Ninh Hạ - điểm sáng trong Chiến lược phát triển miền tây của Trung Quốc
Chiến lược phát triển miền tây của Trung Quốc đã được triển khai từ năm 2000. Tỉnh Ninh Hạ với tên gọi đầy đủ là Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, nằm ở tây - bắc Trung Quốc, được hưởng lợi lớn từ chính sách này và có sự phát triển vượt bậc trong hơn mười năm vừa qua.Chuyến thăm Ninh Hạ mới đây đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên về một tỉnh nghèo của Trung Quốc đang vươn mình phát triển, không chỉ với quyết tâm thoát nghèo mà còn với tham vọng sớm trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính và văn hóa không những của Trung Quốc mà cả thế giới.Sau gần hai giờ rời Sân bay quốc tế Bắc Kinh, chiếc máy bay Bô-inh 737 của hãng Hàng không Trung Quốc mang số hiệu CA-1219 đưa chúng tôi nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Hà Đông của TP Ngân Xuyên, thủ phủ tỉnh Ninh Hạ vào một buổi chiều đầy nắng vàng. Ra khỏi máy bay, những làn gió mát lạnh ở miền tây - bắc Trung Quốc đã đem đến cho chúng tôi cảm giác...
Chuyến thăm Ninh Hạ mới đây đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên về một tỉnh nghèo của Trung Quốc đang vươn mình phát triển, không chỉ với quyết tâm thoát nghèo mà còn với tham vọng sớm trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính và văn hóa không những của Trung Quốc mà cả thế giới.
Sau gần hai giờ rời Sân bay quốc tế Bắc Kinh, chiếc máy bay Bô-inh 737 của hãng Hàng không Trung Quốc mang số hiệu CA-1219 đưa chúng tôi nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Hà Đông của TP Ngân Xuyên, thủ phủ tỉnh Ninh Hạ vào một buổi chiều đầy nắng vàng. Ra khỏi máy bay, những làn gió mát lạnh ở miền tây – bắc Trung Quốc đã đem đến cho chúng tôi cảm giác phấn chấn và đầy háo hức khi lần đầu được đặt chân lên mảnh đất mà 'con đường tơ lụa' nổi tiếng xưa kia chạy qua.
Trước khi đến Ninh Hạ, chúng tôi được biết đây là một trong ba tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Ninh Hạ có diện tích 66.400 km2, số dân là 6,25 triệu người, trong đó người dân tộc Hồi chiếm 36%. Ngoài ra, ở Ninh Hạ còn có người các dân tộc Hán, Triều Tiên… Đây là vùng đất vốn nổi tiếng với những sa mạc chạy dài tít tắp… Trong trí tưởng tượng của tôi, đây có lẽ là khu vực lạc hậu về nhiều mặt, từ hạ tầng cơ sở, đường giao thông cho đến các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, v.v. Tuy nhiên, sau bốn ngày ở Ninh Hạ và được đến tận nơi thăm các cơ sở kinh tế, văn hóa và du lịch ở nhiều nơi trong tỉnh, những gì được tận mắt chứng kiến đã xóa bỏ hoàn toàn hình dung trước đó trong trí tưởng tượng của tôi và thay vào đó là sự ngỡ ngàng trước sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực của Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ.
