Thứ 2, 28/04/2025 07:53 [(GMT +7)]
Phim kinh dị Việt Nam: Những bước đi chập chững
Thứ 6, 16/03/2012 | 08:33:00 [(GMT +7)] A A
Cảnh trong phim “Lời nguyền huyết ngải”. |
Là một trong những dòng phim tương đối kén khán giả, nhưng rất hấp dẫn và dễ bảo đảm doanh thu cao, phim kinh dị ngày nay đang có những bước phát triển vượt bậc trên thế giới. Ở Việt Nam một, hai năm gần đây, phim kinh dị mới bắt đầu le lói xuất hiện trở lại, và trong danh sách tranh giải Cánh diều vàng năm nay, có tới hai phim thuộc thể loại này góp mặt.
Đốt đuốc tìm phim hay
Trong khoảng mấy năm trở lại đây, số lượng phim kinh dị của Việt Nam, nếu tính cả của các đạo diễn trong nước và phim hợp tác với các đạo diễn Việt kiều, có lẽ số lượng phim kinh dị không nhiều hơn số ngón trong hai bàn tay. Có thể kể đến những “Suối oan hồn – Ngôi nhà hoang”, “Mười”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Bóng ma học đường”, “Ngôi nhà trong hẻm”, “Lời nguyền huyết ngải”…
“Khi yêu đừng quay đầu lại” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh ra mắt hồi đầu năm 2010 được công chúng và báo giới đón chờ bởi tên tuổi của đạo diễn lừng danh này. Tuy nhiên, trái với những mong chờ về một tác phẩm ra tấm ra món, bộ phim lại khiến cho công chúng và báo giới khá thất vọng bởi một kịch bản nhiều lỗ hổng, diễn xuất vụng của hai nhân vật chính và một câu chuyện hời hợt, không hẳn là phim kinh dị, cũng không hẳn là phim tâm lý. Mặc dù cố gắng vớt vát bằng cảnh quay đẹp tại những căn biệt thự cổ liêu trai ở Đà Lạt, nhạc phim hay, dàn diễn viên ngoại hình đẹp như Ngân Khánh, Thanh Thức…, nhưng tất cả những điều này vẫn không thể lấp được những lỗ hổng của kịch bản.
“Bóng ma học đường” cũng là một trong những thí dụ được nói tới nhiều nhất, nhưng không phải khen mà là chê. Hóa trang dở, kịch bản dở, “Bóng ma học đường” từ chỗ được công bố là phim kinh dị 3D đã trở thành phim hài, khi tạo hình của các nhân vật ma nữ và trùm ma trong phim đều khiến cho người xem cười nghiêng ngả.
Mới đây nhất, phim “Ngôi nhà trong hẻm” của đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt ra mắt hồi đầu năm nay, được đầu tư khá công phu về kỹ xảo, âm thanh, tiếng động, hình ảnh… nhưng cũng khiến khán giả … chưng hửng bởi kịch bản nhiều sạn và có những chỗ hổng không đáng có. Nếu như trong một bộ phim có kết cấu chặt chẽ, thì mỗi chi tiết xuất hiện đều phải có nguyên cớ, hoặc có câu chuyện liên quan, nhưng trong bộ phim của Lê Văn Kiệt, có quá nhiều chi tiết thừa, không lời giải thích, khiến cho khán giả đã rối lại càng thêm rối. Và có cảm giác như các nhà làm phim chưa thực sự tự tin vào độ hấp dẫn của phim, cho nên vẫn phải cố gắng cài thêm một vài cảnh nóng, tình huống nhạy cảm để thêm yếu tố ăn khách.
“Lời nguyền huyết ngải” của Bùi Thạc Chuyên không lựa chọn kỹ xảo hình ảnh, âm thanh làm yếu tố trọng tâm. Bùi Thạc Chuyên tuyên bố lựa chọn yếu tố hấp dẫn từ kịch bản, các nút mở, nút thắt trong câu chuyện và sử dụng cách quay phim để thay thế cho kỹ xảo. Và “Lời nguyền huyết ngải” đã trở thành một điểm sáng thực sự, một cách làm đúng trong khi các phim kinh dị của Việt Nam còn đang loay hoay tìm cách đến với khán giả.
Làm phim kinh dị… khó trăm bề
Dựa trên truyện ngắn “Huyết đằng” của tác giả Phạm Hải Anh, mặc dù đã nắm trong tay kịch bản hoàn chỉnh rồi, nhưng đích thân Bùi Thạc Chuyên vẫn phải chong đèn nhiều đêm để chỉnh sửa từng chi tiết cho thật ưng ý. Và “Lời nguyền huyết ngải”, là một câu chuyện được bóc từng lớp, từng lớp, mỗi lớp đều chứa đựng những bí mật. Bộ phim đã thực sự hấp dẫn khán giả bằng yếu tố lắt léo, bất ngờ của cốt truyện chứ không phải bằng kỹ xảo, mặc dù cũng được đầu tư khá công phu về âm thanh, tiếng động.
“Lời nguyền huyết ngải” đã vượt qua được điểm yếu nhất của các phim kinh dị Việt hiện nay, là khâu kịch bản. Xưa nay, phim kinh dị Việt chỉ quẩn quanh ở những ngôi nhà bị ám ảnh bởi những hồn ma chết oan không siêu thoát, với bối cảnh phần lớn là Đà Lạt, cách dựng cảnh chủ yếu là máu me, tranh tối tranh sáng, khói sương mờ ảo, hồn ma thường mang hình cô gái áo trắng dài rộng thùng thình, tóc xõa che kín mặt… Thiếu sáng tạo, thiếu nút thắt mở hợp lý, thiếu một kịch bản hấp dẫn…, cộng với sự non tay của đạo diễn, các phim kinh dị ra đời đều khó tránh khỏi những phản ứng và so sánh của khán giả.
Một trong những lý do khác khiến các nhà làm ngại là dễ phạm Luật Điện ảnh khi bản lĩnh của đạo diễn cùng ê kíp không vượt qua được một cách nghệ thuật các quy định: không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan…
Phim kinh dị Việt còn đang ở những bước chập chững đầu tiên, vì thế, nếu coi đây là những bước thử nghiệm của các đạo diễn đã là điều đáng mừng. Bản thân thể loại, sự đòi hỏi của công chúng, tâm lý khán giả truyền thống Việt Nam sẽ là những phép thử buộc các nhà làm phim phải tự tìm tòi nâng tầm tác phẩm chứ không phải dùng công nghệ, kỹ xảo để khỏa lấp đi những thứ mình thiếu hoặc chạy theo một thị hiếu du nhập, sao chép từ ngoài.

Poll
Ý kiến ()