“Tam nông” ở Đình Lập
LSO - Khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Đình Lập gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết một lòng, tập trung khai thác tối đa lợi thế và có phương pháp tổ chức triển khai thực hiện riêng, huyện đã đạt những kết quả tích cực, bộ mặt khu vực nông thôn đang từng ngày “thay da đổi thịt”.
Chăm sóc vườn cây thông giống tại xã Đình Lập
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP
Với đặc điểm có trên 80% diện tích tự nhiên là đất đồi rừng và có tới 90% dân số là nông dân sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, huyện xác định rõ, lâm nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy sản xuất. Có một điểm khá thuận cho Đình Lập đó là trong khi huyện đang tìm hướng đi cho mình cũng là thời điểm cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay để nông dân phát triển trồng rừng, cây ăn quả (Quyết định 39 ngày 27/12/2007 của UBND tỉnh) bắt đầu đi vào cuộc sống. Từ cơ chế này đã có hàng nghìn hộ nông dân của huyện tiếp cận được nguồn vốn để phủ xanh hàng nghìn héc ta đất trống đồi núi trọc. Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa công tác trồng rừng, đó là các dự án trồng rừng của doanh nghiệp và nhiều dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Từ năm 2008 đến tháng 6/2015, toàn huyện đã trồng mới được khoảng 13 nghìn héc ta rừng, nâng tổng diện tích rừng toàn huyện đến nay trên 52 nghìn héc ta. Trong đó, rừng tự nhiên là 7,79 nghìn héc ta; rừng phòng hộ là hơn 4,54 nghìn héc ta, rừng trồng đạt khoảng 40 nghìn héc ta (chủ yếu là rừng thông, hồi và keo). Đáng chú ý, trong số 40 nghìn ha rừng trồng có tới 36 nghìn héc ta là rừng thông (trong đó có 15 nghìn héc ta đã và chuẩn bị cho khai thác); diện tích rừng keo là 2,650 nghìn héc ta (800 ha đến kỳ khai thác) và diện tích hồi là gần 1,3 nghìn héc ta. Nhờ hướng đi đúng mà hàng nghìn hộ dân tại các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn như Bắc Xa, Bính Xá, Đình Lập, Cường Lợi, Lâm Ca, Châu Sơn, Bắc Lãng đạt thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Giờ đây nói về cây trồng có hiệu quả kinh tế cao ở Đình Lập ngoài cây chè thì có thêm cây thông và cây keo. Đó là những cây mũi nhọn không chỉ giúp bà con xóa nghèo mà còn là cây làm giàu trên vùng đất khó. Hết năm 2014, số hộ nghèo của huyện Đình Lập giảm còn 34,7%, giảm gần 7% so với năm 2013.
TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG CƠ SỞ HẠ TẦNG THIẾT YẾU
Ông Phan Hồng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập trăn trở: đối với Đình Lập, nan giải nhất vẫn là huy động nguồn lực ở đâu để nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ theo quy hoạch giúp giao thông đến các xã đi lại thuận tiện bốn mùa. Bởi thực tế hiện toàn huyện có 10 xã có đường ô tô đến trung tâm xã nhưng có tới 3 xã vào mùa mưa không đi lại được là Đồng Thắng, Cường Lợi và Lâm Ca, một số xã khác dù đi lại được vào mùa mưa nhưng rất khó khăn như Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa. Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy, hơn 2 năm trở lại đây, các nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng thiết yếu trong đó có hạ tầng giao thông đã được tỉnh quan tâm nhiều hơn. Nhờ vậy một số đoạn tuyến quốc lộ 31, quốc lộ 4B đã được cải tạo, nâng cấp đáp ứng được một phần mong mỏi của người dân. Đối với hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu khác như trường học, điện sinh hoạt, trạm y tế huyện đã có những giải pháp huy động sử dụng nguồn lực tương đối hiệu quả. Đến nay, ngoài các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình 135, 120, chương trình xây dựng nông thôn mới huyện còn được hưởng hỗ trợ là huyện nghèo theo chương trình 30a. Nhằm phát huy hiệu quả tối đa các nguồn vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, Đình Lập đều thực hiện lồng ghép các nguồn vốn. Hết năm 2014, huyện có 120 thôn/139 thôn bản được sử dụng điện, tình trạng trường lớp học tranh tre tạm bợ được khắc phục triệt để, toàn huyện có 7 trường đạt chuẩn quốc gia, có 104/139 thôn có nhà văn hóa. Từ năm 2008 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn đạt khoảng trên 300 tỷ đồng. Nhiều công trình hạ tầng được nhân dân góp công góp của thực hiện như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế.
Những thành quả trên cho thấy, Nghị quyết “Tam nông” đã đi vào đời sống và phát huy hiệu quả rất tích cực tại huyện Đình Lập giai đoạn hiện nay. Các chủ trương của Nghị quyết đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội qua đó giúp cho Đình Lập tự tin vững bước xây dựng nông thôn kiểu mới.
Bài, ảnh: Công Quân

Ý kiến ()