Phòng chống HIV/AIDS ở Chi Lăng: Còn nhiều việc phải làm
LSO-Thống kê của Y tế dự phòng- Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cho thấy, lũy tích tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn từ năm 1996 đến hết tháng 8/2013 là 186 người.
LSO-Thống kê của Y tế dự phòng- Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cho thấy, lũy tích tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn từ năm 1996 đến hết tháng 8/2013 là 186 người. Tuy vậy, cho đến nay cũng chỉ còn 28 người còn sống, trong đó, số có địa chỉ và được quản lý chăm sóc tư vấn (QCT) là 17 người (có 1 trẻ em).
![]() |
Cán bộ Trạm Y tế thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng) giao bơm kim tiêm sạch và trao đổi công việc với Đội tuyên truyền viên đồng đẳng |
Phân tích các trường hợp nhiễm, có thể thấy tỷ lệ nhiễm qua đường tiêm chích ma túy chiếm tới 83,8%, qua đường quan hệ tình dục là 14% và có 2% lây truyền từ mẹ sang con. Tuy vậy, con số thống kê trong 3 năm gần đây cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm qua đường tiêm chích ma túy đã giảm. Thực hiện các chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng chống HIV/AIDS, cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng đã tích cực vào cuộc và coi công tác này là một phần của nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Sự lồng ghép công tác phòng chống HIV/AIDS với công tác phòng chống ma túy, xây dựng xã, phường an toàn, lành mạnh, không tệ nạn xã hội đã mang lại hiệu quả tổng hợp thiết thực. Về phần mình, cơ quan y tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, các đoàn thể xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát, phát hiện, thống kê và quản lý người nhiễm; tư vấn cho họ và gia đình cách chăm sóc và tự chăm sóc để họ sống có ích cho gia đình và xã hội. Chị Đỗ Thu Hương, Trạm trưởng trạm y tế thị trấn Đồng Mỏ cho biết, là địa bàn có số người nhiễm gần bằng 50% tổng số người nhiễm trên địa bàn huyện, trạm xá đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động sự nỗ lực của toàn xã hội nhằm làm giảm số nhiễm mới. Tăng cường hoạt động can thiệp giảm hại bằng cách duy trì nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng phát bơm kim tiêm (BKT) sạch và bao cao su, thu gom bơm kim tiêm bẩn, bảo vệ môi trường. Anh Trần Quang H. tuyên truyền viên đồng đẳng cho chúng tôi biết: “Nhóm có 3 người, các anh xác định các tụ điểm về tiêm chích ma túy và đến với họ, phát BKT và bao cao su, khuyên họ không dùng chung BKT, dùng xong thì “cắm” vào tấm xốp để tuyên truyền viên đến thu gom”. Sự hoạt động bền bỉ của nhóm này đã “cộng hưởng” với các hoạt động tuyên truyền đã góp phần làm giảm tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích ma túy.
Trong 8 tháng của năm 2013, tuy Chi Lăng vẫn duy trì được đà giảm của cả 3 tiêu chí (số người nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong do ADIS và các bệnh có liên quan) của 3 năm trước. Song, hiện toàn huyện đã có 15/21 xã thị trấn có người mắc, trong đó một số xã nổi lên như những tụ điểm mới về chích ma túy. Tuy ngành y tế Chi Lăng đã tăng cường các hoạt động về chuyên môn, nhất là tuyên truyền, tư vấn người nghiện chích ma túy đi xét nghiệm phát hiện HIV, song do nhận thức, nhiều gia đình và bản thân người nghiện vẫn chưa tự giác thực hiện. Ngay như trường hợp ở Vân An, khi tử vong mới phát hiện do AIDS; hoặc hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn 11 người còn sống thuyên chuyển chỗ ở, hoặc vắng mặt mà chưa quản lý được… Ai dám chắc những trường hợp ấy không âm thầm làm lây lan HIV cho những người thân và cộng đồng?
Công tác vận động, tư vấn xét nghiệm và điều trị bằng ARV cũng gặp không ít khó khăn. Trong số 3 tuyên tuyền viên đồng đẳng ở thị trấn Đồng Mỏ mà chúng tôi gặp gỡ, có đến 2 người nhiễm HIV. Song khi được hỏi về điều trị ARV, cả 2 người đều lúng túng. Ngay như tuyên truyền viên còn như vậy, thử hỏi những người ở các xã xa trung tâm huyện sẽ thế nào? Bác sĩ Vi Minh Khánh, phụ trách Đội Y tế dự phòng của Trung tâm Y tế Chi Lăng rất lo lắng về vấn đề này, anh nói rằng, pa nô, áp phích nhiều cũng không hiệu quả bằng đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng, vì lợi thế của họ là đến tận nơi, tuyên truyền trực tiếp, tư vấn thiết thực. Và anh ao ước có kinh phí để thành lập thêm đội tuyên truyền viên đồng đẳng tại xã, cụm xã như Vạn Linh.
MINH HỒNG

Ý kiến ()