Thái Lan: Đảng Vì nước Thái đề nghị người biểu tình đối thoại với chính phủ
Chủ tịch đảng Vì nước Thái Apiwan Wiriyachai ngày 12/11 đã đề nghị những người biểu tình chống dự luật ân xá tổ chức đối thoại với chính phủ Thái Lan.
Chủ tịch đảng Vì nước Thái Apiwan Wiriyachai ngày 12/11 đã đề nghị những người biểu tình chống dự luật ân xá tổ chức đối thoại với chính phủ Thái Lan.
![]() |
Việc Thượng viện Thái Lan phủ quyết dự luật ân xá đã phần nào xoa dịu đoàn người |
Theo ông Apiwan Wiriyachai, chính phủ Thái Lan sẽ sẵn sàng lắng nghe yêu cầu của người biểu tình và đề nghị đoàn người biểu tình ở Đại lộ Ratchadamnoen cử đại diện để đối thoại với các bộ trưởng.
Cũng theo ông Apiwan, chính phủ cũng đã hứa rõ ràng rằng không đệ trình dự luật ân xá lên Quốc hội. Dự luật này đã bị Thượng viện Thái Lan phủ quyết hôm 11/11 vừa qua.
Ông Apiwan cũng phê phán cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban – một lãnh đạo chủ chốt của đảng Dân chủ – người đã tuyên bố từ chức vào cuối ngày 12/11 đồng thời kêu gọi một cuộc đình công kéo dài 3 ngày để buộc chính phủ phải từ bỏ dự luật. Bởi theo ông Apiwan, cuộc kêu gọi đình công này sẽ gây ra những thiệt hại đối với nền kinh tế của đất nước.
Liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối dự luật ân xá, ngày 12/11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã yêu cầu những người biểu tình chấm dứt ngay lập tức các cuộc tụ tập trên đường phố Bangkok. Bà bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng nếu những hoạt động phản đối chính phủ hiện nay không sớm chấm dứt.
Chính trường Thái Lan đã bất ngờ trở nên nóng bỏng trong những ngày gần đây khi Quốc hội nước này tiến hành xem xét dự luật ân xá gây tranh cãi do chính phủ đệ trình. Theo kết quả bỏ phiếu tại hai viện Quốc hội, dự luật đã được thông qua tại Hạ viện hôm 1/11, nhưng lại bị bác bỏ tại Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu đêm 11/11 với 100% số phiếu phản đối.
Các cuộc biểu tình đã lan rộng kể từ khi Hạ viện thông qua dự luật ân xá hôm 1/11. Mục tiêu của những người nổi dậy là phản đối dự luật và cựu Thủ tướng Thaksin, người bị lật đổ năm 2006 sau cuộc đảo chính của quân đội do các cáo buộc tham nhũng và bất kính đối với Nhà vua Bhumibol Adulyadej.
Theo dự luật đang gây tranh cãi, chính phủ Thái Lan có thể ân xá cho tất cả các đảng phái cũng như cá nhân bị bắt giữ liên quan đến các vụ bạo động đường phố kể từ năm 2004. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng mục đích chính của dự luật nhằm “xóa tội” cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thông qua điều khoản xóa tội cho các cá nhân có hành vi sai trái như sát hại người biểu tình không có vũ trang. Ông Thaksin là anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra, bị tòa án Thái Lan kết tội tham nhũng và kết án vắng mặt 2 năm tù. Hiện ông đang sống lưu vong tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Dự thảo luật ban đầu không đề cập tới việc ân xá các lãnh đạo của cả hai lực lượng ủng hộ và phản đối ông Thaksin. Tuy nhiên, giữa tháng 10 vừa qua, một Ủy ban Hạ viện đã đột ngột thay đổi quy mô của dự luật này. Thay đổi vào phút chót của chính quyền đã làm gia tăng các chỉ trích cho rằng thực chất đó là một kế hoạch nhằm đem lại lợi ích cho ông Thaksin.
Theo Giáo sư ngành luật Prinya Thaewanarumitkul tại Đại học Thammasat ở Bangkok, nếu ông Thaksin và các nhà lãnh đạo khác không nằm trong danh sách các cá nhân được hưởng sự khoan hồng của dự luật ân xá, phần lớn người dân sẽ ủng hộ việc ân xá cho những người dân thường chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột.
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()