Quân sự thế giới hôm nay (6-5): Pháp đặt hàng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất châu Âu?
Quân sự thế giới hôm nay (6-5) có những nội dung sau: Máy bay ném bom B-1B của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tác chiến đầu tiên tại Nhật Bản; Pháp đặt hàng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất châu Âu? Thủy quân lục chiến Philippines triển khai pháo phòng không Bofors.
* Máy bay ném bom B-1B của Mỹ thực hiện nhiệm vụ tác chiến đầu tiên tại Nhật Bản
Theo thông tin từ Diễn đàn Quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ tác chiến đầu tiên từ Căn cứ Không quân Misawa ở miền bắc Nhật Bản. Trước đó, vào tháng 4, không quân Mỹ đã triển khai 4 máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer tới căn cứ này.

Động thái này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong thế trận chiến lược của máy bay ném bom Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cho thấy sự gia tăng trọng tâm vào chiến lược răn đe từ tuyến đầu. Việc triển khai phản ánh chiến lược của Washington nhằm củng cố sự ổn định tại một khu vực ngày càng bị chi phối bởi cạnh tranh quân sự, tranh chấp lãnh thổ và các hoạt động phô trương sức mạnh.
Máy bay ném bom B-1B Lancer được đưa vào sử dụng từ thập niên 1980 và hiện tại vẫn là một phần cốt lõi trong năng lực tấn công tầm xa của không quân Mỹ. Với thiết kế cánh có thể thay đổi hình dạng, tốc độ siêu thanh và hệ thống điện tử tiên tiến, B-1B có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều môi trường tác chiến khác nhau. Nó có thể bay thấp và nhanh để tránh bị phát hiện, được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và vũ khí dẫn đường chính xác, cho phép thực hiện cả các cuộc tấn công mục tiêu chính xác lẫn ném bom diện rộng với độ chính xác và sát thương cao.
Về mặt kỹ thuật, B-1B có những ưu điểm riêng so với mẫu B-52 cũ. Lancer nhanh hơn, cơ động hơn và có thiết kế giúp giảm tiết diện phản xạ tín hiệu radar, do đó khó bị phát hiện hơn. B-1B chỉ mang vũ khí thông thường, không như B-52 vốn có khả năng mang cả vũ khí hạt nhân. Trong khi B-52 vẫn rất hữu ích cho các nhiệm vụ ném bom tầm xa, giám sát hàng hải và phóng tên lửa từ ngoài khu vực tranh chấp, thì B-1B phù hợp với các nhiệm vụ tấn công chính xác trong không phận có phòng thủ dày đặc.
* Pháp đặt hàng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất châu Âu?
Trong báo cáo thường niên năm 2024 mới được công bố, Tập đoàn đóng tàu Naval Group của Pháp tái khẳng định rằng Pháp có thể đặt hàng tàu sân bay PA-NG (tàu sân bay thế hệ mới) vào cuối năm nay.
Chương trình PA-NG được thiết kế nhằm chế tạo tàu chiến lớn nhất từng được xây dựng ở châu Âu, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2038. Tàu sân bay này sẽ thay thế cho Charles de Gaulle – tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất hiện nay của Hải quân Pháp, đã phục vụ từ năm 2001.

Theo đó, PA-NG sẽ là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, được thiết kế để duy trì khả năng của Pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ phản ứng nhanh, bao gồm răn đe, cưỡng chế hoặc can thiệp. Với lượng giãn nước 78.000 tấn, chiều dài 310m và chiều rộng 85m, con tàu sẽ lớn hơn và mạnh hơn so với tàu Charles de Gaulle hiện tại. Tàu sẽ được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân K22, giúp vận hành hệ thống đẩy hoàn toàn bằng điện, cung cấp năng lượng cho cả hệ thống đẩy và các thiết bị trên tàu.
PA-NG có thể đạt tốc độ tối đa 50km/giờ và có phạm vi hoạt động không giới hạn nhờ năng lượng hạt nhân. Hai lò phản ứng hoạt động độc lập, cung cấp năng lượng cho các động cơ và hệ thống của tàu, bao gồm 3 hệ thống phóng điện từ (EMALS) và 3 hệ thống hãm hiện đại (AAG). Các hệ thống này sẽ thay thế các máy phóng hơi nước và hệ thống hãm thủy lực đang được sử dụng trên Charles de Gaulle. So với các công nghệ cũ, EMALS cho phép tăng tốc mượt hơn, nâng cao tần suất xuất kích và có khả năng phóng nhiều loại máy bay với khối lượng khác nhau, từ tiêm kích thế hệ mới cho đến máy bay không người lái hạng nhẹ. Hệ thống AAG cũng giảm áp lực cơ học lên máy bay và đơn giản hóa bảo trì.
* Thủy quân lục chiến Philippines triển khai pháo phòng không Bofors
Theo ghi nhận của Aaron-Matthew Lariosa, trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự chung Balikatan 2025, thủy quân lục chiến Philippines đã đưa vào sử dụng một khẩu pháo phòng không tự động Bofors L/60 40mm trong cuộc diễn tập bắn đạn thật mô phỏng tình huống đánh trả đổ bộ tại Rizal, Palawan.
Hệ thống pháo này, vốn từng được trang bị trên một tàu khu trục từ thời Thế chiến II, hiện đã được thủy quân lục chiến Philippines gắn lên một bệ pháo tự chế để sử dụng trên đất liền.

Balikatan 2025 là cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines, đã bắt đầu từ ngày 21-4 và sẽ kéo dài đến ngày 9-5. Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của hơn 14.000 binh sĩ đến từ Philippines, Mỹ, Australia và Nhật Bản, cùng với các quan sát viên từ nhiều quốc gia khác. Trọng tâm của Balikatan là tăng cường khả năng phối hợp và tác chiến liên hợp trên không, trên bộ, trên biển, không gian mạng và không gian vũ trụ.
Bofors L/60 40mm là pháo phòng không tầm trung được phát triển bởi công ty AB Bofors Thụy Điển vào đầu những năm 1930. L/60 sử dụng đạn 40×311mmR, mỗi viên đạn nặng khoảng 0,9 kg. Pháo có chiều dài nòng 2,25m, sơ tốc đầu nòng 850-880m/s và tầm bắn hiệu quả lên đến 7.160m. Pháo được gắn trên một giá đỡ nặng 522kg và có thể quay 360 độ, với phạm vi điều chỉnh từ -5°- +90°, sử dụng hệ thống tự động trích khí với cơ chế khóa nòng trượt theo phương thẳng đứng và hệ thống nạp đạn tự động hoạt động bằng phản lực phản.
- Tỷ giá USD hôm nay (6-5): Đồng USD trượt giá do lo ngại về thuế quan mới
- Giá xăng dầu hôm nay (6-5): Trái chiều với dầu WTI tăng nhẹ
- Giá vàng hôm nay (6-5): Thế giới tăng mạnh, trong nước giảm
- Thời tiết hôm nay (6-5): Bắc Bộ, Trung Bộ ngày nắng nóng, tối mưa dông
- Quân sự thế giới hôm nay (5-5): Triều Tiên sản xuất hàng loạt bệ phóng tên lửa KN-25
- Quân sự thế giới hôm nay (4-5): Nga có tên lửa chống UAV mới?

Ý kiến ()