Thứ 4, 30/04/2025 05:55 [(GMT +7)]
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy
Thứ 4, 28/07/2010 | 08:36:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT-TU ngày 11/6/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục THCS và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn QG giai đoạn 2001-2005, diện mạo của GD Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới. Để có sự phát triển mạnh mẽ hơn về chất lượng GD&ĐT, ngày 14/7/2006, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TU về đẩy mạnh phổ cập GD, xây dựng trường học đạt chuẩn QG giai đoạn 2006-2010.
![]() |
Trường THCS Vĩnh Trại – một trong 5 trường THCS đạt chuẩn QG ở thành phố Lạng Sơn |
Tư duy và cách tiếp cận mới
Công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn QG giai đoạn 2001-2005 tuy đã đạt được một số thành tựu, song chưa thật vững chắc. Số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mới ở mức 55,3%, tỷ lệ xã đạt chuẩn THCS là gần 85%. Số xã còn lại là những địa phương thuộc vùng cao, vùng xa, vùng ĐBKK, nên cần phải nỗ lực rất nhiều. Việc xây dựng trường học đạt chuẩn QG chưa đạt kế hoạch, chưa đều giữa các bậc học, số trường MN và THCS đạt chuẩn còn rất thấp so với trường tiểu học. Tuy vậy, triển khai thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, ngành GD và các địa phương đã có những kinh nghiệm và bài học trong công tác phổ cập và xây dựng trường học đạt chuẩn QG. Đặc biệt, qua hoạt động GD của các xã đã đạt chuẩn phổ cập và các trường đạt chuẩn QG, các địa phương đã thấy được tính ưu việt của việc xây dựng chuẩn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học- yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các địa phương. Các địa phương vùng sâu vùng xa cũng đã khắc phục được tính trông chờ ỷ lại, hoặc tư tưởng ngại khó trong việc thực hiện phổ cập và xây dựng trường chuẩn. Vì vậy, khi ban hành, Nghị quyết đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành GD và toàn hệ thống chính trị các địa phương quán triệt một cách sâu sắc và triển khai nhanh. Cách thức tiến hành phổ cập cũng có nhiều đổi mới. Trước hết là nỗ lực củng cố các địa phương đã hoàn thành phổ cập, chống “rớt chuẩn”; nâng cao chất lượng phổ cập một cách vững chắc bằng cách kết hợp và phát huy tốt CSVC từ nhiều chương trình dự án như chương trình 135, chương trình tiểu học vùng khó khăn, chương trình phát triển THCS, chương trình KCH… để huy động học sinh đến trường, chống lưu ban bỏ học. Với phương châm “hiệu quả, thiết thực, vững chắc”, không vì thành tích mà bỏ qua các tiêu chí cơ bản, gắn việc phổ cập và xây dựng trường chuẩn QG với đẩy nhanh phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương vùng cao, vùng xa, vùng dân tộc. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hội nghị của ngành GD, nhiều cách làm hay, nhiều gương cán bộ giáo viên tận tụy và nhiều địa phương chỉ đạo tốt công tác giáo dục… có sức lan tỏa rộng rãi và là những bài học hay để các địa phương khác tham khảo.
Nỗ lực để bứt phá
Nếu năm học 2005-2006, toàn tỉnh có 524 trường và cơ sở GD, trong đó có 33 trường đạt chuẩn QG ( 2 trường MN, 26 trường tiểu học và 5 trường THCS); thì đến năm học 2009-2010, tuy số lượng học sinh không tăng, song do tách trường theo Luật GD và thành lập các trường MN nông thôn nên toàn tỉnh đã có 636 trường và cơ sở GD. Giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập trường MN nông thôn nhằm huy động tối đa trẻ ra lớp mẫu giáo, nâng tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1; sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2008. Ban chỉ đạo phổ cập các cấp đã huy động nỗ lực của cấp ủy chính quyền các đoàn thể trong việc vận động người trong độ tuổi đến lớp; ngành GD nâng cao chất lượng GD chính quy, chống lưu ban bỏ học; đồng thời thực hiện tốt công tác mở và duy trì lớp phổ cập THCS; tăng cường CSVC đảm bảo quyền lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp bổ túc THCS được dự thi tuyển sinh vào các trường THPT. Những yếu tố ấy đã đẩy nhanh tiến trình phổ cập THCS và đã “về đích” trước kế hoạch 1 năm. Trong công tác xây dựng trường chuẩn QG, Ban chỉ đạo các huyện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khâu nối nỗ lực của các ngành, đoàn thể trong việc lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vận động người dân hiến đất hoặc không “làm giá” khi nhà nước thu hồi đất cho việc mở rộng trường học. Ngành GD một mặt bồi dưỡng, điều chuyển cán bộ giáo viên, đáp ứng các tiêu chuẩn về cán bộ giáo viên; nâng cao chất lượng dạy và học, đưa công tác XHH giáo dục vào chiều sâu; mặt khác, chủ động lập tờ trình xin kinh phí đầu tư mua sắm; kết hợp các chương trình dự án, nhất là dự án THCS và chương trình KCH trường lớp học để đáp ứng tiêu chuẩn về CSVC. Kết quả, đến hết tháng 6/2010, toàn tỉnh đã có 84 trường đạt chuẩn QG, tăng 51 trường so với năm học 2005-2006 và 2 trường so với chỉ tiêu đề ra.
Thành công của công tác phổ cập GD và xây dựng trường học đạt chuẩn QG là kết quả của việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, thể hiện quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, toàn hệ thống chính trị; trong đó, nòng cốt là ngành GD. Đây cũng là kinh nghiệm quý để toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu duy trì vững chắc những thành tựu đã đạt được, tiến tới phổ cập THPT và xây dựng thêm nhiều trường chuẩn QG cũng như “nâng chuẩn” các trường đã được công nhận.

Poll
Ý kiến ()