Tăng cường sử dụng cát nghiền trong xây dựng
LSO-Theo đánh giá của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng ngày càng tăng, tuy nhiên, nguồn cát cung cấp cho các hoạt động xây dựng đều khai thác từ tự nhiên đang dần khan hiếm. Chính điều đó khiến giá cát ngày một cao. Trước tình hình trên, việc sử dụng cát nghiền nhân tạo trong xây dựng cần được lưu tâm.
![]() |
Cát tự nhiên có giá cao gấp đôi so với giá cát nghiền nhân tạo |
Giá cát tự nhiên tăng cao
Theo thống kê của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng của tỉnh hiện ở mức trên dưới 10 triệu m3/năm. Với nhu cầu sử dụng ngày càng lớn nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào lượng cát tự nhiên thì điều đó là không thể vì lượng cát tự nhiên một ngày nào đó sẽ cạn kiệt.
Lượng sử dụng lớn, trong khi sản lượng khai thác cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày một hạn chế. Cụ thể, hiện sản lượng cát tự nhiên khai thác của các cơ sở khai thác cát xây dựng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (có giấy phép) đạt tổng công suất là 257.000 m3/năm (mục tiêu đến năm 2020 là 600.000 m3/năm). Thực tế, nguồn cát sông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không nhiều, chủ yếu phân bố tại một số con sông chảy qua địa bàn tỉnh như: sông Thương, sông Kỳ Cùng, sông Văn Mịch với trữ lượng nhỏ và chất lượng không đạt tiêu chuẩn. Cát khai thác tại Lạng Sơn chủ yếu chỉ được sử dụng cho xây, trát, cát đổ bê tông thường được cung ứng từ các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Chính điều này khiến giá cát tự nhiên ngày một tăng cao. Theo bảng giá thống kê của Sở Xây dựng, từ tháng 1 đến tháng 5/2017, giá cát tự nhiên tại địa bàn tỉnh từ 275 đến 300 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, từ tháng 5/2017 đến nay, nhu cầu về xây dựng tăng cao, trong khi lượng cung về cát hạn chế đã khiến giá cát tự nhiên tăng cao, dao động từ 400 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng/m3 tùy loại.
Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng Ngọc Hương tại khối 10, thị trấn Cao Lộc cho biết: Đó là giá kê khai, còn giá niêm yết và bán thực tế tại một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn thì giá cát tự nhiên có lúc lên đến 500 – 550 nghìn đồng/m3.
Tăng cường sử dụng cát nhân tạo
Ông Bùi Thanh Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bê tông Lạng Sơn cho biết: Công ty đang trực tiếp sản xuất cát nghiền trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng Nhà nước quy định. Cát nghiền có giá thành rất phù hợp và cạnh tranh so với thị trường vật liệu xây dựng tại Lạng Sơn. Cụ thể, giá cát nghiền của công ty là 200 nghìn đồng/m3. Theo ông Liêm, giá không những rẻ bằng một nửa so với cát tự nhiên mà công dụng của cát nghiền nhân tạo cũng đảm bảo như cát tự nhiên. Chất lượng cát tự nhiên rất khác nhau với từng con sông, từng đoạn khai thác trên một dòng sông và phương pháp khai thác. Trong khi đó, cát nghiền được sản xuất theo công nghệ nghiền đá vôi thành cát với tỷ lệ hạt ở trong khoảng 0 – 5mm tương đương cát tự nhiên, nhưng chất lượng thì hơn hẳn vì không có các hàm lượng khách trộn lẫn.
Trao đổi với đại diện một số công ty đang sử dụng công nghệ nghiền cát như: Công ty Cổ phần bê tông Lạng Sơn, Công ty Xây dựng Thành Đô…, chúng tôi được biết: hiện nay đã có các loại nguyên liệu thay thế cát tự nhiên như: cát nghiền từ sỏi đá, tro, xỉ… đáp ứng được các công năng của cát.
Ông Nguyễn Duy Đông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp khai thác đá xây dựng đã đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị để xay nghiền đá thành cát xây dựng cung cấp cho thị trường với giá tương đương cát tự nhiên. Thời gian qua, ngành xây dựng tỉnh cũng đã sử dụng thí điểm cát nghiền trong một số công trình, qua kiểm tra, chất lượng công trình đều đạt yêu cầu. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện sở cũng đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư công trình sử dụng vốn ngân sách địa phương phải ưu tiên sử dụng cát nghiền cho công trình xây dựng và công trình giao thông…
TRÍ DŨNG

Ý kiến ()