Nỗ lực nâng chỉ số ICT
(LSO) – Năm 2018, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT Index) của Lạng Sơn tăng 26 bậc so với năm 2017. Để đạt được kết quả này, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị hành chính trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện.
Chỉ số tăng đột biến
Theo báo cáo tóm tắt chỉ số ICT năm 2018 do Hội Tin học Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 26 bậc so với năm 2017. Trong đó, các chỉ số thành phần tăng bậc nhiều nhất so với năm 2017 là: chỉ số về dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 16/63, tăng 44 bậc; chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xếp thứ 21/63, tăng 39 bậc; chỉ số về hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan nhà nước (CQNN) xếp thứ 18/63, tăng 37 bậc; chỉ số về hạ tầng nhân lực của các CQNN xếp thứ 16/53, tăng 37 bậc.
Năm 2018 là năm thứ 13 Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam đánh giá, báo cáo chỉ số ICT. Với chủ trương giữ nguyên hệ thống chỉ tiêu ít nhất trong 3 năm nên các năm: 2016, 2017, 2018, hệ thống chỉ tiêu đánh giá được giữ nguyên. Với hệ thống chỉ tiêu đánh giá không thay đổi, có thể so sánh từ năm 2016 đến năm 2018, Lạng Sơn đạt kết quả tích cực trong phát triển và ứng dụng CNTT, truyền thông và đặc biệt tăng đột biến vào năm nay. Cụ thể, năm 2016, ICT Index của Lạng Sơn xếp thứ 61/63 tỉnh, thành; năm 2017 xếp thứ 58/63 tỉnh, thành và năm nay xếp thứ 32/63 tỉnh, thành.
Công chức Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện chuyên môn nghiệp vụ
Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho rằng: Chỉ số ICT có quan hệ mật thiết với chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Chỉ số ICT của tỉnh tăng bậc có ý nghĩa hết sức quan trọng là góp phần hiện đại hóa nền hành chính đẩy mạnh quá trình xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch.
Chỉ đạo, thực hiện 4 nhiệm vụ chính
Hiện đại hóa nền hành chính là câu chuyện không thể chỉ nói bằng lời mà nó liên quan đến nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng và nhân lực vận hành, ứng dụng. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở TT&TT đã nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng ứng dụng CNTT tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Trên cơ sở hạ tầng CNTT hiện có, năm 2017, sở nỗ lực tìm hiểu để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ứng dụng CNTT đúng, sát tình hình thực tiễn. Theo đó, sở đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn đúng nội dung triển khai, chọn đúng đối tác cung cấp phần mềm cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Qua đây, năm 2017, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo 4 nội dung chính gồm: triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 và một cửa điện tử; phê duyệt Đề án triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực truyến đến cấp xã; ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh tham gia trao đổi văn bản điện tử qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn, phiên bản 1.0. Sau chỉ đạo, việc ứng dụng CNTT được các cấp, ngành tích cực ứng dụng nhất là vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và DVCTT mức độ 3, 4 đến 28/28 cơ quan, đơn vị hành chính; cung cấp 642 DVCTT mức độ 3, 4 (tăng 628 dịch vụ so với tháng 11/2017). Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã đã triển khai thí điểm tại 22 cơ sở, phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% UBND cấp xã được ứng dụng.
Để duy trì và nâng cao chỉ số ICT, thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; triển khai Đề án hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã; tổ chức tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT mức độ 3, 4; cung cấp chữ ký số, chứng thư số đến cấp phòng, đơn vị thuộc UBND cấp huyện và triển khai trục liên thông hệ thống văn bản quản lý và điều hành 4 cấp: xã, huyện, tỉnh và Chính phủ.
MINH ĐỨC
Ông Bế Thanh Hòa, Phó Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sở luôn quan tâm tới việc ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn của ngành. Hạ tầng kỹ thuật CNTT ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức. Hơn 70% cán bộ, công chức trong ngành được trang bị máy tính phục vụ công việc. 100% cán bộ, công chức sử dụng hệ thống thư điện tử của tỉnh để trao đổi thông tin, tài liệu qua mạng và hệ thống quản lý văn bản, điều hành phục vụ công việc. Thời gian tới, sở tiếp tục nâng cấp các thiết bị và các phần mềm ứng dụng phục vụ cho đơn vị nhằm đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT. TRANG VÂN |

Ý kiến ()