Tăng tốc đầu tư công - Thúc đẩy kinh tế bứt phá trong nửa cuối năm
6 tháng đầu năm 2025, GDP Việt Nam tăng 7,52% - mức cao nhất trong 15 năm qua, phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ và phát triển đồng đều của nền kinh tế.
Thành quả này đến từ sự phối hợp hiệu quả của chính sách vĩ mô ổn định, dòng vốn đầu tư công, FDI, tiêu dùng nội địa và hội nhập quốc tế. Với những tín hiệu tích cực từ cả phía cung và cầu, đầu tư công, tín dụng và tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục là những động lực trọng yếu, tạo xung lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm.
Tăng trưởng tích cực
Nền kinh tế đi qua nửa đầu của năm 2025 với những kết quả đầy ấn tượng, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7,52%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2011. Kết quả này tạo ra một nền tảng vững chắc song cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn cho 6 tháng cuối năm, để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trưởng ban Hệ thống tài khoản quốc gia (Cục Thống kê) cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 phản ánh sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế.
Về sản xuất, các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 10,1%. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm (như sản xuất trang phục, da, cao su, plastic, kim loại, xe có động cơ) đều tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng tăng 9,62% khi đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt là tại các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhà máy điện và khu công nghiệp. Dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú, hành chính công cũng ghi nhận mức tăng hai chữ số.

Về tổng cầu, sự tăng trưởng được hỗ trợ tích cực từ cả ba trụ cột. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng tăng khá cao với sự ổn định của tiêu dùng hộ gia đình và sự gia tăng mạnh chi tiêu của nhà nước. Thêm vào đó, du lịch nội địa và quốc tế tiếp tục bùng nổ, với lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm tăng 20,7% so với cùng kỳ. Trụ cột thứ hai, tích lũy tài sản được thúc đẩy bởi việc giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm và dòng vốn FDI tăng mạnh vào các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI... tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Trụ cột thứ ba ghi nhận hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra sôi động. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, phản ánh nỗ lực tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu từ các thị trường quốc tế vẫn khá tốt.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, tháng 6/2025 chứng kiến sự bứt phá chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khí thế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp lên cao hơn bao giờ hết. Sau đúng 2 tháng triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội được ban hành, một số chỉ số quan trọng có sự tăng trưởng mạnh như số lượng doanh nghiệp thành lập mới (trong 6 tháng đầu năm là gần 91,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 60,51% so với cùng kỳ); số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong nửa đầu năm 2025 là trên 61,5 nghìn doanh nghiệp (tăng 57,22% so với cùng kỳ); số hộ kinh doanh thành lập mới trong tháng 6/2025 là trên 124,3 nghìn hộ kinh doanh (tăng 118,4% so với cùng kỳ).
Hiện thực hóa mục tiêu 8%
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, tốc độ tăng 7,52% là một kết quả rất khả quan. 6 tháng cuối năm, bà Hạnh nhận định, đầu tư công, tín dụng, tiêu dùng và khoa học - công nghệ sẽ là những động lực trọng yếu giúp kinh tế tăng tốc. Trong đó, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng nhất. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, đặc biệt tại các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Tính đến cuối tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,6% vốn kế hoạch, nhiều địa phương đã giải ngân trên 50% vốn kế hoạch. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giải ngân 100% như kế hoạch đề ra trong cả năm, cần những biện pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tiếp đến là khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo với sự bùng nổ của AI, chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.
Để GDP đạt từ 8% trở lên trong năm 2025, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực quan trọng. Trong khi đó, động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng phục hồi chậm, phụ thuộc và có độ trễ so với hoạt động sản xuất.
Với đầu tư công, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, cần dành ít nhất 30% các dự án đầu tư công cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia. Họ cũng cần cơ hội phát triển, không thể mãi chỉ làm thuê cho các tập đoàn lớn. Hiện, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 80% việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân, song vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận vốn và cơ hội thị trường.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cũng cho rằng, cần thúc đẩy quyết liệt giải ngân đầu tư công, đây là động lực quan trọng nhất. Trong đó, phải tháo gỡ mọi nút thắt, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, hướng tới mục tiêu giải ngân 100%. Về kích cầu xuất khẩu và khai thác tối đa lợi thế FTA, duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức hai con số. Để làm được những điều này, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI chất lượng cao.
Cụ thể là đơn giản hóa thủ tục hành chính, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sự lan tỏa và kết nối với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, sức mua thị trường trong nước cần được củng cố thông qua đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ để khai thác tối đa tiềm năng. Đồng thời, cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt để giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Ý kiến ()