Nỗ lực của những trí thức trẻ ở Bác Ái
Tuy thời gian chưa dài để đánh giá đầy đủ hiệu quả công việc, nhưng với sự năng động, tự tin, 49 trí thức trẻ, trong đó có tám đội viên được bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận), đang hằng ngày thể hiện nhiệt huyết và khát vọng được cống hiến cho quê hương.
Vì có xuất phát điểm thấp, huyện Bác Ái xác định yêu cầu cấp bách là cần tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở, để mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, đạt kết quả như mong muốn. Những năm qua, huyện đã thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện về đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các xã. Nhưng do nguồn nhân lực hạn chế, cho nên tình trạng thiếu cán bộ vẫn còn. Thực hiện chủ trương thu hút đội ngũ trí thức trẻ tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn của UBND tỉnh và “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo” của Chính phủ, UBND huyện đã phối hợp Sở Nội vụ tuyển chọn 49 trí thức trẻ vào các vị trí công tác tại địa phương.
Bí thư Huyện ủy Bác Ái Kiều Như Bổn nhận xét: “Những năm qua, đội ngũ trí thức trẻ tăng cường cho các xã 30a rất nhiệt tình công tác. Tám đội viên được bầu bổ sung chức vụ phó chủ tịch xã, đã giúp chính quyền cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực”.
Ðầu tháng 5-2013, về xã Phước Tiến, gặp Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Ngọc Linh, một trong số bảy người đạt kết quả loại giỏi của lớp bồi dưỡng 56 Phó Chủ tịch UBND xã, được UBND huyện đánh giá là người góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Raglai về sản xuất nông nghiệp. “Ban đầu, tôi rất trăn trở, vì làm thế nào để 52% số hộ nghèo, trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất lạc hậu vươn lên thoát nghèo. Ðược cấp ủy cho chủ trương, tôi triển khai đề án “Thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Tiến”, mục tiêu đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và được bà con hưởng ứng. Nhờ đó, vụ đông xuân năm 2013, gần 90% diện tích đất sản xuất của bà con đồng loạt gieo trồng đúng thời vụ, tuân thủ cách thức bón phân, phun thuốc đúng quy trình, cây lúa phát triển tốt và cho năng suất cao. Ðây là cuộc “cách mạng nhỏ” trong sản xuất ở vùng cao” – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Ngọc Linh tâm sự.
Ðội viên Cao Thị Thanh Huyền, quê ở Thanh Hóa, đã gắn bó với xã vùng cao Phước Chính gần ba năm qua, cũng là gương điển hình của đội ngũ trí thức trẻ tại đây. Sau khi tốt nghiệp ngành Nông – lâm (Trường đại học Ðà Lạt), Thanh Huyền đã có việc làm tại Thanh Hóa, nhưng vài tháng sau đó, cô đã viết đơn xin vào làm việc tại huyện Bác Ái và được phân công là thành viên Tổ công tác 30a của xã Phước Chính. Khi được tuyển chọn và bầu bổ sung giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chính, Cao Thị Thanh Huyền đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với đồng bào Raglai, giải thích cho người dân hiểu rõ hơn về những khó khăn thực tế, giúp người dân xác định ngoài những vấn đề được nhà nước hỗ trợ như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ vốn sản xuất, vốn thực hiện các mô hình trình diễn…, người dân cần hưởng ứng các chương trình do chính quyền đề ra, để thay đổi nhận thức trong sản xuất, mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, người dân Raglai ở đây đã quen dần với việc sản xuất đúng thời vụ, giảm chi phí đầu tư nhiều, năng suất lúa đạt cao, đời sống được cải thiện đáng kể.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ðại Pilao Thị Thuynh bộc bạch: “Ðược trở về phục vụ quê hương mình là một hạnh phúc lớn”. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn (Trường đại học Ðà Lạt), đúng vào thời điểm huyện Bác Ái tuyển chọn trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ðại, Thuynh nộp đơn dự tuyển và trúng tuyển. Ngoài công việc ban ngày, Pilao Thị Thuynh dành nhiều thời gian vào buổi tối để tiếp cận từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động cha mẹ chú trọng việc đưa con em mình đến trường. Bằng cách lấy chính bản thân mình làm bài học kinh nghiệm, nữ phó chủ tịch trẻ đã giúp bà con nhận thức được “Chỉ có học tốt cái chữ, người Raglai mới phát triển kinh tế, cải thiện đời sống”. Cùng với đó, Pilao Thị Thuynh đề xuất củng cố lại Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục xã và giao trách nhiệm đến từng thành viên. Nhờ đó, năm học 2012-2013, xã đã vận động được hơn 50 học sinh ra lớp phổ cập, nâng số học sinh phổ cập toàn xã lên 242 em.
Xã Phước Ðại có nhiều đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, do công tác lập danh sách đề nghị trước đây còn chậm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Phó Chủ tịch Pilao Thị Thuynh đã cùng cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung rà soát, làm lại thủ tục liên quan và đến nay đã lập danh sách 25 người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam; rà soát đối tượng trẻ em mồ côi, người già hơn 80 tuổi để lập danh sách đề nghị hỗ trợ. “Là người địa phương, am hiểu phong tục tập quán… nên mình rất thuận lợi trong công tác và được người dân tín nhiệm. Vài năm nữa, xã Phước Ðại sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục, đời sống khấm khá hơn” – Pilao Thị Thuynh cho biết.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức sơ kết giai đoạn I thực hiện “Dự án 600 Phó Chủ tịch xã” và đã đánh giá: Ðội ngũ trí thức trẻ tăng cường về làm việc tại huyện Bác Ái đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Qua đó, chứng tỏ được năng lực và tạo được uy tín trong cán bộ và nhân dân.
Hiện tại, đội ngũ trí thức trẻ trên của huyện Bác Ái đang nỗ lực với sức bật và hoài bão của tuổi trẻ để chinh phục những khó khăn, thử thách và đang “cháy” hết mình cho những ước mơ, hoài bão cao đẹp đó.

Ý kiến ()