Quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định số 704/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quyết định, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: Thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha, dân số năm 2011 khoảng 529.631 người. Trong đó, thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440 ha, dân số 211.696 người.
Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: lamdong.org.vn |
Đến năm 2030, dự báo dân số khoảng 700.000 – 750.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 450.000 – 500.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa từ 60 – 70%. Dự báo khách du lịch khoảng 9 – 10 triệu người. Về quy mô đất xây dựng đô thị, dự báo khoảng 11.000 – 12.000 ha. Đất xây dựng nông thôn khoảng 2.500 – 3.500 ha.
Về mô hình phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, sẽ phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa – lịch sử.
Cấu trúc không gian là cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ (Nha Trang, Phan Rang – Tháp Chàm, Phan Thiết) và Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột).
Định hướng phát triển không gian thành phố Đà Lạt theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, cảnh quan địa hình và hệ thống công viên cây xanh; với mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch – văn hóa – khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh đó, các không gian và hoạt động du lịch trong đô thị bao gồm: Phát triển du lịch di sản, văn hóa, lịch sử tại khu vực trục di sản; du lịch sinh thái, cảnh quan, văn hóa, Festival hoa tại các công viên đô thị và theo các tuyến cảnh quan suối, hồ và các công viên chuyên đề; du lịch cảnh quan nông nghiệp và trang trại giáo dục trong không gian nông nghiệp sạch; du lịch hội nghị – hội thảo tại khu đô thị trung tâm và khu du lịch hồ Chiến Thắng; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp các khu du lịch hỗn hợp; du lịch điều dưỡng, chữa bệnh tại khu du lịch hồ Chiến Thắng và các trung tâm y tế cấp vùng.
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()