Sự kiện nóng bỏng ở Ai Cập
Ai Cập đang trong một mùa hè nóng bỏng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Chính trường nước này đang rất sôi động. Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ sau "cuộc nổi dậy" lật đổ chính quyền Tổng thống H.Mu-ba-rắc hồi đầu năm ngoái thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi được coi là phép thử đối với Ai Cập sau giông bão của "Mùa xuân A-rập". Đất nước Bắc Phi này đang phải xử lý hàng loạt hệ lụy đối với kinh tế và xã hội.Hôm nay (23-5), cử tri đất nước "Kim tự tháp" bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Có 12 ứng cử viên của nhiều đảng phái chính trị tham gia cuộc đua giành vị trí lãnh đạo này. Đây là cuộc bầu cử được cho là "lịch sử" ở Ai Cập. Cuộc đua tranh diễn ra căng thẳng và phức tạp ngay từ khi khởi tranh cho tới phút chót trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, những dự đoán về chủ nhân của chiếc ghế tổng thống vẫn là ẩn số. Bởi, trong hàng chục năm dưới sự cầm quyền của Tổng thống Mu-ba-rắc,...
Hôm nay (23-5), cử tri đất nước “Kim tự tháp” bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Có 12 ứng cử viên của nhiều đảng phái chính trị tham gia cuộc đua giành vị trí lãnh đạo này. Đây là cuộc bầu cử được cho là “lịch sử” ở Ai Cập. Cuộc đua tranh diễn ra căng thẳng và phức tạp ngay từ khi khởi tranh cho tới phút chót trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, những dự đoán về chủ nhân của chiếc ghế tổng thống vẫn là ẩn số. Bởi, trong hàng chục năm dưới sự cầm quyền của Tổng thống Mu-ba-rắc, chỉ một ứng cử viên duy nhất được đưa ra cho vị trí này để trưng cầu ý dân. Đến năm 2005, dưới sức ép của Mỹ, Ai Cập đã buộc phải tổ chức cuộc bầu cử có sự chạy đua của nhiều ứng cử viên. Tuy nhiên, những quy định được đưa ra đã khiến kết quả cuộc bầu cử dường như rõ ràng với thắng lợi thuộc về ông Mu-ba-rắc.
Tại cuộc bầu cử lần này, bốn ứng cử viên được cho là có khả năng giành vị trí tổng thống Ai Cập, đó là cựu Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) A. Mu-xa, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Mu-ba-rắc; ông A.Sa-phích, vị Thủ tướng cuối cùng của chính quyền Mu-ba-rắc; ứng cử viên Hồi giáo ôn hòa M.A.Phô-tu và Chủ tịch đảng Tự do và Công lý (FJP) của Tổ chức Anh em Hồi giáo M.Mơ-xi, người đến phút chót mới quyết định tham gia cuộc đua này. Quyết định cử ông Mơ-xi tham gia cuộc đua, Tổ chức Anh em Hồi giáo chứng tỏ một tham vọng mở rộng quyền lực của tổ chức này, bởi trước đó, lực lượng này đã tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử tổng thống. Dưới thời Tổng thống Mu-ba-rắc, Tổ chức Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động, nhưng sau khi ông Mu-ba-rắc bị lật đổ, lực lượng này trở lại chính trường và bất ngờ giành thắng lợi vang dội tại cuộc bầu cử QH. Theo Ủy ban bầu cử Ai Cập, kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng một sẽ chính thức được công bố vào ngày 29-5 tới. Nếu không ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu bầu để thắng cử ở vòng đầu, Ai Cập sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào hai ngày 16 và 17-6.
Mặc dù người đứng đầu Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) Tan-ta-uy khẳng định, cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập sẽ trở thành hình mẫu về bầu cử tự do và công bằng, thể hiện ý nguyện của người dân và cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho Tổng thống mới vào ngày 1-7 tới, song nhiều người dân Ai Cập lo ngại quân đội sẽ tìm cách can thiệp chính trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến làn sóng phản đối sự duy trì quyền lực quá lâu của quân đội biến thành các cuộc biểu tình và bạo lực đẫm máu ở Ai Cập trong những tháng qua. Đất nước “Kim tự tháp” đã trải qua hơn một năm sóng gió bởi sự kiện “Mùa xuân A-rập”. Chính quyền Mu-ba-rắc bị lật đổ. Ai Cập sa lầy vào cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội. Biểu tình, bạo lực, bất ổn khiến các nhà đầu tư “tháo chạy”. So sánh thời điểm trước khi xảy ra cuộc nổi dậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ mức 1,6 tỷ USD xuống còn 440 triệu USD vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái; cán cân thanh toán thâm hụt 2,36 tỷ USD. Năm 2011, doanh thu du lịch giảm 30%. Sự suy giảm các nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập, cùng với bất ổn xã hội và sản xuất đã “cuốn bay” hơn 20 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng dự trữ ngoại tệ của nước này.
Các ứng cử viên tổng thống Ai Cập hứa hẹn sẽ “kích thích” nền kinh tế bằng đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược năng lượng, nông nghiệp, cũng như đẩy mạnh các dự án dọc kênh đào Xuy-ê, một khu vực kinh tế quan trọng của nước này. Trong bối cảnh xảy ra bất đồng giữa Chính phủ và QH của đa số người Hồi giáo đang làm ảnh hưởng tới khoản đề nghị vay 3,2 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để “giải cứu” nền kinh tế, việc bầu ra một tổng thống mới được hy vọng sẽ giúp Ai Cập cải thiện tình hình. Tuy nhiên, chia rẽ và bất đồng giữa các phe phái khiến nước này chưa thể đưa ra một Hiến pháp mới thời hậu Mu-ba-rắc và bởi thế, cuộc bầu cử này chỉ là một phần câu trả lời cho tương lai Ai Cập khi cử tri nước này đi bỏ phiếu mà chưa rõ những quy định về quyền lực của tổng thống.
Qua sự kiện này, cử tri Ai Cập hy vọng sẽ lựa chọn được một “thuyền trưởng” mới có thể chèo lái con thuyền Ai Cập thoát khỏi cơn giông bão khủng hoảng chính trị và kinh tế, khôi phục an ninh, ổn định và đưa đất nước trở lại con đường phát triển.
Theo Nhandan

Ý kiến ()