Phát hiện nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu
Từ đầu tháng 4/2017 đến nay, lực lượng chức năng các địa phương phía Nam đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn. Qua đây đã phát hiện và tiêu hủy một số lượng lớn rượu nấu không đảm bảo chất lượng và rượu giả đóng vào vỏ chai cũ…
Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Đồng Nai đã vừa tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm và rượu trên địa bàn 2 huyện Tân Phú và Trảng Bom. Đoàn đã phát hiện một số vi phạm như có cơ sở sơ chế thực phẩm trực tiếp trên nền nhà bằng gạch men; khu vực tường nhà, trần nhà nơi chế biến chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm; chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa được khám sức khỏe định kỳ theo quy định; chưa có thùng rác có nắp đậy tại khu vực chế biến… Đặc biệt, các cơ sở chế biến rượu vi phạm phổ biến là chưa có giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với rượu đang sản xuất; chưa xuất trình được giấy xác nhận công bố hợp quy an toàn thực phẩm đối với men nấu rượu; kinh doanh rượu nhưng không xuất trình được hồ sơ pháp lý liên quan đến nguồn gốc rượu.
Cũng tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra về việc sản xuất, kinh doanh rượu tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức tại xã Phú Hòa và Cơ sở sản xuất rượu Ninh Thị Lan. Tại cơ sở sản xuất rượu Ninh Thị Lan, mặc dù trang thiết bị phù hợp với sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản rượu đúng theo quy trình, song cơ sở vật chất chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, như: trần nhà còn bụi bặm, nhà vệ sinh còn bố trí trong khu vực sản xuất, không có giấy khám sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất… Đoàn yêu cầu cơ sở khắc phục các lỗi vi phạm và sẽ kiểm tra lại trong thời gian tới. Tại cơ sở sản xuất rượu ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, Đoàn đã phát hiện cơ sở sản xuất rượu gấc của ông Trịnh Huy Hoàng chưa hoàn tất các thủ tục công bố sản phẩm, như: kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm về rượu, kiểm nghiệm mẫu nước giếng khoan dùng để sản xuất rượu, xác nhận công bố hợp quy… đoàn đã lập biên bản và yêu cầu chủ cơ sở không được phép bán rượu ra ngoài thị trường khi chưa có đầy đủ các giấy tờ liên quan.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Bình Dương tiến hành khám đột xuất 3 toa tàu thuộc đoàn tàu SH3 đang xuống hàng tại Ga Sóng Thần, trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.000 chai rượu nhập khẩu không dán tem nhập khẩu, không hóa đơn chứng từ cùng nhiều hàng hóa khác, do nước ngoài sản xuất như bia, nước giải khát, nước xì dầu… không nhãn phụ, không hóa đơn chứng từ. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Sở Công thương tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017, với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Theo đó, các đơn vị chức năng của Sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh gia súc, gia cầm; cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh rau củ quả; cơ sở nuôi trồng và chế biến, kinh doanh thủy sản. Nội dung kiểm tra gồm: điều kiện kinh doanh, sản xuất, chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm; quy trình chế biến, vận chuyển… Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, sẽ tiến hành lấy mẫu để test nhanh về chất lượng an toàn thực phẩm. Mục đích của đợt kiểm tra nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rượu.
Ông Lê Thành Công, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở đã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở kinh doanh rượu nhỏ lẻ, kể cả các cửa hàng ăn uống và đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, Sở Công Thương Tây Ninh cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm rượu theo quy định pháp luật, kể cả đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công. Cùng với đó là đẩy mạnh thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh rượu; tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường; không sử dụng methanol để pha chế rượu… Đồng thời công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng./..
Theo Dangcongsan

Ý kiến ()