Nông thôn mới ở Ninh Bình: Thách thức và giải pháp
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Ninh Bình xây dựng Chương trình hành động số 20-CTr/TU và Nghị quyết số 03-NQ/TU hướng mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Từ đó, nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện để kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển, thu nhập của lao động nông thôn tăng trưởng đáng kể.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Ninh Bình xây dựng Chương trình hành động số 20-CTr/TU và Nghị quyết số 03-NQ/TU hướng mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Từ đó, nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện để kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển, thu nhập của lao động nông thôn tăng trưởng đáng kể.
Diện mạo không ngừng đổi mới
Tiếp theo Nghị quyết 03-NQ-TU của Tỉnh ủy Ninh Bình, HÐND tỉnh cũng ra Nghị quyết, UBND tỉnh còn xây dựng đề án số 06 về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 để cụ thể hóa các nhiệm vụ và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai. Tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho lao động nghề nông. Ðồng thời, từng bước xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai thông qua việc triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia cùng một số chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn tỉnh như: Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục, v.v các đề án giảm nghèo, xóa nhà tranh tre, dột nát, đề án hỗ trợ phát triển cây vụ đông, hỗ trợ sản xuất lúa cao sản và lúa chất lượng cao, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển ngành nghề nông thôn.
Diện mạo nông thôn ở Ninh Bình đổi mới rõ nét là sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với giá trị sản phẩm đạt hơn 86 triệu đồng/ha mỗi năm. Kết cấu hạ tầng như điện, nước, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ … được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Trong ba năm (từ 2011 đến nay) tỉnh nâng cấp, làm mới 981 km đường nông thôn nhờ cơ chế huyện hỗ trợ 66.159 tấn xi-măng thẳng cho xã làm 5.348 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 536 km tuyến liên huyện, liên xã. Các huyện tập trung kiên cố hóa 216,6 km kênh mương, nạo vét 45 km kênh mương, lắp đặt thêm 250,5 km đường điện, nâng cấp được 88 trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng và nâng cấp 156 nhà văn hóa, khu thể thao xã và thôn đạt chuẩn; xây dựng năm chợ đạt chuẩn, xóa 758 nhà tạm, dột nát và nâng tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn lên 63%.
“Ðời sống vật chất, tinh thần của nông thôn được nâng lên, nhất là vùng miền núi, ven biển khó khăn” – Chủ tịch UBND huyện miền núi Nho Quan- Bùi Thị Quế cho biết. Tại những xã có phong trào xây dựng NTM, thu nhập bình quân hằng năm của lao động nông nghiệp tăng khoảng 9,35%, trung bình đạt 19,5 triệu đồng/người. Nhiều xã nghèo vùng trũng như Ðức Long, Gia Tường, Gia Thủy, xã vùng cao Kỳ Phú, Thạch Bình, Cúc Phương giao thông được mở rộng với đường liên xã phần lớn là bê-tông kiên cố, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện còn khoảng hơn 10%.
“Không chỉ huyện miền núi Nho Quan phát triển phong trào xây dựng NTM, tại tám huyện, thị xã, thành phố Ninh Bình, các cấp ủy đảng và chính quyền chú trọng phát động phong trào toàn dân xây dựng NTM” – Chánh Văn phòng chương trình xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình, Trần Văn Hà nói. Nổi bật là các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Cụ thể là Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 25%, có 101/119 trạm y tế xã đạt chuẩn, 62% số dân nông thôn tham gia các hình thức bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 69% thôn, xóm được công nhận làng văn hóa và hơn 90% số dân nông thôn được dùng nước sạch tại 27 công trình nước sạch tập trung.
Qua ba năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM của tỉnh, ba xã Khánh Thiện, Khánh Phú, Khánh Thành (Yên Khánh) đã về đích với 19 tiêu chí được tỉnh công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM; chín xã đạt 15-18 tiêu chí, 45 xã đạt 10-14 tiêu chí, 65 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, năm xã đạt bốn tiêu chí.
Còn nhiều thách thức
Từ những kết quả rõ nét phần lớn nông dân trong tỉnh có chuyển biến về nhận thức, rằng xây dựng NTM là để chính người dân hưởng thụ. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân địa phương cho “đây là chương trình của Chính phủ thì Nhà nước phải đầu tư là chủ yếu”, từ đó nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa xác định rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Bên cạnh những thôn, xã thi đua sôi nổi, đồng đều, tự giác, có thôn, xã phong trào trầm lắng “ngó nhà hàng xóm làm mà bình chân như vại”, tạo nên bức tranh với gam mầu sáng tối rõ nét: Một bên hăng hái tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, thậm chí tiền của để xây dựng, còn một bên nhiều hộ so đo, tính toán nên không thống nhất ý chí trong thôn. Ðiều này đặc biệt rõ khi làm giao thông nông thôn hoặc quy hoạch đồng ruộng gắn với dồn điền đổi thửa. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành; vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền nhất là vai trò lãnh đạo của chi ủy, chi bộ và điều hành của trưởng thôn chưa hiệu quả, chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng” chưa được các cấp ủy đảng và chính quyền tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu rõ.
Trao đổi về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp gỡ Ban Chỉ đạo NTM các cấp để phát huy tính năng động, sáng tạo, đi sát thực tế từng huyện, xã để xác định lộ trình thích hợp ở từng nơi. Ðồng thời, tổ chức nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả lấy điển hình ở ba xã Khánh Thiện, Khánh Thành, Khánh Phú (Yên Khánh) để học tập làm theo. UBND các cấp cần coi trọng khâu lồng ghép chương trình và phân bổ vật tư, kinh phí theo cơ chế UBND tỉnh đã ban hành, trong đó ưu tiên các xã khó khăn. Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ nông dân được sử dụng đất ổn định, lâu dài để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại.
Xây dựng nông thôn mới là đổi mới tư duy về sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đó là nền tảng cơ bản của nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa. Ðây là công việc lâu dài, khó khăn, phức tạp trong quá trình chuyển biến nhận thức từ sản xuất manh mún, quảng canh sang sản xuất quy mô lớn, tập trung nhằm tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, do vậy cần có sự chỉ đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị. “Trong quá trình tổ chức thực hiện cần xác định bước đi vững chắc, tránh hoài nghi, ỷ lại, thái quá, áp đặt. Ðồng thời, cần chủ động, sáng tạo, kiên trì để tạo ra tầm nhìn mới, diện mạo nông thôn mới, xây dựng nền kinh tế – văn hóa mới và con người nông thôn mới” – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()