Thứ 2, 28/04/2025 22:26 [(GMT +7)]
Sau 3 năm thực hiện đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục
Thứ 6, 06/07/2012 | 10:44:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục (CLGD) là yêu cầu tất yếu trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Quán triệt Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 11/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2011-2015, ngành GD&ĐT đã triển khai chỉ đạo kịp thời công tác đổi mới quản lý GD (QLGD), đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng GD.

Cô giáo Trường tiểu học 2 thị trấn Hữu Lũng hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết
Tháng 10/2010, ngành đã tổ chức một hội thảo lớn với chủ đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông năm 2010-2011 và giai đoạn 2010-2015”. Trước đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tất cả các cơ sở GD, cơ quan quản lý GD tiến hành hội thảo và coi đây là một đợt sinh hoạt chuyên môn cao. Với lòng tự trọng nghề nghiệp, các nhà giáo và cán bộ quản lý đã nêu lên tính cấp thiết phải nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Tổng kết các cuộc hội thảo, ngành đề ra nhiệm vụ thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp là nhóm “giải pháp tình thế”, nhóm “giải pháp truyền thống” và nhóm “giải pháp mới”, trong đó nhóm “giải pháp mới” mang tính đột phá để nâng cao CLGD một cách nhanh chóng và bền vững.
Triển khai cụ thể các nhóm giải pháp, mỗi phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở có một đổi mới phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; mỗi phòng giáo dục có một đổi mới phù hợp với tình hình đơn vị; mỗi nhà trường có một đổi mới phù hợp với đơn vị và mang tính thực tiễn cao; mỗi tổ chuyên môn chọn một đổi mới và xây dựng kế hoạch thực hiện; mỗi cán bộ quản lý và giáo viên có một đổi mới về công tác quản lý, phương pháp dạy học bộ môn. Với nhận thức, giáo viên và cán bộ quản lý là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT đã chọn nội dung đổi mới công tác đánh giá, xếp loại đội ngũ; trong đó kiểm tra nhận thức, kiến thức và hiểu biết là khâu mang tính đột phá. Theo đó, gần 14.600 giáo viên và cán bộ quản lý các cấp học đã được kiểm tra. Kết quả kiểm tra là cơ sở để ngành sàng lọc, phân loại, phân công, bổ nhiệm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Đối với cơ sở, tùy điều kiện cụ thể mà các phòng lựa chọn một đổi mới phù hợp. Nếu phòng GD huyện Lộc Bình chọn vấn đề thực hiện cam kết chất lượng GD gắn với “3 công khai”, thì phòng GD thành phố Lạng Sơn chọn vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy học. Nếu trường THPT Việt Bắc chọn vấn đề các giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi, thì Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc chọn vấn đề các giải pháp bồi dưỡng học sinh yếu kém…Bám sát nhiệm vụ từng năm học, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, các giáo viên đã đăng ký từng phần việc đổi mới và thực hiện thật tốt phần việc ấy. Trao đổi về vấn đế này, bà Bế Thị Vẫn, Trưởng phòng GD huyện Văn Lãng cho biết, ngay từ đầu năm học mới các giáo viên đã phải đăng ký với trường đề tài đổi mới, cán bộ quản lý cấp trường đăng ký với phòng về đổi mới quản lý, có đề cương, kế hoạch thực hiện. Phòng GD căn cứ vào đăng ký để kiểm tra các bước thực hiện. Quán triệt nội dung và tinh thần Chỉ thị số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, có kế hoạch chu đáo, mang tính thực tiễn cao, thực hiện nghiêm túc, kiểm tra nghiêm ngặt, trong 3 năm vừa qua, chất lượng giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến đáng mừng. Kết quả năm học 2011-2012 so với năm học trước, số học sinh giỏi ở cấp tiểu học tăng 4,4% ở môn Tiếng Việt và 2,5% ở môn Toán; tỷ lệ khá, giỏi ở cấp THCS tăng 3,18%, tỷ lệ yếu, kém giảm 0,51%; cấp THPT, tỷ lệ khá, giỏi tăng 6,45%, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm 2,09%; đặc biệt ở loại hình giáo dục thường xuyên đã có tỷ lệ 4,45% khá, giỏi và tỷ lệ yếu kém chỉ còn 9,3%. Trên mặt bằng của chất lượng đại trà, công tác phát hiện, bồi dưỡng và tổ chức thi chọn học sinh giỏi các cấp được quan tâm; số học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia đã tăng so với 2 năm học trước. Trong năm học, các phòng giáo dục đã tổ chức nhiều hội thi cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để đánh giá thực chất của sự chuyển biến sau 3 năm thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng; ngành đã tổ chức hội giảng giáo viên giỏi cấp tỉnh đối với 3 cấp học từ mầm non đến THCS, kết quả, tỷ lệ giáo viên đạt loại giỏi của cấp học mầm non là 72%, ở cấp tiểu học là 57,5%, cấp THCS là 62,5%- tăng khá cao so với các kỳ thi trước. Phát biểu tại các buổi tổng kết các hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, bà Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh rằng, tỷ lệ giáo viên giỏi các cấp học tăng là kết quả tổng hợp của một loạt giải pháp nâng cao chất lượng mà ngành đã thực hiện trong nhiều năm, nhất là trong 3 năm học vừa qua.
Ba năm- thời gian chưa nhiều để tạo sự thay đổi căn bản về chất lượng. Song trong 3 năm ấy, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã làm được nhiều việc, ngay trong cách đặt vấn đề, lựa chọn các giải pháp thực hiện (trong đó có các giải pháp mang tính đột phá) cũng đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ. Đề ra và thực hiện các giải pháp ấy thể hiện trách nhiệm của ngành GD&ĐT trước Đảng, trước dân về nâng cao chất lượng thực chất của công tác giáo dục.

Poll
Ý kiến ()