Sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm bất ổn tâm lý
- Trước áp lực học tập và cuộc sống, nhiều học sinh THPT dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu hay trầm cảm mà không nhận ra. Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT), nhóm học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Bắc gồm các em Vy Trần Linh, Hứa Thiện Nhân, Hoàng Trần Bách Diệp, Đỗ Đức Quyền và Ngô Nhật Minh dưới sự hướng dẫn của cô Trần Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã ứng dụng mô hình máy học và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển phần mềm “Chẩn đoán và đánh giá SKTT ở học sinh THPT ”.

Em Ngô Nhật Minh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Theo khảo sát sơ bộ tại Trường THPT Việt Bắc và tổng hợp từ các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, chúng em thấy rằng SKTT có ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, các mối quan hệ xã hội và sự phát triển cá nhân của học sinh. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Nhiều học sinh có biểu hiện rối loạn tâm lý nhưng lại né tránh hoặc phủ nhận vì lo sợ bị kỳ thị. Việc xây dựng nhận thức đúng đắn về SKTT, đặc biệt trong môi trường học đường là rất cần thiết để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Triển khai xây dựng phần mềm chẩn đoán và đánh giá SKTT, nhóm học sinh đã ứng dụng các thuật toán máy học hiện đại như Transformer và LSTM (Long Short-Term Memory) có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và phân tích dữ liệu phức tạp, đồng thời tích hợp hai mô hình trí tuệ nhân tạo là MID-large11m và sub-MID-large3m với khả năng học sâu vào phần mềm. Những mô hình này có ưu điểm là tốc độ xử lý nhanh, hiệu suất cao, bảo mật tốt và đặc biệt không phụ thuộc vào nền tảng điện toán đám mây. Dữ liệu huấn luyện phần mềm được nhóm nghiên cứu thu thập từ các báo cáo, tài liệu tâm lý học trong và ngoài nước, sau đó được phân loại theo từng dạng rối loạn tâm lý cụ thể.
Phần mềm chẩn đoán và đánh giá SKTT có thể cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, hoạt động được ngay cả khi không có kết nối với mạng internet. Người dùng chỉ cần mở ứng dụng và nhập thông tin về cảm xúc, tình huống cá nhân hoặc những khó khăn đang gặp phải, dưới dạng văn bản hoặc giọng nói, bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Dựa trên dữ liệu được huấn luyện, phần mềm sẽ phân tích và trả về kết quả đánh giá tình trạng tâm lý, chia thành 6 nhóm vấn đề thường gặp: trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, lo lắng quá mức, rối loạn ám ảnh cưỡng bức và kiệt sức. Mỗi kết quả còn kèm theo đánh giá mức độ nghiêm trọng (nhẹ, vừa, nặng) và độ tin cậy của kết luận.
Ví dụ, một người dùng kể lại trải nghiệm bị người thân bạo hành trong quá khứ, hiện tại vẫn cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi nghe ai đó gọi to tên mình. Sau khi phân tích dữ liệu đầu vào, phần mềm trả kết quả là người dùng có dấu hiệu của rối loạn căng thẳng sau sang chấn, mức độ nghiêm trọng "nặng", độ tin cậy lên tới 99%. Ngoài chức năng chẩn đoán, phần mềm còn hiển thị biểu đồ thể hiện mức độ nghiêm trọng của từng rối loạn, đưa ra lời khuyên cải thiện tâm lý và gợi ý các tổ chức để người dùng có thể tiếp cận hỗ trợ chuyên sâu nếu cần. Điều này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh học sinh còn e ngại việc gặp trực tiếp chuyên gia tâm lý.
Cô Trần Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc, hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Các em có tinh thần tự học rất cao. Nhiều bạn đã chủ động học thêm về công nghệ thông tin, tiếng Anh để tiếp cận tài liệu nước ngoài và phát triển phần mềm. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các em đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.
Không chỉ giúp học sinh tự kiểm tra sức khỏe tâm lý tại nhà, phần mềm còn hỗ trợ các chuyên gia tâm lý trong việc thu thập thông tin ban đầu một cách khách quan và hiệu quả. Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2023–2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, phần mềm đã giành giải ba. Ngoài ra, dự án cũng đạt giải khuyến khích tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 16, năm 2024. Hiện nhóm đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo hướng tạo ra giao diện thân thiện với người dùng, phát triển thêm tính năng hỗ trợ cải thiện tâm lý.

Ý kiến ()