Thực chất cái gọi là "Lãnh đạo từ phía sau" của Mỹ
Sau khi phe nổi dậy chiếmTripoli, thay vì tập trung bình luận những bước tiếp theo mà Mỹ, NATO và lực lượng nổi dậy sẽ tiến hành, giới quan sát lại đổ dồn sự chú ý vào Tổng thống Mỹ Barack Obama và cái cách mà ông đã làm trong chiến dịch tại Libya, rằng liệu đó có phải là kết quả chính sách đối ngoại mới của ông Obama hay là biểu hiện của một nước Mỹ đang dần yếu thế trên chính trường quốc tế.“Học thuyết mới”Vào cuối tháng 4-2011, một tháng sau khi NATO phát động chiến dịch nhằm hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Gaddafi, nhà báo Ryan Lizza đã cho đăng tải một bài viết có tên gọi “Người theo chủ nghĩa duy hiệu quả” (“The Consequentialist”) trên tờ The New Yorker. Trong bài viết này, Lizza đã gọi Obama là một người theo chủ nghĩa duy hiệu quả.Tác giả đã miêu tả “cuộc cách mạng” trong tư duy chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cách mà nó được áp dụng đối với hiện tượng theo cách gọi của các nước phương Tây là “Mùa...
Sau khi phe nổi dậy chiếmTripoli, thay vì tập trung bình luận những bước tiếp theo mà Mỹ, NATO và lực lượng nổi dậy sẽ tiến hành, giới quan sát lại đổ dồn sự chú ý vào Tổng thống Mỹ Barack Obama và cái cách mà ông đã làm trong chiến dịch tại Libya, rằng liệu đó có phải là kết quả chính sách đối ngoại mới của ông Obama hay là biểu hiện của một nước Mỹ đang dần yếu thế trên chính trường quốc tế.
“Học thuyết mới”
Vào cuối tháng 4-2011, một tháng sau khi NATO phát động chiến dịch nhằm hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Gaddafi, nhà báo Ryan Lizza đã cho đăng tải một bài viết có tên gọi “Người theo chủ nghĩa duy hiệu quả” (“The Consequentialist”) trên tờ The New Yorker. Trong bài viết này, Lizza đã gọi Obama là một người theo chủ nghĩa duy hiệu quả.
Tác giả đã miêu tả “cuộc cách mạng” trong tư duy chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cách mà nó được áp dụng đối với hiện tượng theo cách gọi của các nước phương Tây là “Mùa xuân Arab”.
Bài báo có dung lượng lên đến hơn 9.000 từ, không hoàn toàn theo kết cấu hình tháp ngược hay bất cứ một mô hình nào được giảng dạy tại các phòng tin tức hay các trường đào tạo báo chí. Thực ra, chỉ có đoạn gần cuối của bài viết đã thu hút trí tưởng tượng của rất nhiều độc giả – ít nhất là đối với các học giả bảo thủ và những ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới. Theo Lizza, “Obama có thể đang tiến tới một cái gì đó giống như một học thuyết”, và một trong những cố vấn đã miêu tả những hành động của Tổng thống ở Libya là “lãnh đạo từ phía sau”.
Tác giả này kết luận: “Đó không phải là một câu slogan được thiết kế cho Công ước Dân chủ năm 2012 (2012 Democratic Convention), nhưng nó đã miêu tả một cách chính xác sự cân bằng mà đến thời điểm này ông Obama dường như đã tìm ra được. Đó là một định nghĩa khác về vai trò lãnh đạo hiện tại của Mỹ so với những gì mà người ta biết đến từ trước tới nay, và nó đến từ hai niềm tin bất thành văn: thứ nhất, sức mạnh trong các mối quan hệ của Mỹ đang bị giảm sút, trong khi các đối thủ khác của Mỹ như Trung Quốc đang nổi lên; thứ hai, Mỹ đang bị nhiều nơi trên thế giới chỉ trích. Việc theo đuổi những lợi ích và phổ biến những lý tưởng của Mỹ đòi hỏi sự “ẩn mình”, khiêm tốn và sức mạnh quân sự”.
