Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản
- Tỉnh Lạng Sơn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế như đá vôi, sét, than, chì, quặng sắt... Tuy nhiên, phần lớn các mỏ có quy mô vừa và nhỏ. Trước áp lực từ phát triển kinh tế và nhu cầu xây dựng hạ tầng, hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Công ty TNHH Hồng Phong hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc. Với diện tích khai thác 28,5 ha, công suất khai thác 53.000m³/năm, công ty thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật, thực hiện đầy đủ thủ tục cấp phép và báo cáo định kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi áp dụng công nghệ khai thác lớp bằng, vận tải trực tiếp với hệ thống máy móc hiện đại như thiết bị khoan tự hành có chức năng tự thu hồi bụi, nổ mìn bằng kíp vi sai để giảm rung chấn và sử dụng xe phun nước làm ẩm đá trước khi nổ mìn. Công ty cũng đã xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tổ chức quan trắc định kỳ 6 tháng/lần. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc nộp thuế, phí, ký quỹ phục hồi môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Tại huyện Cao Lộc, hiện có 5 doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang hoạt động chủ yếu là khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động này luôn được triển khai thường xuyên, liên tục. Từ năm 2024 đến nay, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý một nguồn tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực mỏ đá; đôn đốc một doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp phạt do hành vi khai thác vượt công suất được phép, với số tiền 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cải tạo đất, san lấp mặt bằng, đào ao có dấu hiệu bị lợi dụng để khai thác khoáng sản trái phép.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay, toàn tỉnh có 57 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng thông thường. Năm 2024, UBND tỉnh đã cấp 5 giấy phép khai thác khoáng sản mới, đồng thời phê duyệt 2 đề án đóng cửa mỏ và ra quyết định đóng cửa một mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Để quản lý tốt tài nguyên, khai thác đi đôi với bảo vệ, tránh thất thoát, lãng phí và tác động tiêu cực đến môi trường, từ năm 2024 đến nay, sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 45 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng; truy thu gần 2,3 tỷ đồng lợi nhuận bất hợp pháp. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến sai sót trong thiết kế khai thác, không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật hoặc lập báo cáo không đầy đủ.
Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được triển khai đồng bộ tại cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Các huyện, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra, công bố số điện thoại, thư điện tử tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn. Công tác quan trắc môi trường được các doanh nghiệp thực hiện tương đối đầy đủ. Môi trường tại các khu vực khai thác cơ bản ổn định. Đến nay, chưa ghi nhận sự cố môi trường nghiêm trọng nào xảy ra trên địa bàn.
Một điểm nhấn quan trọng trong quản lý khoáng sản thời gian qua là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024. Quy hoạch này xác định rõ các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với 185 điểm mỏ, trong đó có 76 điểm mỏ đá vôi, 44 mỏ đất san lấp, 32 mỏ cát, sỏi lòng sông…
Song song đó, UBND tỉnh đã phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản với 1.729 khu vực, tổng diện tích trên 458.000 ha và 209 khu vực tạm thời cấm có diện tích trên 173 ha, nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ di sản thiên nhiên và ổn định đời sống người dân.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố đang chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Ông Hoàng Dương Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Văn Lãng cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các kế hoạch Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, huyện sẽ tăng cường giám sát, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các mỏ vi phạm, ảnh hưởng tới đời sống người dân, làm hư hỏng hạ tầng, hoặc chậm nộp nghĩa vụ tài chính.
Việc siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ý kiến ()