Tạo nguồn nhân lực: Tăng cường kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo
(LSO) – Mặc dù số lượng lao động qua đào tạo nghề hằng năm trên địa bàn tỉnh khá lớn và đa dạng ngành nghề đào tạo, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp thường xuyên trong tình trạng thiếu lao động. Điều này do sự kết nối, phối hợp trong tạo nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp và cơ sơ giáo dục đào tạo còn hạn chế.
Theo thống kê về công tác giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo được 32.965 người. Trong đó, trình độ cao đẳng là 945 người; trung cấp là 6.985 người; đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 20.620 người; lao động do các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo là 4.415 người. Kết quả đào tạo lao động năm sau cao hơn năm trước, năm 2018 tăng 2,4% so với năm 2017.
Lắp ráp xe điện tại Công ty TNHH MTV Xe điện Việt Nhật
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, thực tế có khoảng 30% doanh nghiệp của tỉnh luôn trong tình trạng thiếu lao động, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng – khách sạn và sản xuất công nghiệp. Điều này cho thấy cung và cầu lao động chưa đồng nhất. Người lao động đào tạo ra vẫn không có việc làm trong khi doanh nghiệp thì thiếu lao động.
Ông Đào Trọng Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiện tại, vẫn nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhưng quá trình tuyển dụng thì người lao động lại không đáp ứng được yêu cầu về vị trí việc làm của doanh nghiệp. Rõ ràng, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo còn thiếu sự liên kết, phối hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Điều này càng rõ ràng hơn khi trong năm 2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp khảo sát nhu cầu đào tạo lao động trong các doanh nghiệp thì chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đăng ký nhu cầu đào tạo lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trước thực trạng đó, năm 2018, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh, thực hiện ký kết các hợp đồng đào tạo. Qua đó, đã có nhiều đơn vị chủ động đăng ký danh mục đào tạo và tìm hiểu ký kết, điển hình như: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn đăng ký đào tạo 33 lao động với 3 nghề: điện máy, lái máy công trình và chế biến lâm sản; Công ty TNHH MTV Xe điện Việt Nhật ký hợp đồng đào tạo 200 học viên với Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn theo hình thức vừa học, vừa làm tại doanh nghiệp.
Cùng với đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề đẩy mạnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động, học viên ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2019, ngành đặt mục tiêu tuyển và dạy nghề cho 13.000 người với chỉ tiêu cụ thể từng trình độ từ cao đẳng đến đào tạo nghề ngắn hạn. Riêng với đào tạo nguồn nhân lực cho khối doanh nghiệp, sở đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đăng ký danh mục nhu cầu ngành, trình độ nghề đào tạo, cũng như danh sách học viên đào tạo tại chỗ. Qua đó, sở sẽ lựa chọn, chỉ đạo cơ sở đào tạo có uy tín, đảm bảo tiêu chuẩn tổ chức đào tạo phù hợp với thực tế.
YÊN SƠN

Ý kiến ()