Thận trọng khi mở rộng diện tích cây mắc-ca
Hai mươi năm qua, trong khi các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn loay hoay khảo nghiệm thì việc người dân ồ ạt trồng và doanh nghiệp công bố đề án trồng hàng trăm nghìn ha mắc-ca đã dấy lên dư luận trái chiều, cả đồng tình, lo ngại và phản đối. Hầu hết các ý kiến lo ngại tập trung vào ba vấn đề là: Chất lượng giống; hiệu quả kinh tế; việc mở rộng diện tích quá lớn cây mắc-ca hiện có phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên hiện nay?
(tiếp theo và hết) (*)
Bài 2: Khẩn trương quy hoạch đồng bộ về sản xuất mắc-ca
Quyết tâm của một doanh nghiệp
Tháng 2-2015, tại hội thảo về Chiến lược phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế T.Ư và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức, Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giới thiệu lộ trình triển khai đề án đầu tư phát triển cây mắc-ca, dự kiến đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng trong 5 năm đầu để trồng khoảng 200 nghìn ha cây mắc-ca ở Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank, đề án nêu trên xuất phát từ thực tế nhiều loại cây công nghiệp ở vùng đất màu mỡ Tây Nguyên phát triển không ổn định, nhiều vườn cây già cỗi, hiệu quả kinh tế kém, trong khi cây mắc-ca đã được khảo nghiệm cho thấy phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Tây Nguyên, cho hiệu quả kinh tế cao và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới cao hơn nhiều so với sản lượng hiện có.
Tháng tư vừa qua, LienVietPostBank tổ chức đoàn cán bộ hơn 40 người tham quan vườn ươm giống mắc-ca của Công ty CP Xuất nhập khẩu nông, lâm sản chế biến tại Ba Vì (Hà Nội), ông Nguyễn Đức Hưởng đặt vấn đề mua giống mắc-ca để chuyển vào Tây Nguyên. “Hiện nay, chúng tôi đang thiếu giống trầm trọng, đã tính đến phương án nhập giống từ nước ngoài để có thể triển khai đề án ngay từ năm 2015”. Chúng tôi hỏi: “Cơ sở nào để Ngân hàng quyết định đầu tư một khoản tiền khá lớn vào nông nghiệp – lĩnh vực thường chứa đựng nhiều rủi ro?”. Ông Hưởng bày tỏ sự lạc quan: “Chúng tôi là doanh nghiệp, đầu tư gì cũng có mục đích sinh lợi. Từ thực tế biến động của giá cả các loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên, chúng tôi rút ra kinh nghiệm sẽ đầu tư bài bản, đồng bộ. Thí dụ, các cán bộ tín dụng đi tham quan hôm nay, mai kia sẽ là người giải ngân cho dân vay vốn trồng mắc-ca. Vì vậy họ cần thành thạo cả kỹ thuật trồng, đánh giá chất lượng vườn cây. Chúng tôi sẽ cho nông dân và doanh nghiệp vay vốn trồng, hướng dẫn kỹ thuật và sẽ xây các nhà máy chế biến, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Với diện tích dự kiến như nêu trên, chúng ta kỳ vọng sẽ trở thành nước có diện tích trồng mắc-ca lớn nhất thế giới và sẽ chi phối thị trường mắc-ca vì có sản lượng lớn nhất thế giới. Để hạn chế rủi ro cho người trồng, chúng tôi sẽ thành lập công ty CP bảo hiểm nhằm bảo hiểm cho toàn bộ diện tích trồng mắc-ca”.
