Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu
Sáng 21-4, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu”, thảo luận chuyên sâu về định hướng hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý nợ xấu trong bối cảnh Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực..
Phát biểu khai mạc, lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh: Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã góp phần tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1-1-2024, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực thi hành, trong khi nhiều quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, gây ra khoảng trống pháp lý ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu và khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định, hiện nay có một vấn đề lớn. Đó là, sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 và thông tư hỗ trợ hết hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng không cải thiện mà còn kém hơn trước, thậm chí trở nên tinh vi hơn. Qua 5-6 năm xử lý thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, nhiều khách hàng tìm cách trốn tránh bàn giao tài sản, hoặc nếu bàn giao thì cố lấy lại lợi ích, thậm chí tạo thêm tranh chấp để kéo dài quá trình thu hồi.
Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng vụ kiện vượt quá khả năng xử lý của tòa án, gây quá tải cho các thẩm phán. Các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn từ 2007-2009 đến 2021-2022, khi nợ xấu nội bảng và tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh. Nếu nợ xấu trong ngân hàng quá lớn, nguồn cung tín dụng sẽ bị hạn chế do các quy định an toàn tín dụng, đòi hỏi phải nhanh chóng cơ cấu lại nợ xấu để giải quyết tình trạng này.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng buộc phải chấp nhận rằng họ không có đầy đủ các công cụ xử lý nợ xấu mong muốn, nên sẽ tập trung vào các phương pháp và biện pháp được phép. Hiện nay, có bốn biện pháp xử lý nợ xấu chính được áp dụng: Thứ nhất là bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; thứ hai là mua bán nợ với các tổ chức có chức năng như VAMC hoặc các tổ chức khác có chức năng mua bán nợ xấu; thứ ba là thỏa thuận với khách hàng, đây vẫn là phương thức chính; và cuối cùng, nếu ba biện pháp trên không thực hiện được, thì phải đưa ra tòa. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng bốn biện pháp này, các tổ chức tín dụng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều áp lực, nợ xấu tiếp tục diễn biến phức tạp, việc hoàn thiện khung pháp lý cho xử lý nợ xấu không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn là động lực quan trọng giúp khơi thông dòng vốn, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Dự kiến, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 đang diễn ra, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua trong Kỳ họp tháng vào tháng 5-2025.

Ý kiến ()