Pháp có nguy cơ trở thành nước "có vấn đề" mới của EU
Lao động Pháp xuống đường tuần hành đòi bảo đảm việc làm. Ảnh CNBC Sau Hội nghị cấp cao EU mới đây, niềm tin của các nhà đầu tư, các thị trường tài chính dường như đã được khôi phục tại châu Âu, nhưng chỉ được một tuần, mọi dấu hiệu tích cực đã qua đi, tình hình kinh tế khu vực EU trở lại tệ hại như trước hội nghị.Sau các nước Hy Lạp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, giờ đây đến lượt Pháp trở thành tiêu điểm của thị trường lại thêm một "đứa con" đáng phải quan tâm nữa xuất hiện trong Liên hiệp châu Âu (EU). Nước Pháp đang phải đối mặt nghiêm trọng với các vấn đề về cơ cấu, lẽ ra phải thực hiện chính sách tiết kiệm, thì Chính phủ Pháp lại tăng thuế và điều này lại được nhiều quan chức Pa-ri ủng hộ. Pháp ngày một chìm sâu vào tiêu cực của thị trường tài chính. Giám đốc đầu tư của Cơ quan quản lý tài sản Thụy Sĩ (Pictet) An-phrết Ruê-li nói: "Chúng tôi rất lo lắng về tình hình ở Pháp", trong khi ông Ê-đoa Các-mi-gơ-nhắc, một...
![]() Lao động Pháp xuống đường tuần hành đòi bảo đảm việc làm. Ảnh CNBC |
Sau các nước Hy Lạp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, giờ đây đến lượt Pháp trở thành tiêu điểm của thị trường lại thêm một “đứa con” đáng phải quan tâm nữa xuất hiện trong Liên hiệp châu Âu (EU). Nước Pháp đang phải đối mặt nghiêm trọng với các vấn đề về cơ cấu, lẽ ra phải thực hiện chính sách tiết kiệm, thì Chính phủ Pháp lại tăng thuế và điều này lại được nhiều quan chức Pa-ri ủng hộ. Pháp ngày một chìm sâu vào tiêu cực của thị trường tài chính. Giám đốc đầu tư của Cơ quan quản lý tài sản Thụy Sĩ (Pictet) An-phrết Ruê-li nói: “Chúng tôi rất lo lắng về tình hình ở Pháp”, trong khi ông Ê-đoa Các-mi-gơ-nhắc, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực đầu tư ở Pháp đã gửi một bức thư ngỏ khẩn cấp tới Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ, trong đó cảnh báo: “Những dự án đầu tiên của chính phủ mới được công bố đã tích tụ một loạt mối đe dọa bất hạnh. Nó sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp và các giám đốc điều hành rời bỏ nước Pháp và quỹ đầu tư của tầng lớp trung lưu sẽ đóng băng lại. Bình thường, người ta có thể gạt bỏ điều này như một vấn đề nội bộ của nước Pháp, nhưng đúng vào thời kỳ khủng hoảng khu vực eurozone thì không thể được. Bà Lô-răng-xơ Pa-ri-xô-tơ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp (Medef) cũng cảnh báo: “Trong những tuần tới và tháng tới, bất cứ điều gì chúng ta làm ở Pháp cũng sẽ là rất quan trọng đối với toàn bộ EU”.
Tăng thuế thay vì tiết kiệm. Điều Tổng thống Ô-lăng-đơ đang làm hoàn toàn không lạc quan chút nào, bởi Chính phủ Pháp thực thi một chính sách kinh tế xa rời với thực tế của các doanh nghiệp. Ngày 4-7, chính phủ đã thông qua một khoản ngân sách bổ sung và hy vọng qua đó sẽ giảm được mức thâm hụt ngân sách khủng khiếp xuống còn 4,5% của GDP trong năm nay. Song, mức giảm này không phải nhờ tiết kiệm, mà chủ yếu do tăng thuế đối với những người giàu và các công ty. Đứng đầu danh sách là những đối tượng được quyết định giảm thuế dưới thời Tổng thống N. Xác-cô-di, sẽ phải hoàn nộp. Theo đó, các doanh nghiệp với 20 lao động trở lên tương lai sẽ lại phải nộp thuế và các khoản giao nộp xã hội làm thêm giờ khác, đồng thời thuế kế thừa tài sản cũng tăng lên và thuế giao dịch tài chính tăng gấp hai lần, lên 0,2%. Lãi cổ phiếu phải nộp thuế 3% và thuế đặc biệt một lần đối với các ngân hàng, các công ty dầu khí và tất cả các gia đình phải nộp thuế bất động sản. Với chính sách này, chính quyền của ông Ô-lăng-đơ hy vọng trong thời gian ngắn sẽ bù lấp được lỗ hổng ngân sách, nhưng những hậu quả trung hạn thì có thể rất đáng sợ. Nếu mùa thu tới, chính phủ mới thực hiện tiếp những lời hứa trong tranh cử của ông Ô-lăng-đơ và đưa vào áp dụng mức thuế suất mới cho những đối tượng có mức thu nhập từ hơn một triệu ơ-rô sẽ có nguy cơ tạo ra một làn sóng di cư của nhiều doanh nghiệp. Bà Pa-ri-xô-tơ cảnh báo thêm: “Các nhà đầu tư sẽ di chuyển vốn tới đầu tư ở nơi khác hoặc đơn giản là ngừng đầu tư”. Từ lâu đã có những dấu hiệu một số công ty xem xét việc di chuyển trụ sở công ty sang nước khác, cho dù đa số các công ty lớn cho đến nay vẫn bác bỏ những tin đồn này.
