Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công, khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm trong cả nước
Sáng 19-4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn trong cả nước chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025).
Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trực tuyến tới 79 điểm cầu tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước; được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang dự các điểm cầu.
Cùng dự tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các phó thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự tại điểm cầu chính Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Sự kiện có tính chất lịch sử trong phát triển hạ tầng
Phát biểu tại sự kiện, khẳng định, việc đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, trọng điểm quốc gia tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước là sự kiện có tính chất lịch sử, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tri ân cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình của cả dân tộc đã trở thành hiện thực với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cách đây 50 năm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đã làm cho mọi người, mọi nhà thỏa lòng mong ước sau nhiều năm kháng chiến, kiến quốc anh dũng mà kiên cường; hy sinh, mất mát nhưng đầy kiêu hãnh và tự hào.
Thủ tướng cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu cụ thể: "Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp".
Để đạt mục tiêu đó, một trong 3 đột phá chiến lược được xác định là: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".
Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là phấn đấu thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 100 năm lập nước, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đảng ta xác định, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là phải tập trung nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, hóa giải mọi điểm nghẽn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành sớm các dự án trọng điểm ngay trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong số 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm được khởi công, khánh thành dịp này, có 47 công trình như: 5 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa... Đặc biệt, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch.
Cùng với đó, khởi công mới 33 công trình như: Nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, thành phố Hà Nội; dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến vành Đai II TP Hồ Chí Minh; Nhà ga T2 cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình); nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng...
Thủ tướng khẳng định, các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành này đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng- an ninh, không ngừng cải thiện đời sống người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Triển khai các công trình, dự án với tinh thần "thần tốc, táo bạo"
Nhấn mạnh các ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng- an ninh và hội nhập quốc tế từ việc khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án này, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ "6 bài học kinh nghiệm quý báu" trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng chiến lược nói riêng.
Trong đó, có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp, ngành, địa phương với tinh thần: Nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc gì ra việc nấy.

Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tranh thủ sự ủng hộ, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Với phương châm: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi - chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Tập trung tháo gỡ các rào cản về thể chế, nỗ lực cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin cho các chủ thể thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc phân công bảo đảm 6 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; để "dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ đôn đốc".

Với tinh thần "đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; đã hiệu quả càng hiệu quả hơn nữa" để phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Đối với các công trình, dự án khởi công dịp này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng lưu ý, quá trình triển khai dự án, phải thực hiện "3 có, 2 không", trong đó "3 có" là có lợi cho Nhà nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp; "2 không" là không tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của nhân dân.
Các địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển nhà ở xã hội; phấn đấu hiện thực hóa chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trước năm 2030; cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 để mọi người dân đều được hưởng niềm vui có nhà, có chỗ ở ổn định, khang trang, an cư lạc nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi, mỗi cá nhân, mỗi chủ thể tham gia dự án luôn nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và môi trường, với tinh thần "tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước".
Thủ tướng khẳng định, việc hoàn thành các dự án hạ tầng chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng để chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025.
Với tinh thần "thần tốc, táo bạo" của những ngày tháng tư lịch sử năm 1975, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức tuyên bố và cùng các đại biểu ở điểm cầu trung tâm và các điểm cầu trên cả nước thực hiện nghi thức khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các công trình lớn, quan trọng của Trung ương và các địa phương trên cả nước trong năm 2025.

Ý kiến ()