Cũng trong tháng 2-2015, Công ty CP Him Lam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Mắc-ca Ô-xtrây-li-a. Hiện Công ty CP Him Lam đang tổ chức thị trường, xây dựng sản phẩm và quy trình cho vay đối với các hộ dân trồng mắc-ca. Nhà máy chế biến dự kiến sẽ được xây dựng trong năm nay. Mới đây, LienVietPostBank đã có văn bản báo cáo và đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiến lược phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam, đề nghị Bộ và các nhà khoa học nghiên cứu xây dựng đề án cụ thể về thị trường tiêu thụ mắc-ca trong nước và quốc tế trong ngắn hạn và dài hạn; đề xuất thành lập Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam và Hiệp hội Mắc-ca Tây Nguyên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn phúc đáp, giao Tổng cục Lâm nghiệp, đơn vị quản lý cây mắc-ca, làm đầu mối phối hợp LienVietPostBank triển khai các công tác nêu trên, đồng thời ủng hộ đề xuất thành lập các hiệp hội mắc-ca nói trên.
Lo ngại của nhà khoa học
Cùng một loại cây, cùng kết quả khảo nghiệm, nhưng việc đề xuất mở rộng mắc-ca lên hàng trăm nghìn ha đã dấy lên nhiều dư luận khác nhau trong xã hội, nhất là từ các nhà khoa học và chuyên gia nông nghiệp. Đã có rất nhiều nhà khoa học như TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học – Kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên; GS, TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam; GS Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng… lên tiếng ủng hộ việc mở rộng diện tích loại cây này thì cũng có nhiều nhà khoa học khác bày tỏ lo ngại. (GS, TS Lê Đình Khả, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, ông cùng các cộng sự trực tiếp triển khai đề tài khảo nghiệm mắc-ca từ năm 2002, cho nhiều kết quả khác nhau nhưng về cơ bản, cây mắc-ca phù hợp ở những điểm khảo nghiệm tại Tây Nguyên và Tây Bắc. Mặc dù khẳng định là loại cây lấy gỗ, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cần đầu tư trồng là đúng nhưng GS Khả cho rằng, mở rộng diện tích lên đến hàng trăm nghìn ha là quá lớn, thiếu thực tế do không còn nhiều quỹ đất trống và giá trị kinh tế cần phải tính toán kỹ. “Phải lấy giá thương mại trên thị trường và giá tại trang trại làm căn cứ tính lời, lãi cho người trồng. Nếu khâu chế biến chiếm từ 60 đến 70% lợi nhuận thì người trồng làm gì có lãi”.
Theo GS Lê Đình Khả, cần tính toán kỹ quỹ đất và quy hoạch vùng trồng, diện tích trồng phù hợp. “Để hạn chế rủi ro về năng suất và thiệt hại kinh tế của người trồng, bắt buộc cây giống phải được kiểm nghiệm, công nhận và phù hợp vùng sinh thái. Mỗi vùng cần trồng hai đến ba giống thì sẽ cho năng suất cao vì mắc-ca thụ phấn chéo. Ngoài ra trồng thuần cũng cần xen canh để tăng thu nhập trên cùng diện tích cho người trồng”. TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – cây thực phẩm lại có ý kiến cho rằng cần rút kinh nghiệm từ cây ca-cao khi phổ biến cho nông dân trồng đã không nghiên cứu đầy đủ cho nên khi làm ra sản phẩm thì giá trị kém. Với cây mắc-ca, chưa có nghiên cứu nào cụ thể xem nhu cầu sử dụng thực tế ra sao, chưa có tiêu chuẩn cho sản phẩm. “Nếu không thống nhất được tiêu chuẩn thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi nếu không đạt tiêu chuẩn thì không xuất khẩu được, còn ở trong nước thì biết bán cho ai?”.
Trong khi đó, GS Hoàng Hòe lại lạc quan hơn. Ông cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên có ít nhất một triệu ha phù hợp với cây mắc-ca, trong đó cần quy hoạch phát triển 200 nghìn ha mắc-ca để phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường thế giới trong mấy chục năm tới. “Trong số 200 nghìn ha nên có 100 nghìn ha trồng xen canh vào vườn cà-phê, 100 nghìn ha còn lại nên trồng thuần ở những vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp. Tây Nguyên hiện có rất nhiều vườn cà-phê năng suất chỉ đạt từ 1,5 đến 1,8 tấn hạt/ha. Đối với những diện tích đó không nên tái canh mà nên trồng xen mắc-ca để dần thay thế. Giáo sư cho biết, đã đi thăm nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng, Đác Nông, Kon Tum trồng xen mắc-ca vào cà-phê và cả hai loại cây phát triển tốt, cà-phê vẫn cho năng suất cao, người dân lại có thêm nguồn thu lớn từ cây mắc-ca.