Ngoài ra, sản lượng công nghiệp của Pháp có xu hướng giảm từ vài năm nay. Tất cả những điều này là rất khó khăn cho Pháp, trong khi nước này đã từng trải qua một thời kỳ “phi công nghiệp hóa” thật sự. Ông Xtê-phan Mu-ét-dê, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Landesbank Hessen-ThẬringen (Đức) nhận xét: “Tham gia của ngành công nghiệp chế biến vào thành tích kinh tế từ năm 2000 đã giảm 5% xuống còn 10% hiện nay”. Đây là giá trị thấp nhất trong tất cả các nước lớn thuộc khu vực eurozone và chưa nhìn thấy có “một bước ngoặt” mới nào như ở Tây Ban Nha. Lý do cơ bản là vì chi phí lao động cao, trong khu vực eurozone Pháp chỉ đứng sau Bỉ là nước có chi phí cao nhất. Điều quan trọng ở đây không phải lương cao cho giới công chức, mà chủ yếu là chi phí lương phụ cao. Có nghĩa là đối với các doanh nghiệp thì hoạt động bất cứ ở quốc gia nào thuộc eurozone cũng thuận lợi hơn ở Pháp. Ông A. Ruê-li kết luận: “Kinh tế Pháp đã mất đi năng lực cạnh tranh rất lớn của họ”. Mặt khác, quy định thuế theo quyết định mới nhất vừa rồi cũng nằm ở mức cao kỷ lục. Sự tham gia của các khoản thuế vào ngân sách tăng và tăng. Cả trong những năm nước Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Xác-cô-di đảng bảo thủ, xu hướng này cũng không được ngăn chặn. Trong bức thư của mình, ông Ê. Các-mi-gơ-nhắc tỏ ra bực tức, trước hết bởi ở cấp EU, Pháp vẫn luôn kêu gọi Đức đoàn kết giúp đỡ hơn nữa. Theo ông “nếu khu vực eurozone tan vỡ, chắc chắn Đức sẽ là nước thua thiệt rất nhiều”.
Với chương trình xã hội của mình, Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ đang tìm cách đưa nước Pháp ra khỏi khủng hoảng theo chiến thuật đã từng được theo đuổi từ thời Tổng thống Phrăng-xoa Mít-tơ-răng đã đưa lại những kết quả tai hại. Nhìn vào chương trình kinh tế của Tổng thống Ô-lăng-đơ, mọi thứ có thể xảy ra như trước đây, vị Tổng thống đảng Xã hội đầu tiên là ông Ph. Mít-tơ-răng lên nắm quyền từ tháng 5-1981 đã tìm cách đưa nước Pháp khỏi cuộc khủng hoảng khi đó bằng chương trình tăng trưởng kinh tế thông qua tăng thuế. Song, kết quả thật tai hại. Pháp mất đi khả năng cạnh tranh, đồng Franc trong vòng hai năm đã ba lần bị giảm giá, thất nghiệp tăng cao, lạm phát lên mức hơn 10%. Tháng 3-1983, Tổng thống Mít-tơ-răng công bố một bước ngoặt, trong đó cắt giảm phúc lợi xã hội, dẹp bỏ tệ quan liêu, các doanh nghiệp trước đó bị quốc hữu hóa giờ trở lại tư nhân hóa và ít năm sau đó, Pháp đã có những bước tiến nhanh so với Đức. Nhưng chính sách của Tổng thống Mít-tơ-răng trước kia cuối cùng đã phải chịu những hậu quả tai hại do áp lực của thị trường tài chính. Tổng thống Ô-lăng-đơ nay lại có bước đi tương tự của ông Mít-tơ-răng, nhưng vấn đề cơ cấu của Pháp là rất nghiêm trọng, trong khi những cải cách ở Pháp lại bị ngừng trệ, các cuộc cải cách dù nhỏ nhất của người tiền nhiệm N. Xác-cô-di như tăng tuổi nghỉ hưu,… đã bị bãi bỏ. Tỷ lệ người thất nghiệp ở mức hai con số. Do vậy, nước Pháp của Tổng thống đảng Xã hội Ô-lăng-đơ rất dễ sẽ bị lặp lại tình trạng của bậc tiền bối, thậm chí có thể còn không kéo dài tới hai năm như trước kia, vì ngày nay khác hẳn với 30 năm trước. Các nhà đầu tư rời đi rất nhanh, có thể chỉ tính theo ngày hoặc theo giờ.
Nước Pháp hiện nay “ốm yếu” do nền kinh tế từ nhiều năm qua mất khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, Pháp lại là một nước phải chi nhiều cho hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện nhất ở châu Âu. Đây là điều không chỉ nguy hiểm đối với riêng nước Pháp, mà cả EU, bởi Pháp rất có thể sớm rơi vào hoàn cảnh khó khăn như Tây Ban Nha và I-ta-li-a, trở thành một trường hợp “có vấn đề” mới trong khu vực eurozone.
Theo Nhandan

Ý kiến ()