Thái-lan đẩy mạnh việc nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm
Trong bối cảnh hậu quả suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh, làm sức mua trên thị trường thế giới giảm sút và dịch bệnh tôm hoành hành ở nhiều nước, nhưng tại Thái-lan, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm của nước này vẫn khởi sắc, đạt mức tăng, cả về khối lượng và giá trị.Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái-lan, ông Xổm-sặc Pan-ni-ta-ti-da-sai cho biết, việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu tôm của Thái-lan vẫn trong tình trạng rất tốt, mặc dù sức tiêu thụ chậm và thị trường tôm thu hẹp lại. Tại Thái-lan, các nhà khoa học đã tự phát triển thành công thiết bị cảnh báo trước các loại bệnh ở tôm, giúp những hộ nuôi tôm nước này tránh được các vụ dịch làm tôm chết hàng loạt. Triển vọng năm tới của nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu tôm của Thái-lan cũng đầy hứa hẹn, khi sản xuất tôm toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, sản lượng chung chưa thể tăng.Xuất khẩu tôm của Thái-lan năm nay đạt khoảng 400 nghìn tấn, đạt giá trị 100 tỷ bạt (hơn 30 tỷ...
Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái-lan, ông Xổm-sặc Pan-ni-ta-ti-da-sai cho biết, việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu tôm của Thái-lan vẫn trong tình trạng rất tốt, mặc dù sức tiêu thụ chậm và thị trường tôm thu hẹp lại. Tại Thái-lan, các nhà khoa học đã tự phát triển thành công thiết bị cảnh báo trước các loại bệnh ở tôm, giúp những hộ nuôi tôm nước này tránh được các vụ dịch làm tôm chết hàng loạt. Triển vọng năm tới của nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu tôm của Thái-lan cũng đầy hứa hẹn, khi sản xuất tôm toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, sản lượng chung chưa thể tăng.
Xuất khẩu tôm của Thái-lan năm nay đạt khoảng 400 nghìn tấn, đạt giá trị 100 tỷ bạt (hơn 30 tỷ USD) do nguồn cung toàn cầu giảm hơn năm ngoái vì dịch bệnh tôm tại nhiều nước. Trong mười tháng đầu năm nay, Thái-lan xuất khẩu được 355.211 tấn tôm, tăng 11% so năm ngoái, với giá trị 83,04 tỷ bạt, tăng 8% so cùng kỳ năm trước. Thái-lan nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn do nguồn cung giảm từ các nước In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô, Bra-xin và Trung Quốc do bệnh dịch tôm và vụ tràn dầu ở Vịnh Mê-hi-cô làm giảm nguồn cung cấp tôm của thị trường Mỹ từ 60 đến 80 nghìn tấn.
Thị trường tiêu thụ tôm truyền thống của Thái-lan là Mỹ, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU). Mười tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Thái-lan sang Mỹ tăng 5%, lên 162.659 tấn, đạt giá trị 39,39 tỷ bạt, tăng 3,6% (mặc dù đồng bạt tăng mạnh, khoảng 11% so với USD trong năm nay). Xuất khẩu tôm của Thái-lan sang Nhật Bản tăng 9,7% lên 63.819 tấn, trị giá 16,80 tỷ bạt, tăng 6,39%. Xuất khẩu vào EU đạt 56.662 tấn, tăng 24,5%, đạt trị giá 12,64 tỷ bạt, tăng 17,73%.
Năm nay, lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng vì nước này tổ chức Hội chợ Thương mại thế giới tại Thượng Hải (World Expo Thượng Hải 2010). Nhân cơ hội này, Thái-lan đã xuất sang Trung Quốc 10.446 tấn tôm, tăng 186% so năm trước, đạt giá trị 1,43 tỷ bạt, tăng 125,3%.
Tại Thái-lan có khoảng 22 nghìn hộ nuôi tôm, với 110 nghìn ao nuôi, tổng diện tích nuôi tôm 480 nghìn rai (một rai bằng 1.600 m2), đạt sản lượng hơn 520 nghìn tấn so với 495 nghìn tấn năm ngoái. Giá tôm nuôi năm nay ở mức khoảng 155 bạt/kg (40 con), tăng từ 125 đến 130 bạt/kg so năm ngoái.
Hiệp hội tôm Thái-lan cho rằng, thị trường EU là đầy triển vọng đối với việc tiêu thụ tôm của nước này. Sản lượng tôm nuôi cần tăng nhanh, để đạt khoảng 700 nghìn tấn tôm/năm, nhằm đón bắt nhu cầu tăng của thị trường toàn cầu. Để bảo đảm việc nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm tăng trưởng bền vững trong những năm tới, Hiệp hội tôm kêu gọi Chính phủ Thái-lan có biện pháp giúp đỡ tích cực những thách thức của ngành này, nhất là can thiệp để dỡ bỏ rào cản thương mại như việc áp đặt mức thuế chống bán phá giá và các biện pháp thương mại khác của Chính phủ Mỹ đối với tôm Thái-lan. Hiệp hội tôm Thái-lan cho rằng, các cáo buộc của Mỹ về việc ngành nuôi tôm của Thái-lan sử dụng lao động trẻ em là nhằm 'chặn' tôm xuất khẩu của Thái-lan vào thị trường Mỹ và hành động này sẽ ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng Mỹ. Hiệp hội tôm Thái-lan cũng đề nghị chính phủ nước này quản lý tỷ giá hối đoái đồng bạt ở mức hợp lý, để cải thiện điều kiện xuất khẩu của đất nước nói chung và ngành tôm nói riêng và nêu rõ rằng, tỷ giá đồng bạt so với USD hiện nay gây khó khăn cho xuất khẩu tôm.
Chủ tịch Liên đoàn các hợp tác xã nuôi tôm của nông dân Thái-lan, ông Ki-át-pi-ni-ô, kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ và những doanh nghiệp nuôi tôm quy mô lớn, thành lập một quỹ nuôi tôm để cải thiện việc tiếp cận nguồn tài chính của các hộ nông dân nuôi tôm có quy mô vừa và nhỏ.
Theo Nhandan

Ý kiến ()