Triển vọng con nhả tơ ở Quốc Việt
- Những năm gần đây, người dân xã Quốc Việt, huyện Tràng Định đã chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho người dân.

Là hộ tiên phong phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã, chị Nông Thị Ly, thôn Nà Lình, xã Quốc Việt cho biết: Năm 2023, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến mô hình trồng dâu, nuôi tằm và nhận thấy đây là mô hình khá đơn giản lại có hiệu quả khá cao. Chính vì vậy, tôi đã vận động thêm một số chị em trên địa bàn xã cùng nhau đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Yên Bái. Sau đó, chúng tôi trở về áp dụng tại địa phương. Hiện nay, tôi đang trồng 6 sào dâu để nuôi tằm. Trung bình mỗi tháng, tôi xuất bán khoảng 50 kg tơ tằm, mang lại thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Tương tự như chị Ly, chị Hoàng Thúy Ngân, thôn Nà Lình, xã Quốc Việt cũng đang phát triển mô hình mới này. Chị Ngân cho biết: Năm 2023, được chị Ly vận động, tôi đã tham gia học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Yên Bái. Sau khi trở về địa phương, tôi đã chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng khoảng 3 sào dâu. Tôi thấy việc nuôi tằm khá đơn giản, vòng đời của con tằm rất ngắn, tằm chỉ ăn trong vòng 9 ngày, vào kén khoảng 5 - 7 ngày là có thể thu kén để bán. Một năm, tôi có thể nuôi tằm trong 8 tháng, mỗi tháng nuôi được 2 lứa. Hiện trung bình mỗi lứa, tôi thu được khoảng 20 kg tơ tằm và một tháng khoảng 40 kg tơ tằm. Với giá bán 120.000 đồng/kg, tôi có nguồn thu nhập 4,8 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa ngô. Nhận thấy mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, không mất nhiều thời gian, công sức thực hiện, hiện tôi đã mở rộng diện tích trồng dâu lên 7 sào và dự kiến sẽ tăng thêm số lượng tằm nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
“Quốc Việt là xã tiên phong phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện và đây cũng là xã có số lượng hộ nuôi tằm nhiều nhất. Với hiệu quả bước đầu mà mô hình đem lại, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với chính quyền các xã khuyến khích, vận động người dân có điều kiện phù hợp phát triển mô hình để gia tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời tiến hành rà soát nhu cầu của các hộ dân để nghiên cứu, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cũng như quy trình sản xuất tiên tiến để người dân áp dụng vào mô hình, qua đó nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm."
Ông Chu Tuấn Doanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tràng Định
|
Không chỉ 2 hộ gia đình trên, nhiều người dân trên địa bàn xã cũng đã chủ động học hỏi, phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm. Theo đó, hiện nay, toàn xã có khoảng 30 hộ thực hiện mô hình, tập trung chủ yếu ở các thôn: Nà Linh, Nà Dài... Đặc biệt, hiện nay, các hộ dân đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm tơ tằm với các hợp tác xã thu mua, sản xuất, chế biến tơ tằm ở các tỉnh như Yên Bái, Hà Giang... với giá bán dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg (tùy chất lượng tơ tằm). Từ phát triển mô hình, các hộ đã có thu nhập tăng thêm từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng.
Theo chia sẻ của các hộ dân, để tằm phát triển khỏe mạnh, nhả nhiều tơ và cho hiệu quả kinh tế cao, người nuôi tằm cần có kiến thức và kỹ thuật chăm sóc cơ bản. Theo đó, người nuôi cần chú trọng các yếu tố như chọn giống, cung cấp thức ăn (lá dâu), duy trì nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp... Đơn cử, lá dâu cho tằm ăn cần nhiều dinh dưỡng, lá xanh đậm, nhiều nhựa, hái lá đúng tuổi, bảo quản tốt; nhiệt độ ở môi trường nuôi tằm được duy trì ở mức 25 đến 30 độ C. Đặc biệt, trong quá trình nuôi tằm, người nuôi cần thường xuyên sát trùng dụng cụ, phòng nuôi tằm để ngăn ngừa các mầm bệnh trên con tằm.
Ông Chu Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Quốc Việt cho biết: Mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thời gian tới, UBND xã sẽ tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dâu để nuôi tằm. Cùng đó, chính quyền xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng mô hình; chủ động đề xuất với các cơ quan chuyên môn triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho người dân.
Có thể thấy, với hiệu quả kinh tế đem lại, mô hình trồng dâu nuôi tằm không chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn xã Quốc Việt nói riêng và huyện Tràng Định nói chung.

Ý kiến ()