Ấn tượng mạnh trước hết là Ninh Hạ có hệ thống đường cao tốc phát triển và đây là hệ thống đường cao tốc đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đồng chí Dương Tân Nhuận, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Ninh Hạ cho biết, tính đến cuối năm 2010, Ninh Hạ có hệ thống đường giao thông với chiều dài tổng cộng 220 nghìn km, trong đó khoảng 100 nghìn km được xây dựng trong mười năm thực hiện Chiến lược phát triển miền tây vừa qua. Một thành tựu nổi bật là trong thời gian này Ninh Hạ đã xây dựng được hệ thống đường cao tốc hiện đại có tổng chiều dài 1.200 km. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ, Ninh Hạ còn phát triển mạnh mạng lưới giao thông đường sắt và đường thủy. Cuối năm 2010, Ninh Hạ đã khánh thành và đưa vào hoạt động ba tuyến giao thông đường sắt hiện đại chạy xuyên suốt tỉnh này với tổng chiều dài lên tới hàng nghìn km. Giao thông đường thủy cũng được chú trọng phát triển do đoạn sông Hoàng Hà chảy qua Ninh Hạ có chiều dài gần 400 km và có tới mười thành phố cùng 90% dân số của tỉnh này nằm trong lưu vực sông Hoàng Hà. Lĩnh vực xây dựng của Ninh Hạ cũng đạt những thành tựu lớn. Thủ phủ Ngân Xuyên đã mang dáng vẻ của một thành phố hiện đại với những khu đô thị mới mở, hàng chục tòa nhà cao tầng đã và đang tiếp tục mọc lên bên những đường phố khang trang, rộng rãi. Về lĩnh vực phát triển công nghiệp, Ninh Hạ đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Trên đường đưa chúng tôi đi thăm Khu công nghiệp sản xuất và chế biến than miền đông, đồng chí Dương Tân Nhuận cho biết, nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển đại nhảy vọt, trong mười năm qua, Ninh Hạ đã đề ra và tiến hành một loạt biện pháp để phát triển, trong đó đẩy mạnh hoạt động triển khai việc thực hiện công nghiệp hóa kiểu mới, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng các đô thị ven sông Hoàng Hà… Theo kế hoạch này, chính quyền tỉnh Ninh Hạ đã tập trung đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp sản xuất và chế biến than ở khu vực miền đông của tỉnh. Quyết định này dựa trên cơ sở là tại đây có các mỏ than lớn với trữ lượng khoảng 30 tỷ tấn và có thể khai thác tới 27 tỷ tấn. Khu công nghiệp miền đông của Ninh Hạ đã được xây dựng trở thành một khu công nghiệp lớn, hiện đại, được rót vốn đầu tư của nhà nước tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ và tiến hành hợp tác với tập đoàn Thần Hoa thành lập Công ty than Ninh Hạ-Thần Hoa. Đến thăm các nhà máy, xí nghiệp ở Khu công nghiệp miền đông của Ninh Hạ, trong đó có Khu công nghiệp năng lượng hóa chất Ninh Đông với các nhà máy thuộc Khu công nghiệp hóa chất chế biến than Thần Hoa Ninh, mỏ than Thanh Thủy Doanh ở thành phố Linh Vũ… chúng tôi nhận thấy các dây chuyền sản xuất, phương tiện, thiết bị được trang bị đều là những công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. Trong đó, tại Khu Công nghiệp hóa chất chế biến than Thần Hoa Ninh, từ cuối năm 2010 hai nhà máy hóa chất với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay (được nhập toàn bộ từ CHLB Đức) đã được đưa vào hoạt động. Các nhà máy này được xây dựng trong vòng ba năm, với vốn đầu tư gần 17 nghìn tỷ nhân dân tệ. Nguyên liệu để sản xuất là than và khối lượng tiêu thụ hằng năm là 5,5 triệu tấn. Sản phẩm của các nhà máy này là các loại hạt nhựa cao cấp, mê-tha-nôn, ê-ty-len và ê-ty-len cao phân tử, a-xê-tát, u-rê… Các sản phẩm này đều là những mặt hàng có giá trị hàm lượng công nghệ cao, giá trị sản phẩm tốt, vốn đầu tư vừa phải nhưng thu được lợi nhuận lớn và dễ dàng được tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng như trên thế giới. Khu Công nghiệp hóa chất chế biến than Thần Hoa Ninh có gần một nghìn công nhân làm việc với thu nhập bình quân khoảng 40 nghìn nhân dân tệ/năm. Riêng nhà máy sản xuất ê-ty-len cao phân tử gồm sáu lò phản ứng nhập của Đức là nhà máy hiện đại và lớn nhất châu Á hiện nay. Chính quyền tỉnh Ninh Hạ dự tính, đến năm 2020, với sự hỗ trợ vốn đầu tư 300 tỷ nhân dân tệ, cơ sở Ninh Đông sẽ trở thành cơ sở hóa chất năng lượng lớn nhất châu Á.
