Tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hơ-man Van Rôm-pơi và Phu nhân hôm nay bắt đầu thăm chính thức nước ta. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990. Chuyến thăm mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU).Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam và EU đang phát triển tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ... Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên mà gần đây nhất là Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng thăm Ủy ban châu Âu (EC) tháng 10-2010, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thăm Nghị viện châu Âu (EP) tháng 12-2011. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-pơi và Chủ tịch EC G.Ba-rô-xô bên lề Hội...
Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam và EU đang phát triển tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ… Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên mà gần đây nhất là Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng thăm Ủy ban châu Âu (EC) tháng 10-2010, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thăm Nghị viện châu Âu (EP) tháng 12-2011. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-pơi và Chủ tịch EC G.Ba-rô-xô bên lề Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân tại Hàn Quốc. Tháng 11-2007, Chủ tịch EC G.Ba-rô-xô thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch EC kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua Đề án tổng thể về quan hệ Việt Nam-EU và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam-EU đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 với mục tiêu đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-EU lên tầm cao mới theo phương châm “quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài vì hòa bình và phát triển”. Việc hai bên ký chính thức Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) tháng 6-2012 là bước tiến quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn trong thời gian tới. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với năm nước thành viên EU là Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch và chuẩn bị đưa quan hệ với Pháp, I-ta-li-a lên tầm đối tác chiến lược.
Quan hệ thương mại giữa hai bên cũng phát triển mạnh. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình từ 15% đến 20% mỗi năm. Trong vòng 11 năm, từ năm 2000 đến 2011, kim ngạch thương mại song phương tăng gần sáu lần. Thương mại hai chiều tám tháng đầu năm 2012 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 23% so cùng kỳ năm 2011. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, với các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ… Cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, hàng thủ công mỹ nghệ. Các nước thành viên EU là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Đến hết tháng 8-2012, đã có 20 trong 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.226 dự án có hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 18 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có 33 dự án đầu tư sang mười nước EU với tổng số vốn đăng ký 107 triệu USD. Tuy quy mô đầu tư còn nhỏ nhưng đây là những bước đi quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU.
Nhân dân Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt tình và sự giúp đỡ quý báu của EU dành cho nước ta thời gian qua. Hiện EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, với tổng ODA cam kết trong giai đoạn 1993-2011 là 13 tỷ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại một tỷ USD, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Riêng năm 2012, tổng cam kết ODA của EU dành cho Việt Nam là hơn một tỷ USD. Các khoản hỗ trợ tài chính của EU phần lớn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của nước ta là xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, phát triển bền vững, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ cải cách hành chính, tư pháp, ngân hàng, tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế. EU đang nỗ lực hài hòa hóa thủ tục ODA giữa các nước thành viên và các nhà tài trợ khác nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ và tốc độ giải ngân.
Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-pơi sẽ góp phần giúp Hội đồng châu Âu và EU hiểu thêm về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế thành công của Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Hội đồng châu Âu đối với Việt Nam, khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác rộng lớn hơn của Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA).
Chúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-pơi và Phu nhân thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và EU đi vào chiều sâu, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á, châu Âu và trên thế giới.
Theo Nhandan

Ý kiến ()