Thôn Phiêng Chuông: Cần một cây cầu
(LSO) – Phiêng Chuông là thôn vùng III thuộc xã vùng II Hùng Việt, huyện Tràng Định đang gặp rất nhiều khó khăn về đi lại. 15 hộ dân của thôn muốn đến trung tâm xã phải đi qua hai lần đò. Không những vậy, khu vực người dân sinh sống lại gần dự án thủy điện Thác Xăng, từ năm 2016, khi nhà máy đi vào vận hành, mỗi lần xả nước, việc đi lại của người dân càng khó khăn hơn. Nhu cầu về một cây cầu phục vụ người dân đi lại là rất cấp bách.
Từ trung tâm xã Hùng Việt muốn đến thôn Phiêng Chuông phải vượt qua 6 km đường liên thôn ngoằn ngoèo chật hẹp và phải qua 2 con sông là sông Kỳ Cùng và sông Bắc Giang. Vị trí của thôn được bao bọc bởi ba phía là dòng sông Bắc Giang, phía còn lại là đồi núi dốc không có đường đi.
Toàn thôn có 15 hộ (gần 80 nhân khẩu, có 17 cháu đang theo học các cấp học tại trung tâm xã), đời sống người dân dựa vào khoảng 4 ha đất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Thôn có hơn 240 ha đất rừng nằm dọc theo dãy núi Khau Khảo, nhưng 2/3 diện tích nằm trong diện quy hoạch rừng phòng hộ. Về cơ sở hạ tầng văn hóa xã hội, thôn không có điểm trường, nhà họp thôn rộng 24 m, tuy nhiên đã xuống cấp nghiêm trọng. Do điều kiện sống khó khăn, đã có vài hộ tìm kế lập nghiệp ở nơi khác, bỏ hoang nhà cửa, ruộng vườn.
Việc đi lại của người dân Phiêng Chuông rất khó khăn vì phải qua sông bằng bè mảng
Trước đây, khi dự án Nhà máy Thủy điện Thác Xăng chưa được đầu tư xây dựng, việc đi lại của người dân qua sông đã khó khăn nhưng không nguy hiểm như bây giờ. Ông Lý Văn Nội, nguyên Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Khi chưa có Nhà máy Thủy điện Thác Xăng, mặt sông Bắc Giang phẳng lặng ổn định, việc đi bè mảng qua sông dù vất vả nhưng không nguy hiểm như bây giờ. Từ khi dự án thủy điện đi vào hoạt động năm 2016, việc tích nước khiến cho dòng sông khu vực hạ lưu của đập thủy điện bị cạn, nhưng mỗi khi vận hành 2 tổ máy việc xả nước rất lớn khiến cho dòng chảy bị thay đổi, dòng nước siết và trở nên hung dữ hơn. Nếu chẳng may người dân trong thôn phải cấp cứu đột xuất thì không biết xử lý như thế nào.
Theo số liệu báo cáo của UBND xã Hùng Việt, mỗi khi hai tổ máy hoạt động, lưu lượng nước xả là 90 m3/giây, mực nước dâng so với hạ lưu sông Bắc Giang khu vực chảy qua thôn Phiêng Chuông cao hơn 2 m, còn lúc xả lũ là 120 m3/giây và mực nước dâng cùng vị trí lên tới 3,5 m. Hiện mỗi ngày nhà máy xả nước 2 lần để vận hành hai tổ máy vào buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ và buổi chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ. Đây là thời điểm đưa, đón các cháu đến trung tâm xã đi học và đưa về nhà, hoặc các bậc cha mẹ đi làm khi qua sông về nhà rất nguy hiểm.
Ông Hoàng Trung Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Việt cho biết: Khi nhà máy thủy điện đang đầu tư xây dựng, bà con trong thôn và xã đã không lường trước được sự thay đổi của dòng chảy. Do vậy, từ lúc nhà máy đi vào vận hành, việc xả nước thường xuyên hằng ngày làm thay đổi dòng chảy, khi ấy, bà con mới nhận ra những bất cập mỗi khi có việc phải đi lại qua sông.
Trước những khó khăn về giao thông của người dân thôn Phiêng Chuông, đầu tháng 5/2019, UBND huyện Tràng Định và các ngành chức năng của tỉnh đã có buổi làm việc với Nhà máy Thủy điện Thác Xăng để tìm hướng tháo gỡ và giải quyết kiến nghị của bà con. Tại buổi làm việc, UBND huyện Tràng Định, các ngành chức năng và Nhà máy Thủy điện Thác Xăng 1 đã thống nhất được vị trí dự kiến xây dựng cầu, còn việc huy động vốn đầu tư sẽ sử dụng lồng ghép các nguồn lực.
Ông Hà Văn Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Sử Pán 1 cho biết: Quan điểm của công ty là sẽ xem xét hỗ trợ và thực hiện trách nhiệm của mình với người dân địa phương. Tuy nhiên, huyện Tràng Định cần lập dự toán chi tiết công trình để công ty có căn cứ xem xét, cân đối để hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cho người dân.
Được biết, hiện huyện Tràng Định đã giao phòng chức năng lập dự toán, thiết kế công trình với quy mô chiều dài cầu hơn 60 m, mặt cầu rộng 2,5m và cao độ mặt cầu tối thiểu phải đạt yêu cầu vượt lũ thường xuyên.
CÔNG QUÂN

Ý kiến ()