Thực ra, ngay sau khi bài báo này được xuất bản, người ta chưa để tâm quá nhiều đến nó, nhưng 4 tháng sau, khi mà lực lượng nổi dậy tại Libya nhờ sự hỗ trợ đắc lực của NATO đã lật đổ chế độ của ông Gaddfi thì bài báo này mới thực sự là tâm điểm của mọi sự chú ý. Người ta lật lại cái gọi là “lãnh đạo từ phía sau” của ông Obama, có những người cho rằng đó là “bảo bối” mang lại thành công cho người Mỹ trong chiến dịch can thiệp vào Libya, là “học thuyết mới” trong chính sách đối ngoại mà vị tổng thống Mỹ đang theo đuổi nhưng cũng có không ít người tỏ ra hoài nghi, không đồng tình với những nhận định đó.
“Phép thử Libya”
Tháng 12-2009, Obama tuyên bố sẽ rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan cho đến cuối nhiệm kỳ thứ nhất của mình. Ông cũng cam kết, trong một bài diễn thuyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm ngoái là sẽ “hướng đến một cách tiếp cận có mục đích hơn” và cách tiếp cận đó sẽ “tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố mà không cần triển khai lực lượng quân đội Mỹ trên quy mô lớn”. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Obama đã hoàn thành được gần hết những gì mà ông đã từng hứa. Quân đội Mỹ đang dần được rút khỏi cả Iraq và Afghanistan. Ông cũng tiếp tục theo đuổi cuộc chiến chống lại mạng lưới khủng bố Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác, kết quả là Osama bin Laden đã bị tiêu diệt một cách khá nhẹ nhàng. Những sự kiện đó bắt đầu khiến người ta có cơ sở cho rằng Barack Obama đang tìm kiếm một con đường nào đó rất khác so với người tiền nhiệm George Bush trong chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, phép thử rõ ràng nhất đối với chính sách của ông Obama đó chính là cuộc xung đột tại Libya. Với cam kết sẽ tái thiết lại các mối quan hệ đồng minh, trong chiến dịch cùng NATO tại Libya, Mỹ đã san sẻ phần lớn trách nhiệm với các nước khác, các nước châu Âu đặc biệt là Anh và Pháp đã đảm nhiệm vai trò chính trong chiến dịch này.
Mỹ đã không khởi xướng “vùng cấm bay” tại Libya mà người châu Âu đã làm việc đó, nhưng khi nhà lãnh đạo Gaddafi đang tiến rất gần đến việc tiêu diệt hàng ngàn quân nổi dậy tại Benghazi và các thành phố khác ở phía Đông, Mỹ đã lập tức hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết thiết lập “vùng cấm bay” dọn đường cho lực lượng NATO tiến vào Libya đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của Liên đoàn Arab, sự ủng hộ vật chất từ United Arab Emirates, Jordan và Qatar.
Và khi chiến dịch bắt đầu, ông Obama đã cố gắng giữ cho Mỹ “ở phía sau”. Theo thông tin được đăng tải trên tờ The Wall Street Journal, một quan chức cấp cao của NATO cho biết, các máy bay của NATO đã thực hiện gần 21.000 đợt không kích trên toàn lãnh thổ Libya, trong đó các nước châu Âu (chủ yếu là Anh và Pháp) thực hiện tới 75%. Những lực lượng đặc biệt của Anh và Pháp còn đến Libya giúp huấn luyện và trang bị cho lực lượng nổi dậy. Trong khi đó, các đợt không kích của Mỹ chỉ chiếm tới 16% và Mỹ chỉ gửi tới Libya một số mật vụ CIA, quan chức ngoại giao và không có bất cứ một lính Mỹ nào.
Châu Âu còn giúp đỡ lực lượng nổi dậy thông qua việc cung cấp các quan chức cho những trung tâm chỉ huy. Charles Bouchard, một sĩ quan không quân người Canada cho biết có tới 90% những người cùng làm việc với ông là những người đến từ châu Âu. Lực lượng hải quân châu Âu cũng đóng góp một lượng lớn các nguồn lực: có khoảng 15-20 tàu chiến luôn trong tư thế sẵn sàng xuất phát tại bờ biển Libya bất cứ lúc nào, trong đó chỉ có 1 hoặc 2 tàu chiến của Mỹ.