Đánh giá về sự phát triển của Ninh Hạ trong mười năm qua, kể từ khi Trung Quốc thực hiện Chiến lược phát triển miền tây, đồng chí Dương Tân Nhuận nêu rõ, đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Ninh Hạ trong mười năm qua đạt mức 11%/năm, cao hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2009, GDP của Ninh Hạ đạt 135,33 tỷ nhân dân tệ, gấp 5,11 lần so với mười năm trước đó. Cơ sở hạ tầng được nâng cao rõ rệt. Hệ thống đường giao thông phát triển mạnh. Hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp được quan tâm phát triển. Sản lượng than đạt hơn 55 triệu tấn, gấp 22 lần so năm 1999; sản lượng điện tăng gấp 33,3 lần so năm 1999; các cơ sở văn hóa, du lịch được quan tâm đầu tư, xây dựng.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội thời gian vừa qua, nhưng Ninh Hạ vẫn là một tỉnh nghèo ở Trung Quốc và còn đối mặt nhiều khó khăn. Bình quân GDP đầu người của Ninh Hạ hiện chỉ đạt mức 82% so mức trung bình ở Trung Quốc, thu nhập của người dân ở khu vực thành thị và nông thôn của tỉnh này cũng chỉ bằng khoảng hai phần ba mức thu nhập trung bình của cả nước. Trong khi đó, Ninh Hạ còn đang phải thực hiện nhiều biện pháp để đưa hơn một triệu người hiện đang sống ở dưới mức nghèo (theo chuẩn nghèo của Trung Quốc là thu nhập dưới mức 1.350 nhân dân tệ/người/năm) ở các vùng sâu, vùng xa tại chín quận, huyện thuộc khu vực miền trung và nam Ninh Hạ, thoát nghèo. Khu vực này vốn là 'cái nôi cách mạng' trước đây. Tuy nhiên, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất lạc hậu nên người dân khu vực này từ bao đời nay vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo. Và cho dù chính quyền tỉnh Ninh Hạ đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, dự án nhằm nâng cao đời sống của người dân ở nơi vốn là 'cái nôi cách mạng', nhưng việc xóa đói, giảm nghèo ở khu vực này không phải là công việc có thể sớm thực hiện trong một sớm một chiều.
Đề cập hướng phát triển trong những năm tới, các đồng chí ở Sở Ngoại vụ tỉnh Ninh Hạ cho chúng tôi biết, chính quyền Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa sản lượng khai thác than đạt mức 110 triệu tấn/năm, sản lượng điện đạt hơn 20 triệu kW/năm, sản lượng than hóa lỏng đạt hơn mười triệu tấn/năm, sản phẩm hóa chất đi-mê-thin đạt hơn hai triệu tấn/năm, mê-tha-nôn đạt 1,7 triệu tấn/năm… Hơn nữa, Ninh Hạ sẽ phát triển một nền kinh tế mở, không chỉ hướng tới các tỉnh và thành phố ở Trung Quốc, mà còn vươn ra thế giới.
Rời Ngân Xuyên vào buổi sáng trời đầy nắng. Từ trên máy bay nhìn xuống, trên biển cát sa mạc ở Ninh Hạ, hàng trăm cột tuốc-bin điện gió với những cánh quạt khổng lồ đang không ngừng quay trong gió. Thêm một bất ngờ thú vị về Ninh Hạ còn nghèo, nhưng đang vươn mình phát triển.
Theo Nhandan

Ý kiến ()