kinh tế động lực, chủ đạo, có vai trò trọng yếu, là đầu mối giao lưu quan trọng của tuyến hành lang kinh tế và vành đai kinh tế ven vịnh Bắc Bộ.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()