Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Vượt mục tiêu sớm
- Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, tính đến hết tháng 3/2025, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh là 14.650 người, chiếm 4,37% lực lượng lao động trong độ tuổi. So với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Lạng Sơn đã vượt 1,87%.

Để đạt được kết quả đó, những năm qua, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Ông Hà Đình Hải, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Xác định muốn phát triển BHXH tự nguyện thì phải đi từ gốc, đó là thay đổi nhận thức người dân, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu.
Cùng đó, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐNĐ tỉnh chính sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện ngoài mức hỗ trợ của Trung ương (30% đối với hộ nghèo, 25% với cận nghèo, 10% với các đối tượng khác) và tăng cường truyền thông về chính sách hỗ trợ mức đóng lợi ích về lâu dài để người dân hiểu được tính nhân văn, bền vững của chính sách.
Hằng năm, BHXH tỉnh tăng cường khai thác dữ liệu, phối hợp liên ngành thông qua phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, tổ chức dịch vụ thu rà soát dữ liệu về cá nhân, hộ kinh doanh, người lao động khu vực phi chính thức, người chưa tham gia BHXH để xác định đối tượng tiềm năng, để giao chỉ tiêu phát triển người tham gia một cách hợp lý .
Cùng đó, BHXH tỉnh, BHXH các huyện phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu, UBND cấp xã, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia thông qua hoạt động hội nghị khách hàng, tuyên truyền theo các nhóm nhỏ, trực tiếp tư vấn tại thôn bản, cụm dân cư… Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 277 hội nghị, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, tập huấn chính sách BHXH với khoảng 12 nghìn lượt người tham dự; truyền thông nhóm nhỏ trên 300 cuộc cho hơn 2.000 lượt người, qua đó đã vận động được 5.800 người đăng ký tham gia mới.
Một biện pháp quan trọng để phát triển BHXH tự nguyện là duy trì, nâng cao hiệu quả của các tổ chức dịch vụ thu. Toàn tỉnh hiện duy trì 4 tổ chức dịch vụ ủy quyền thu, với 226 điểm thu và 527 nhân viên. Hằng năm, BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho các tổ chức dịch vụ thu, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên thu; phát động thi đua, khen thưởng kịp thời các nhân viên tiêu biểu trong phát triển người tham gia.
Chị Triệu Thị Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vân Nham (huyện Hữu Lũng), cộng tác viên thu BHXH cho biết: Mỗi lần sinh hoạt ở các chi hội phụ nữ thôn, tham gia họp dân, tôi đều mang theo tờ rơi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, bảng quyền lợi minh họa cụ thể để tuyên truyền cho người dân và giải thích, hướng dẫn, tư vấn mức đóng phù hợp để chị em tham gia. Từ năm 2024 đến nay, tôi đã vận động, phát triển được hơn 20 người tham gia BHXH tự nguyện.
Như vậy, những biện pháp thiết thực của BHXH tỉnh đã tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về việc tham gia BHXH. Bà Nguyễn Thị Hòa, người dân xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, chia sẻ: Tôi làm nghề buôn bán tự do nhiều năm, trước đây nghĩ chỉ người đi làm nhà nước mới được hưởng lương hưu. Khi có người từ BHXH đến tư vấn, hướng dẫn rõ ràng, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện, để tuổi già có đồng lương, bớt phụ thuộc vào con cháu.
Những kết quả đáng khích lệ trong phát triển BHXH tự nguyện tại Lạng Sơn là một minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn và quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai. Tin tưởng rằng Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện trong những năm tới, hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 28.

Ý kiến ()