Tái diễn tình trạng đuối nước ở Bình PhướcBịt “lỗ hổng” hậu kiểm
Hàng loạt vụ sản xuất thực phẩm giả vừa được các cơ quan chức năng phát hiện đã cho thấy “lỗ hổng” lớn trong công tác hậu kiểm, rất cần các giải pháp đồng bộ để khắc phục, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và lành mạnh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Riêng một số nhóm thực phẩm đặc biệt như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Cũng theo quy định hiện hành, các sản phẩm nói trên đều được áp dụng cơ chế hậu kiểm. Điều này có nghĩa là khi công bố sản phẩm, các tổ chức, cá nhân không phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng về sản phẩm mình công bố. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện sau khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Việc chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ, từ đó có thêm cơ hội phát triển… Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới.

Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, cơ chế hậu kiểm đã tạo ra “lỗ hổng” lớn để hàng giả tung hoành.
Vụ việc kẹo rau củ Kera và gần 600 mặt hàng sữa giả bị phát hiện mới đây là những ví dụ điển hình.
Kẹo rau củ Kera được một số người nổi tiếng quảng cáo lượng chất xơ “một viên kẹo tương đương một đĩa rau xanh”, thế nhưng, chỉ sau khi người dân tự mang đi kiểm nghiệm, phát hiện quảng cáo gian dối thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Kết quả kiểm nghiệm chính thức sau đó cho thấy cả hộp 30 viên chỉ chứa 0,51g chất xơ. Đơn vị công bố loại kẹo này đã bị xử phạt vì hành vi vi phạm sản phẩm có nhãn không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc; kinh doanh sản phẩm không phù hợp với thông tin đã được công bố.
Tương tự, đường dây sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa bột giả, không đúng thành phần, hàm lượng dinh dưỡng công bố, trong đó có cả sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với số lượng khổng lồ, nhưng lại có thể tồn tại suốt hơn 4 năm, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng đã gây bức xúc dư luận.
Sau khi các vụ sản xuất thực phẩm giả nói trên bị phát hiện, có ý kiến cho rằng, cần thu hẹp diện áp dụng, bỏ cơ chế hậu kiểm đối với một số mặt hàng quan trọng, nhạy cảm. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và người dân đều cho rằng, việc bỏ cơ chế hậu kiểm để quay lại tiền kiểm (nếu có) sẽ là một bước lùi. Các vụ việc tiêu cực xảy ra thời gian qua chủ yếu là do còn nhiều bất cập trong khâu thực hiện chứ không phải do cơ chế hậu kiểm. Vì vậy, không thể “không quản được thì cấm”.
Để có thể khắc phục những bất cập, hạn chế, bịt “lỗ hổng” hậu kiểm, trước hết và quan trọng nhất là cần phải phân định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm giữa các bộ, ngành chức năng và các địa phương. Điều này nhằm giải quyết triệt để tình trạng vừa chồng chéo, vừa “bỏ trống trận địa” trong quản lý dẫn tới việc “một mâm cơm 5 người quản lý” nhưng thực chất trách nhiệm lại không thuộc về ai. Hoặc như trong vụ gần 600 loại sữa giả nói trên, mặc dù là mặt hàng thực phẩm quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng trong suốt hơn 4 năm tồn tại mà không hề được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm (hậu kiểm)!
Hiện nay số lượng mặt hàng thực phẩm cần hậu kiểm hằng năm là rất lớn, vì vậy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch hậu kiểm bảo đảm khoa học, sát thực tiễn. Trong đó cần tập trung vào các mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, tăng cường hậu kiểm theo xác suất, hậu kiểm đột xuất và xử lý thật nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm để tạo sự răn đe, đồng thời chú trọng phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, có cơ chế tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Thực phẩm giả là mối nguy của toàn xã hội, không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, đến sự phát triển của giống nòi… Bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ là thực thi pháp luật mà còn là đạo đức, trách nhiệm của mỗi người. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực có liên quan cần ý thức được điều này, từ đó phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, làm việc với chất lượng, hiệu quả cao nhất. Xét đến cùng, đây chính là yếu tố có tính chất quyết định.

Ý kiến ()