Dấu ấn thương mại hiện đại
- Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 25/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (HTTM) theo hướng đồng bộ, hiện đại để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Trong những năm gần đây, HTTM trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng từ thành phố Lạng Sơn đến các huyện, trung tâm cụm xã. Một mặt, tỉnh tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp bán lẻ lớn đầu tư hạ tầng, mở siêu thị, chuỗi cửa; mặt khác tỉnh quan tâm thu hút đầu tư xây mới, nâng cấp HTTM nông thôn. Theo đó, các ngành, các huyện, thành phố đã khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển HTTM, nhất là HTTM nông thôn nhằm tạo sự phát triển đồng bộ.
Đầu tư hạ tầng
Để tạo sự phát triển đồng bộ về HTTM, ngành công thương đã triển khai hiệu quả tiêu chí số 7 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về cơ sở HTTM nông thôn, thời gian qua, Sở Công Thương đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện. Cùng đó, sở bố trí nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các dự án xây dựng chợ, cửa hàng tiện ích, tự chọn... tại khu vực nông thôn. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 168/175 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở HTTM nông thôn (chiếm 96%). Trong đó, quan trọng nhất là hạ tầng chợ truyền thống đã được đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp, đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.
Ông Nông Minh Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, huyện Bình Gia cho biết: Trên địa bàn xã có chợ phiên Văn Mịch thu hút số lượng lớn người dân và tiểu thương đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Trước đây, với cơ sở hạ tầng yếu kém, chợ chưa đáp ứng tốt nhu cầu giao thương của người dân. Trước thực tế đó, năm 2023, chợ Văn Mịch đã được bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước với kinh phí 800 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp. Hiện nay, chợ đã có đầy đủ cơ sở hạ hầng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, thiết bị phòng cháy chữa cháy... qua đó, giúp xã đạt tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới và phục vụ tốt hơn nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân.

Theo số liệu của ngành công thương, giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh có 38/82 chợ (chiếm 46%) được nâng cấp, cải tạo, xây mới với tổng kinh phí trên 176 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư trên 92,8 tỷ đồng; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư 83,2 tỷ đồng), góp phần quan trọng vào việc phát triển hệ thống chợ nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 82 chợ truyền thống, trong đó có 2 chợ hạng 1, 11 chợ hạng 2 và 69 chợ hạng 3.
Cùng với phát triển chợ - HTTM thiết yếu khu vực nông thôn, thời gian qua, HTTM hiện đại ở khu vực thành phố và trung tâm các huyện cũng được thu hút đầu tư. Từ năm 2018 đến nay, các cấp, ngành của tỉnh đã có khoảng 70 chuyến công tác đến thăm, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, tổ chức của nước ngoài, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế để mời gọi đầu tư vào Lạng Sơn. Nhờ đó đã thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án tại tỉnh, nổi bật có những “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ như: VinGroup; MasanGroup...
Ông Đặng Văn Dũng, Quản lý hệ thống WinMart+ tại Lạng Sơn cho biết: Năm 2018, WinMart+ đặt cửa hàng đầu tiên tại thành phố Lạng Sơn. Tiếp đó, chúng tôi đã nhanh chóng phát triển thêm 14 cửa hàng tại thành phố và huyện Lộc Bình, Cao Lộc. Hiện nay, tập đoàn Masan dự kiến tiếp tục đầu tư khoảng 25 – 30 tỷ đồng để mở thêm 14 - 15 cửa hàng tiện lợi WinMart+. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, lựa chọn mặt bằng và đặt mục tiêu đến hết năm 2025, WinMart+ sẽ có mặt ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.
Ngoài WinMart+, trên địa bàn tỉnh còn có sự góp mặt của nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn như Điện máy Xanh, Mediamart... qua đó, góp phần phát triển HTTM hiện đại của tỉnh. Nếu như trước năm 2014, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 siêu thị, thì đến nay, toàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại, 9 siêu thị lớn đang hoạt động và hàng loạt chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... Đặc biệt, theo thông tin từ ngành công thương, hiện nay, tập đoàn Central Retail, đơn vị sở hữu siêu thị Big C và siêu thị GO! cũng đã quan tâm, tìm hiểu đầu tư tại Lạng Sơn, hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra sự phát triển mạnh mẽ về HTTM của tỉnh.
