Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tiếp xúc cử tri Bắc Giang
Thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều nay (16/4), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Báo cáo dự kiến về chương trình, nội dung kỳ họp tại Hội nghị, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Thị Việt Hà (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang) đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 và bế mạc ngày 28/6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 5-28/5 và đợt 2, từ ngày 11-28/6.
Thực hiện khối lượng công việc lớn liên quan đến công tác lập pháp
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, xem xét, thông qua 30 dự án luật, trong đó có: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch;...
Cùng với đó là thông qua 7 nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật, gồm: Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Về xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà cho hay, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Xem xét báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Đồng thời xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV...
ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà cũng báo cáo những kết quả cụ thể của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đến nay, trong đó khẳng định Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh giúp Đoàn duy trì thực hiện việc tiếp dân thường xuyên, tiếp nhận và xử lý đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, hằng tháng tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh (đã tiếp 52 công dân đến phản ánh 21 vụ việc); Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được 56 đơn (kiến nghị 28, khiếu nại 6, tố cáo 22). Các đơn thư kiến nghị, phán ánh, khiếu nại tố cáo gửi đến ĐBQH và Đoàn ĐBQH được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bày tỏ nhiều kỳ vọng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Phát biểu tại Hội nghị, các cử tri bày tỏ nhiều kỳ vọng vào công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; tin tưởng bộ máy hành chính các cơ quan Nhà nước mới sau sắp xếp sẽ tinh gọn hơn, giảm bớt được tầng nấc trung gian, hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hơn. Các cử tri mong muốn, cùng với đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư, cán bộ thuộc diện tinh giản. Đồng thời, các cử tri cũng mong muốn Nhà nước có các chính sách chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng.
Trước tình trạng các hành vi lừa đảo qua mạng, lừa đảo bằng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp với các thủ đoạn tinh vi và thực tế rất nhiều người đã bị lừa đảo… Một số ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa để xử lý triệt để vấn nạn này.
Nhiều ý kiến cử tri đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương, của tỉnh Bắc Giang đề ra các cơ chế, chính sách hiệu quả, đồng bộ hơn trong công tác quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công… đối với một số dự án trên địa bàn của tỉnh, tránh tình trạng triển khai chậm trễ, ì ạch, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường cũng như gây nên những hệ lụy, tác động tiêu cực trong đời sống xã hội…

Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Cho biết một số kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội của đất nước; công tác tinh gọn, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan Nhà nước thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ, ấn tượng của Bắc Giang thời gian qua, nhất là về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, chăm lo cho đời sống nhân dân… qua đó góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV tới đây sẽ giải quyết một khối lượng công việc rất lớn để cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, các chỉ đạo của Trung ương, trong đó có sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để phục vụ cho công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Đồng thời, tiến hành xây dựng, sửa đổi một hệ thống luật với hơn 30 đạo luật và gần 10 nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cho công tác quy hoạch, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tạo hành lang pháp lý cho những chủ trương mới của Trung ương được thực thi, thực hiện, phục vụ cho tăng tốc, bứt phá và phát triển, đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, hưng thịnh, văn minh.
Chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, một loạt các chủ trương lớn đã được hoạch định và tiến hành rất khẩn trương và nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Các chủ trương này cụ thể đó là cuộc cách mạng tinh giản, sắp xếp bộ máy, xây dựng bộ máy tinh gọn; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số; phát triển kinh tế tư nhân – một động lực quan trọng của nền kinh tế và khu vực kinh tế này có khả năng đảm nhiệm những nhiệm vụ chiến lược của quốc gia…
"Một chủ trương quan trọng đang được đẩy mạnh triển khai đó là cuộc cách mạng tinh giản, sắp xếp bộ máy, hướng tới 4 mục tiêu lớn. Thứ nhất là tổ chức được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bộ máy được tổ chức khoa học, có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, mẫn cán. Thứ hai là sắp xếp để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Thứ ba là tổ chức chính quyền phải sát dân, gắn với dân, giải quyết trực tiếp những công việc của dân. Thứ tư là mở đường cho phân cấp, phân quyền rộng rãi, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, tính chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương phải được đề cao", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, Bắc Giang với Bắc Ninh sẽ sáp nhập lại, trở thành tỉnh Bắc Ninh mới. Tỉnh mới sau sáp nhập có vai trò và vị thế rất lớn, có quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.
Bối cảnh mới, cơ hội mới, có những dư địa phát triển mới… tỉnh Bắc Ninh mới phải chủ động, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục bứt phá, phát triển, vươn lên, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân… Tất cả phải được thể hiện rõ ràng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh với phướng hướng, mục tiêu, đường đi, nước bước cụ thể, rõ ràng.
Thực hiện tốt công tác sắp xếp, sáp nhập chính quyền các xã, phải làm ngày làm đêm nhiệm vụ này để có danh sách cụ thể các xã sau sắp xếp, chậm nhất là trong tháng 6 để tổ chức Đại hội cấp xã. Văn kiện đại hội Đảng bộ của cấp xã phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, không phải là việc cộng cơ học các văn kiện đã được chuẩn bị trước của các đơn vị cũ khi chưa được sắp xếp./.

Ý kiến ()