Những con số trên thể hiện khá ấn tượng vai trò của NATO trong chiến dịch. Tuy nhiên, sự đóng góp của Mỹ, dù rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng. Với các máy bay ném bom tàng hình B-2 hàng đầu, lực lượng không quân và hải quân Mỹ đã khởi động chiến dịch hồi tháng 3 bằng việc phá huỷ hệ thống phòng không của Libya, tạo điều kiện thuận lợi cho các máy bay châu Âu tiến hành các đợt không kích. Liền sau đó, Mỹ đã rút các máy bay bay A-10, F-16 và những máy bay chiến đấu khác, để lại phần lớn các cuộc tấn công cho châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ vẫn triển khai máy bay không người lái Predator và các trang thiết bị khác bao gồm cả máy bay ném bom B-1 để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng với độ chính xác cao. Hơn thế nữa, Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh và máy bay để có thể xác định vị trí và chặn đứng mọi hình thức liên lạc của đối phương, hướng dẫn thời gian cụ thể cho trung tâm “tổng lực” của NATO, tiếp nhiên liệu trên không từ KC-135 và máy bay KC-10 cho phép máy bay chiến đấu châu Âu bay liên tục. Rõ ràng, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, chiến dịch của NATO khó mà diễn ra một cách suôn sẻ.
Ngay sau khi quân nổi dậy chiếm được Tripoli, ngày 22-8, Obama đã có một bài phát biểu về tình hình tại Libya. Trong đó có đoạn, “Mỹ sẽ là một người bạn là một đối tác. Chúng tôi sẽ cùng với liên minh và các cộng sự tiếp tục công việc bảo vệ người dân Libya. Tôi đã chỉ đạo lực lượng phối hợp chặt chẽ với NATO và Liên hợp quốc để xác định những bước đi tiếp theo mà chúng ta có thể thực hiện”.
Như vậy, trước, trong và sau chiến dịch can thiệp vào Libya, Mỹ đều không đóng vai trò đầu tàu mà san sẻ phần lớn trách nhiệm với nhiều nước khác. Tại thời điểm mà tài chính là một nỗi ám ảnh đối với chính quyền Obama, thì Mỹ đã hạ bệ chính quyền của ông Gaddafi với một cái giá rất rẻ: theo thông tin được đăng tải trên trang Politico, tính đến ngày 22-8, Mỹ không có bất kì thương vong nào và chỉ phải chi ra 1,1 tỷ USD cho sứ mệnh của Mỹ trong chiến dịch của liên minh nhằm vào Libya, số tiền này chỉ tương đương với vài ngày tham chiến tại Afghanistan.
Nhiều tranh cãi
Nhiều nhà phân tích nhận định, việc Col. Muammar Gaddafi bị lật đổ đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Obama. Đó có thể được xem là một bằng chứng rõ ràng về cách tiếp cận chính sách ngoại giao có phần khiêm tốn hơn của Mỹ và trở thành nét đặc trưng trong đường lối đối ngoại của ông Obama, là sự tương phản lớn nhất trong chính sách của ông với người tiền nhiệm theo chủ nghĩa can thiệp George Bush. Nó cho thấy “chính sách mới” của ông Obama có thể thực thi trong thực tế.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với những gì mà ông Obama thực hiện trong chiến dịch tại Libya, họ còn cho rằng đó chẳng khác nào sự bán rẻ sức mạnh và thanh danh của nước Mỹ. Các thượng nghị sĩ John McCain và Linsay Graham thậm chí còn đưa ra một bản tuyên bố chúc mừng Anh và Pháp nhưng lại “thấy hối tiếc vì sự thành công này mất quá nhiều thời gian do Mỹ đã không sử dụng hết khả năng lực lượng trên không”.