Thay đổi mô hình quản lý
Song hành với việc thu hút đầu tư, phát triển HTTM về “phần cứng”, tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phát triển hạ tầng công nghệ thương mại như đối với thương mại hiện đại là đầu tư ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, ứng dụng thương mại diện tử… hay đối với thương mại truyền thống là chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Ngày 27/9/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 25/6/2021 về phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nêu rõ mục tiêu về lĩnh vực thương mại: tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 9,04%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh tăng bình quân 18,8%/năm. Xây mới và cải tạo trên 20 chợ, 3 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 1 trung tâm hội chợ triển lãm thương mại tại thành phố Lạng Sơn, 1 trung tâm dịch vụ logistics. Thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, phấn đấu có trên 50% người dân thành thị mua sắm bằng hình thức trực tuyến...
|
Đơn cử, từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 - 3 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho khoảng 200 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; hỗ trợ 5 - 6 doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm kế toán, quản trị ngành hàng...; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ, phát triển thương mại điện tử trong kinh doanh.
Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Năm 2022, công ty được Sở Công Thương hỗ trợ bộ ứng dụng One SME (phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) với nhiều tính năng như quản lý hoạt động bán hàng trên nền tảng điện tử; thực hiện hóa đơn điện tử… nhờ đó, công tác quản trị doanh nghiệp được hiện đại hóa, tiết giảm thời gian, công sức. Ngoài ra, công ty cũng chủ động phát triển kinh doanh trên thương mại điện tử. Nổi bật, năm 2024, công ty đã nghiên cứu quy trình bảo quản vịt quay và đưa sản phẩm lên quảng bá, bán hàng trên website, sàn thương mại điện tử TikTok. Hiện bình quân mỗi ngày, công ty phối hợp với các cửa hàng vịt quay nổi tiếng của Lạng Sơn bán ra thị trường khoảng 2.000 con vịt quay.
Đối với thương mại truyền thống, để tăng hiệu quả hoạt động của chợ, các cấp, ngành của tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX triển khai dự án đầu tư xây dựng, chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31/82 chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý, khai khác và đầu tư xây dựng. Các chợ không chỉ được cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng mà còn được “khoác lên mình chiếc áo mới” trong cách vận hành, kinh doanh như: có địa điểm bày bán theo từng ngành hàng; có nội quy chợ và phương án giá cho thuê điểm kinh doanh; vấn đề thu gom rác thải, vệ sinh môi trường chợ được đảm bảo... từ đó, giúp chợ truyền thống duy trì hoạt động hiệu quả, khẳng định được vai trò là kênh mua sắm, trao đổi hàng hóa chủ yếu của người dân khu vực nông thôn.
Với HTTM phát triển đồng bộ, hiện đại, những năm qua, lĩnh vực thương mại của tỉnh luôn duy trì sự phát triển ổn định và có sự tăng trưởng qua từng năm. Theo thống kê của ngành công thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng bình quân giai đoạn 2020 – 2024 hằng năm tăng hơn 15%. Đơn cử, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 35.128 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022; năm 2024 đạt 37.392 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2025 tiếp tục đà tăng trưởng với tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 12.616,6 tỷ đồng, tăng 16,23% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, Lạng Sơn đang nằm trong tốp đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có hệ thống chợ nông thôn được cải tạo, nâng cấp mới, qua đó, góp phần tạo ra sự phát triển đồng bộ. Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36 ngày 25/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển thương mại nội địa, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi... từng bước thực hiện mục tiêu đưa thương mại – dịch vụ trở thành ngành kinh tế trọng yếu, tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Có thể thấy, HTTM phát triển đồng bộ, hiện đại đã thật sự trở thành “đòn bẩy” tạo ra sự tăng trưởng đột phá trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, từ đó góp phần không nhỏ vào bức tranh kinh tế tổng thể với những gam màu sáng của tỉnh Lạng Sơn thời gian qua.

Ý kiến ()