Tầm quan trọng sống còn
Nước-nguồn tài nguyên thiết yếu với cuộc sống của con người-đang bị đe dọa một cách đáng báo động. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tình trạng thiếu nước đã làm tăng 10% di cư toàn cầu.
Ở những khu vực hạn hán triền miên, người dân buộc phải rời đến những miền đất khác với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong khi đó, ở những khu vực đang có xung đột vũ trang, hạ tầng nguồn nước thường xuyên trở thành mục tiêu bắn phá, khiến hàng trăm nghìn người không được tiếp cận với nguồn tài nguyên thiết yếu này.
Thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều tháng đã trôi qua kể từ trận mưa lũ lịch sử năm ngoái nhấn chìm 1/3 đất nước Pakistan và cướp đi sinh mạng của gần 1.500 người. Sau trận lụt, khắp nơi toàn bùn đất lầy lội, cái thiếu nhất là nước sạch. Hạ tầng cơ sở đã bị hủy hoại, nhiều người dân vẫn buộc phải sử dụng nguồn nước đã bị ô nhiễm, khiến dịch bệnh lây lan. Muỗi thì nhiều vô kể, bởi những vùng bùn lầy nước đọng là môi trường lý tưởng cho chúng phát triển, từ đó dịch sốt xuất huyết cũng lan ra. Giờ đây, sau khi lũ rút, thảm họa thứ hai đã lộ diện ở Pakistan: Thiếu nguồn nước sạch khiến dịch tả, sốt rét, suy dinh dưỡng gia tăng ở mức báo động.
![]() |
Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Châu Á đã vậy, châu Phi còn đối mặt với thách thức về nước và lương thực triền miên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 48 triệu người ở vùng Sừng châu Phi (bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda) đang trải qua cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng. Một số quốc gia trong khu vực vừa gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm, trong khi các nơi khác bị ảnh hưởng bởi lũ lụt dẫn đến nạn đói lan rộng. Khu vực này cũng ghi nhận số trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất trong nhiều năm, cùng sự bùng phát các loại dịch bệnh như sởi, tả, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm gan… ở mức cao chưa từng có, đẩy hệ thống y tế ở 7 quốc gia trong vùng vào tình cảnh khó khăn.
Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, với các cuộc khủng hoảng ngày càng thường xuyên và dữ dội. Đã 5 mùa mưa liên tiếp ở khu vực này không có mưa, khiến hàng triệu gia súc chết, mùa màng bị tàn phá, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tìm nước và thức ăn.
Ngay cả xứ lạnh châu Âu cũng được dự đoán năm nay có thể trải qua một mùa hè khắc nghiệt thứ hai liên tiếp, trong đó tình trạng hạn hán tại Italy đặc biệt nghiêm trọng. Lượng mưa và tuyết rơi thấp trong mùa đông vừa rồi làm trầm trọng thêm tình hình sau đợt hạn hán và nắng nóng kéo dài vào mùa hè năm ngoái. Nhiệt độ mùa đông ôn hòa cũng khiến tuyết tan trên núi, gây lo ngại về nguồn cung cấp nước cho con người, cho nông nghiệp và sản xuất năng lượng.
Trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022 tại New York (Mỹ), CNN dẫn báo cáo của LHQ công bố ngày 21-3 cho biết, hơn 2 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch, 771 triệu người không được tiếp cận với nước sạch gần nơi sinh sống. Gần một nửa dân số toàn cầu-tức là khoảng 3,6 tỷ người-sống trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Trên toàn cầu, 44% nước thải hộ gia đình không được xử lý an toàn, trong khi nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém là nguyên nhân khiến hàng triệu người thiệt mạng. WHO đưa ra con số 1,4 triệu người tử vong mỗi năm và 74 triệu người bị rút ngắn tuổi thọ do các bệnh liên quan đến nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém.
Đến năm 2050, dự báo nhu cầu tiêu dùng nước toàn cầu sẽ tăng 55%. Ước tính, sẽ có 5 tỷ người phải vật lộn để có đủ nước đáp ứng nhu cầu trong ít nhất một tháng mỗi năm. Nhu cầu về nước ngày càng tăng, song nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng này đang bị cạn kiệt, ô nhiễm.
Là yếu tố mang tính sống còn với sự tồn vong của con người và Trái đất, song cuộc khủng hoảng nước lâu nay ít được chú trọng bởi thế giới dồn sự quan tâm nhiều hơn cho chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, an ninh năng lượng… Nước có xu hướng bị coi là một vấn đề xã hội hoặc môi trường nhiều hơn, và do đó, không nhận được sự quan tâm tương xứng vì nó không được coi là động lực của nền kinh tế. Kể từ hội nghị đầu tiên của LHQ về nước năm 1977 tại Argentina, sau 46 năm, đối mặt với tình hình cấp bách về nước, một lần nữa thế giới lại cùng nhau thảo luận về vấn đề này nhằm tìm ra tiếng nói chung trong việc quản lý nguồn nước khi nước đã chứng minh tầm quan trọng sống còn của nó với đời sống con người ở bất kỳ châu lục nào.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tam-quan-trong-song-con-722953

Ý kiến ()