Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức
Ngày 13/11, tại Hà Nội, Báo Công Thương điện tử đã tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức”.
Ngày 13/11, tại Hà Nội, Báo Công Thương điện tử đã tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thị trường bán lẻ Việt Nam – Cơ hội và thách thức”.
Tham dự buổi giao lưu trực tuyến có đại diện Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương; đại diện Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố; Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam; đại diện một số tập đoàn, tổng công ty sản xuất, phân phối, bán lẻ, đại diện một số cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình…
Doanh nghiệp trong nước cóbị “lấn sân”?
Tại buổi giao lưu, ông Trần Nguyên Năm – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Tính đến cuối năm 2012, thị trường Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, các tập đoàn nước ngoài mới chỉ chiếm 40%; khoảng 125 trung tâm thương mại (TTTM), trong đó TTTM của tập đoàn nước ngoài chiếm 25%. Như vậy, tương quan lực lượng giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài tương đối cao. Tiềm năng thị trường Việt Nam còn rất lớn, ông Năm hy vọng từ nay đến 2015, với sự cố gắng của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, hệ thống bán lẻ của Việt Nam có thể cạnh tranh được. Ông Năm cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan nhà nước, bộ, ngành trung ương phối hợp hỗ trợ về cơ chế chính sách, sửa đổi phù hợp để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thể vươn lên…
![]() |
Hình ảnh tại buổi giao lưu (Ảnh: K.D) |
Trước ý kiến nhận định, gần đây thị trường bị thu hẹp do các nhà bán lẻ nước ngoài “lấn sân”, b à Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằngkhông thật sự chính xác. Bà khẳng định, thị phần của doanh nghiệp nội đang rất mở rộng và có nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, không nên quá bi quan với các nhận định thị trường bị mất vào tay doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
Một số doanh nghiệp cũng thắc mắc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi của Việt Nam nên có nhiều lợi thế để phát triển, trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp trong nước hầu như lại không được hỗ trợ hay tạo điều kiện gì. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã chia sẻ: Trước năm 2003, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cũng có, bởi vì thời kỳ đó kinh tế Việt Nam khó khăn nên trong chính sách có tính ưu đãi đầu tư của Tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2003 các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều bình đẳng như nhau.
Không đồng tình với ông Năm, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, mặc dù không có chính sách cụ thể ưu đãi các doanh nghiệp bán lẻ ngoại nhưng ở một số địa phương các doanh nghiệp này vẫn được ưu ái. Đơn cử như mặt bằng, các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở tỉnh nhưng không được giải quyết mà vị trí đó đã “rơi” vào tay doanh nghiệp ngoại. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này.
Liên kết để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt
Đánh giá về các chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước thời gian vừa qua, ông Trần Nguyên Năm cho biết: các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tiêu thụ hàng Việt. Qua theo dõi và tổng hợp, kết quả đưa hàng Việt về nông thôn đã thành công nhất định, thể hiện ở doanh thu, số lượng của doanh nghiệp tham gia chương trình này, thông qua hội chợ chuyên về hàng Việt.
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong thời gian tới, nhiều ý kiến tham vấn nên thực hiện mô hình liên kết giữa người bán hàng và Nhà sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Hapro) chia sẻ: Là doanh nghiệp phân phối nhưng Hapro có những đặc thù riêng đó là diện tích nhỏ, đan xen trong khu dân cư với tiện ích cao. Hiện nay, Hapro có 10 công ty là các nhà sản xuất. Các mặt hàng sản xuất ra rất đa dạng, như gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng, tới các mặt hàng thời trang như Fahaco, sản phẩm từ ba lô, túi cọc… đến các mặt hàng rượu, các sản phẩm kem… Chính tính đa dạng hóa của Hapro đã tạo thế chủ động trong hàng hóa.
Bà Hiền còn khẳng định, mô hình liên kết trên là có tính tất yếu, tương hỗ rất mạnh giữa người sản xuất và bán hàng. Các doanh nghiệp phân phối đều phải đi theo con đường như vậy. Bản thân Hapro đã đi theo chương trình liên kết thương mại giữa các tỉnh trong toàn quốc về nguồn hàng, tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong nội bộ của các tỉnh. Nhờ sự tham gia đó, đơn vị đã tìm kiếm từ nguồn hàng địa phương, nguồn hàng thực phẩm, nông sản và nguồn hàng vùng, miền như hoa quả vùng miền để đưa vào hệ thống phân phối. Việc làm này hỗ trợ thương mại nội địa giữa địa phương và doanh nghiệp rất tốt.
Về vấn đề này, ông Trần Nguyên Năm khẳng định: đây là hướng đi đúng để có sự kết nối từ Nhà sản xuất đến người tiêu dùng và thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đặt ra là phần lớn các cơ sở sản xuất và nuôi trồng của bà con nông dân có quy mô nhỏ, tự phát, manh mún, không đại trà và vấn đề quan trọng là quy trình sản xuất chưa tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu vốn… Trong khi chỉ còn 1 năm nữa là mở cửa hoàn toàn đối với lĩnh vực bán lẻ (năm 2015), các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài lại đang từng bước chinh phục và phát triển mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ Việt Nam thì thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng bị thu hẹp… Vì vậy, các đại biểu tham dự buổi giao lưu đều bày tỏ mong muốn cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp phân phối bán lẻ mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy thị phần trong nước…
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()