Nở rộ nghề bóc gỗ
LSO-Dọc theo tuyến quốc lộ 1A đoạn qua các xã: Minh Sơn, Sơn Hà, Đồng Tân, huyện Hữu Lũng rất dễ bắt gặp hàng chục xưởng gỗ bóc dọc hai bên đường. Hoạt động chế biến gỗ bóc phát triển tại Hữu Lũng đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho cả người chế biến và người trồng rừng.
![]() |
Sản xuất gỗ bóc tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng |
Năm 2010, hoạt động sản xuất gỗ bóc phát triển đầu tiên tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, sau đó mở rộng sang các xã khác như: Sơn Hà, Đồng Tân, Đồng Tiến…
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, tính đến cuối tháng 8/2017, toàn huyện có 42 cơ sở sản xuất gỗ bóc gồm: 33 cơ sở hộ gia đình và 9 doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho gần 800 lao động .
Theo các chủ cơ sở sản xuất gỗ bóc, đầu tư một dây truyền sản xuất gỗ bóc, từ máy bóc vỏ, cắt khúc, bóc ván, máy thu gỗ, xe điện vận chuyển đến máy cắt kích thước theo từng loại ván có giá từ 400 triệu đồng đến 700 triệu đồng. Người lao động chỉ cần thực hành thực tế trong 1 tuần là có thể vận hành thuần thục dây truyền sản xuất.
Tìm hiểu thực tế, sở dĩ các xưởng sản xuất gỗ bóc nở rộ bởi khả năng thu hồi vốn nhanh. Ông Nguyễn Quốc Huy, thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn cho biết: Dây truyền sản xuất gỗ bóc được gia đình đầu tư 700 triệu đồng, một ngày sản xuất được từ 10 đến 12 m3 gỗ bóc, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 nghìn đồng/m3. Nếu sản xuất ổn định và chủ động được nguồn nguyên liệu thì chỉ gần 2 năm là thu hồi đủ vốn.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: Ban đầu xã chỉ có lác đác một vài xưởng sản xuất gỗ bóc quy mô nhỏ, nhưng từ năm 2013 đến nay, hoạt động sản xuất gỗ bóc tại Minh Sơn nở rộ do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Đến nay, xã đã phát triển được 17 cơ sở sản xuất gỗ bóc, tạo việc làm cho trên 200 lao động với thu nhập ổn định từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, hiện các cơ sở sản xuất gỗ bóc của xã Minh Sơn đạt doanh thu hơn 27 tỷ đồng/năm, tính bình quân mỗi xưởng sản xuất gỗ bóc đạt doanh thu gần 1,6 tỷ đồng/năm.
Huyện Hữu Lũng có nhiều thuận lợi cho nghề gỗ bóc phát triển như: hạ tầng giao thông đi các cảng biển, cửa khẩu biên giới thuận lợi, có vùng nguyên liệu tại chỗ tương đối ổn định và nguồn lao động sẵn có. Theo số liệu thống kê, sản phẩm gỗ bóc trên địa bàn huyện trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt gần 80 nghìn m3, bình quân mỗi tháng đạt gần 10 nghìn m3, doanh thu mỗi tháng bình quân đạt gần 40 tỷ đồng. Nhưng nguồn nguyên liệu để các xưởng gỗ bóc hoạt động ổn định chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Toàn huyện có diện tích rừng sản xuất trên 15,6 nghìn ha gồm: cây keo chiếm 30% diện tích; bạch đàn chiếm 70% diện tích. Hằng năm, toàn huyện trồng mới rừng sản xuất từ 1.300 ha đến 1.500 ha, nhưng diện tích cho khai thác hằng năm rất khiêm tốn. Cụ thể, năm 2016, diện tích khai thác rừng bạch đàn và keo là 195 ha với sản lượng 12,4 nghìn m3 gỗ tròn; 8 tháng đầu năm 2017, diện tích khai thác đạt 341 ha, sản lượng 18,2 nghìn m3 gỗ tròn. Sản lượng này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ bóc trên địa bàn. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất gỗ bóc còn phải nhập lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An và các huyện khác nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho xản xuất.
Ông Chu Kim Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ACC 78 cho biết: Do không chủ động được nguồn nguyên liệu, trong tháng 7 – 8/2017, hoạt động của xưởng gỗ bóc của công ty chỉ đạt 50% công suất, đơn vị phải đi thu mua gỗ từ các tỉnh bạn để duy trì sản xuất.
Do nhu cầu gỗ nguyên liệu bấp bênh, hiện tại xã Minh Sơn đã hình thành 10 đại lý chuyên thu mua gỗ trong và ngoài tỉnh cung cấp cho các cơ sở sơ chế trên địa bàn. Tại Hữu Lũng đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt về nguyên liệu duy trì sản xuất giữa các xưởng sản xuất gỗ bóc.
CÔNG QUÂN

Ý kiến ()