Nhà bình luận kỳ cựu của tờ Bưu điện Washington, Charles Krauthammer cũng nhận định theo một hướng khá nặng nề. Ông cho rằng, “lãnh đạo từ phía sau” chỉ là một phương pháp chứ không phải là một học thuyết. Nó miêu tả chính xác sự thụ động đến bất ngờ của ông Obama trong suốt “Cuộc cách mạng xanh” của Iran, đến sự do dự đối với Libya, hành động vào phút chót sau đó trút bỏ gánh nặng cho một liên minh đang lục đục. Đó là một chính sách ngoại giao trì trệ và không quyết đoán, “lãnh đạo từ phía sau” không phải là lãnh đạo mà thực ra là một sự thoái vị.
Công bằng mà nói, với trường hợp Libya thì việc ông Obama lựa chọn “lãnh đạo từ phía sau” là một bước đi hợp lý. Hãy xem xét lại các sự kiện trước đó: khi các cuộc nổi dậy nổ ra tại Tunis và Cairo rồi sau đó bắt đầu lan sang Libya hồi cuối tháng 2, Mỹ vẫn còn sa lầy trong cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan và bị đánh giá là mất niềm tin sâu sắc tại nhiều nơi trên thế giới và ngay cả trong lòng nước Mỹ. Hơn thế nữa, quân đội Mỹ đã được triển khai một cách quá dàn trải trên khắp thế giới, ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates cũng phản đối bất kỳ sự tham gia nào của quân đội vào Libya. Trong tình thế đó thì còn cách nào tối ưu hơn là “lãnh đạo từ phía sau”?
Chiêu PR tinh tế
Gần như ngay sau khi lực lượng nổi dậy chiếm được Tripoli, Phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách truyền thông chiến lược của chính quyền Obama , Ben Rhodes, đã bắt đầu thông tin tới giới truyền thông rằng những bước đi nhẹ nhàng của ông Obama trong việc thay đổi chế độ tiến bộ hơn rất nhiều so với phương pháp của Cựu Tổng thống Bush. Nhà Trắng đã nhanh chóng ca ngợi sự tham gia của Mỹ trong sự can thiệp vào Libya của NATO là một thắng lợi, và thậm chí đó có thể là một khuôn mẫu cho những lần can thiệp quân sự trong tương lai. Đó là một kiểu can thiệp không giống với bất cứ hình mẫu nào, ở bất cứ nơi đâu. Thậm chí một quan chức cấp cao còn “tung hô” rằng: “Reagan nhắm vào Gaddafi, Bush nhắm vào Bin Laden; Obama đã giúp họ làm được cả hai việc đó”.
Với sự xuất hiện dày đặc các bài phân tích bình luận trên báo chí, những phát ngôn của các quan chức cấp cao, các nhà bình luận kỳ cựu về chính sách đối ngoại, Nhà Trắng đã khá thành công trong việc đánh lạc hướng dư luận hoặc chí ít là khiến người ta phải chú ý, tranh cãi về chính sách đối ngoại của Mỹ mà nhân vật chính ở đây là Tổng thống Barack Obama – ứng cử viên sáng giá trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2012 sắp tới.
Quan trọng hơn, chính những lời ca tụng một cách thái quá đã đặt đảng Cộng hoà vào thế khó. Hầu hết các lãnh đạo hiện tại của đảng Cộng hoà đều là những lãnh đạo chúc mừng cựu Tổng thống Bush trong cuộc thử nghiệm học thuyết “đánh phủ đầu” đẫm máu của ông nhằm lật đổ chính quyền tại Iraq, nhưng hiện tại, họ lại phản đối, phê phán hay tìm cách ngăn cản ông Obama thử nghiệm một chính sách “mềm dẻo” ít tốn người, tốn của.
Thực chất, những gì ông Obama đã và đang làm tại Libya vẫn chưa đủ để khẳng định đó là chiến thắng của người Mỹ, rằng người Mỹ đang “lãnh đạo từ phía sau” và ông Obama đang bắt đầu đưa nước Mỹ vào kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại. Rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, tiêu diệt Osama bin Laden hay “lãnh đạo từ phía sau” chẳng qua là những cái cớ để Nhà Trắng thực hiện một “chiêu PR tinh tế” cho ông Obama trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử 2012 đang đến gần.
Theo Nhandan

Ý kiến ()