Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chương trình mục tiêu quốc gia (giai đoạn 2021-2030) khu vực phía nam đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, như: kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, công trình tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa.

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã giúp các địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục-đào tạo, an sinh xã hội chuyển biến tích cực.
Từ chính sách an sinh…
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2030, nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa. Chương trình đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số…; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá, cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia khác, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần quan trọng giúp các địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn miền núi khởi sắc, thay đổi theo hướng tích cực...
Tại khu vực phía nam có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thụ hưởng Chương trình, trong đó các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Cần Thơ thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách của địa phương. Theo phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ tướng Chính phủ thì đây là địa bàn có số lượng các xã, thôn thấp hơn nhiều so với địa bàn các tỉnh miền núi phía bắc và các tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên, với 312 xã, bằng 9,1% tổng số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Dân số của cả khu vực khoảng 17.342.195 người, trong đó có 1.724.068 người là dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 10% dân số của vùng; tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số bình quân là 2,95%.
Bốn năm qua, Trung ương đã phân bổ hơn 66 nghìn tỷ đồng; trong đó, phân bổ cho các địa phương gần 63 nghìn tỷ đồng; riêng khu vực phía nam, ngân sách Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 là gần 3,5 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 6% tổng vốn). Từ nguồn vốn này, các địa phương đầu tư 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung chính sách thành phần cho sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khu vực phía nam.
Nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, như: kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa... Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động lớn trên địa bàn. Thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, người dân được tiếp cận các mô hình sản xuất tiên tiến, năng suất cao, theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm.
… Đến những bước phát triển mới
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh là 17,7 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 4,3 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 13,3 tỷ đồng. Các đơn vị, địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh, như: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu… triển khai thực hiện nhiều dự án theo chương trình, gồm: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...
Tại Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù”, tỉnh Tây Ninh đã phân bổ 800 triệu đồng từ vốn sự nghiệp cho Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì phối hợp Đài Phát thanh-Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh thực hiện công tác tuyên truyền. Trực tiếp tham gia dự án, biên dịch viên Nách Chan Nên (Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh) luôn tất bật khi tham gia quy trình sản xuất và tổ chức thực hiện sản xuất các bản tin tiếng Khmer. Ngoài nhiệm vụ chính ra, Nách Chan Nên còn tham gia làm MC, dự các sự kiện khi có đoàn đại biểu nước bạn Campuchia sang. Cô cũng là một trong số 214 cán bộ dân tộc của tỉnh Tây Ninh tham gia hệ thống chính trị và là đảng viên tiêu biểu trong số 305 đảng viên là người dân tộc.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, để chăm lo cho đồng bào các dân tộc, tỉnh giao 1,5 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán; phân bổ 2,4 tỷ đồng xây dựng nhà hỏa táng và công trình phụ trợ; phân bổ 5,1 tỷ đồng củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú; 5,5 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Chol Chnam Thmay, tổ chức truyền dạy ngôn ngữ của người Tà Mun…
Tỉnh Ninh Thuận có 32 thành phần dân tộc (chiếm 23% dân số toàn tỉnh), trong đó dân tộc Raglai chiếm 10,6% và dân tộc Chăm chiếm 11% dân số toàn tỉnh. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận Pi Năng Thị Thủy cho biết: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh được Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phân bổ 995 tỷ đồng. Địa phương đã thực hiện đồng bộ các biện pháp đưa 10 dự án thành phần của chương trình vào cuộc sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng 62 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống thủy lợi, chợ... phục vụ sản xuất, đời sống. Nhờ đó, diện mạo các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đổi thay nhiều, rút ngắn khoảng cách nhiều lĩnh vực giữa miền núi với miền xuôi. Toàn bộ các xã của Ninh Thuận được thụ hưởng chương trình đều có đường ô-tô đến trung tâm xã. Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã được xây dựng quy mô lớn, có tính kết nối vùng. Mạng lưới giao thông nội đồng, nông thôn được cải thiện theo chuẩn nông thôn mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, buôn bán và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tất cả các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được kết nối điện lưới quốc gia; 99,8% số hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất; 98,74% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Bình Phước là một trong những tỉnh có thành phần dân tộc đứng đầu cả nước với 40 dân tộc thiểu số sinh sống. Trong giai đoạn 2022-2024, Bình Phước được phân bổ gần 850 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 624 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là hơn 225 tỷ đồng; cuối năm 2024, tỉnh đã giải ngân hơn 530 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết: Tỉnh đã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng: mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vượt chỉ tiêu; số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn dự kiến vượt chỉ tiêu vào cuối giai đoạn I; số thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn chỉ tiêu giao 13 thôn, đến nay, đã có 26 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều đạt tỷ lệ cao.
Sự tác động tích cực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thay đổi diện mạo vùng đất phía nam. Các dự án, chỉ tiêu trong chương trình góp phần quan trọng thúc đẩy phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Ý kiến ()