Cần sớm quy hoạch đồng bộ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 1994 đến nay, nước ta đã nhập giống và khảo nghiệm cây mắc-ca ở 16 tỉnh, thành phố, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển loại cây này. Bộ đã xây dựng 20 mô hình khảo nghiệm với tổng diện tích 35 ha, trong đó 30 ha đã ra hoa, đậu quả và cho nhiều kết quả khác nhau. Ở mô hình khảo nghiệm đã ra quả có sản lượng quả tươi cao nhất vào năm thứ 10 đạt từ 17,5 đến 21,5 kg quả/cây (tương đương 3,9 đến 4,7 tấn/ha/năm), nơi thấp đạt 1,9 đến 2,5 tấn/ha/năm, có nơi không đậu quả, đồng thời công nhận được 10 giống mắc-ca. Từ năm 2012, Bộ đã triển khai dự án thâm canh mắc-ca tại Tây Bắc, Tây Nguyên, đến nay dự án trồng được hơn 478 ha, trong đó 125 ha trồng xen, cho tỷ lệ cây sống hơn 95%, đạt chiều cao từ 1,6 đến 2,6 m/cây. Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân trong nước tự trồng gần 2.000 ha, chủ yếu tại Tây Nguyên (1.645 ha) và Tây Bắc (278 ha); giao Viện điều tra quy hoạch rừng tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển mắc-ca cho hai vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Tuy nhiên, do kết quả khảo nghiệm khác nhau và cần xem xét kỹ các vấn đề chế biến, thị trường, nên đến nay Bộ chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt, cũng chưa ban hành quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc. Trước tình hình nông dân ồ ạt trồng mắc-ca, mới đây, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương, đề nghị hướng dẫn nông dân chỉ trồng mắc-ca ở nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện sinh thái tương tự, không trồng trên quy mô lớn ở các khu vực chưa được khảo nghiệm khẳng định hiệu quả, đồng thời đề nghị tổng diện tích mắc-ca đến năm 2020 trên cả nước chỉ khoảng 10 nghìn ha. Các địa phương cần tổ chức khảo nghiệm, xác định quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng khí hậu với phát triển cây mắc-ca. Việc trồng quy mô lớn phải bảo đảm các điều kiện nêu trên và phải gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường quản lý giống…
Cuối tháng tư vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc-ca; tăng cường các biện pháp quản lý về chất lượng giống; hướng dẫn người sản xuất hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển cây mắc-ca theo hướng nhanh, bền vững.
Rõ ràng, dù quá chậm trong khảo nghiệm và quy hoạch mắc-ca nhưng những chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hết sức cần thiết để “giảm nhiệt” phong trào trồng cây mắc-ca đang “nóng” nhằm hạn chế rủi ro cho hàng chục nghìn hộ dân khi tham gia trồng loại cây này.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án mắc-ca Lâm Đồng, ngày 8-4, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban chỉ đạo dự án cho biết, tỉnh sẽ không trồng ồ ạt mắc-ca trên địa bàn vì đây là cây quá mới và thị trường chưa rõ. Tỉnh sẽ công bố diện tích trồng mắc-ca cụ thể sau khi Công ty CP Him Lam trình bày kế hoạch chi tiết việc hợp tác trồng mắc-ca với nông dân vào tháng 6-2015. Bước đầu chỉ trong mức 22 nghìn ha; phối hợp với Công ty Him Lam chuẩn hóa các giống mắc-ca trồng tại tỉnh Lâm Đồng và kiểm soát các vườn ươm tự phát. Cây mắc-ca sẽ trồng xen canh cây cà-phê có năng suất dưới ba tấn/ha và đang tái canh để tránh xáo trộn cơ cấu cây trồng.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 12-5-2015.
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()