Những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước
Hôm qua, 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ chín, QH khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Ngay sau khi nghe, theo dõi báo cáo nêu trên, nhiều cử tri cả nước đã gửi tới Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, kiến nghị và đề xuất giải pháp về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.Chúng tôi trân trọng giới thiệu những ý kiến đó.
Đột phá tư duy kinh tế, khai mở mọi nguồn lực
Trong những mục tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới của Chính phủ, tôi thấy có nét mới, đó là khuyến khích, cho phép các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực trước kia chỉ Nhà nước nắm giữ, với các hình thức đầu tư phù hợp. Đây là bước đột phá trong tư duy kinh tế, sẽ khai thác được nguồn lực toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước; giảm gánh nặng đầu tư công, giảm chi phí rất lớn đối với những ngành, lĩnh vực có thể khai thác từ nguồn lực xã hội. Trong đó, Nhà nước vẫn giữ vai trò điều tiết, quản lý bằng công cụ pháp luật. Mong muốn của người dân là cần có nhiều hơn nữa những chủ trương, chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
VI LÂN Cán bộ hưu trí tổ 6, phường Chiềng Lề, TP Sơn La
Thông thoáng hơn nữa môi trường đầu tư
Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 có đến 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, là một nỗ lực đáng ghi nhận, GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011.
Công tác giám sát, điều hành, quản lý của Quốc hội, của Chính phủ có thể nói đã được thực hiện chặt chẽ, khoa học.
Đối với bảy nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành trong năm 2015, tôi đặc biệt quan tâm đến giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Môi trường đầu tư cần thông thoáng hơn nữa để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư lâu dài. Tiềm năng của nước ta còn rất lớn, nếu làm tốt việc này sẽ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước tiên tiến.
NGUYỄN VĂN CHÂU Cán bộ hưu trí phường 4, quận Tân Bình
Quy hoạch vùng kém và thiếu liên kết
Chính phủ cần điều hành như thế nào để nông sản do nông dân sản xuất ra tiêu thụ được. Nhiều loại nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long như: gạo, mía, khoai lang, hành tím, ổi… rớt giá thê thảm, thậm chí không bán được, nông dân lỗ nặng. Để nông dân có lời, Nhà nước cần chỉ đạo các địa phương căn cứ vào quy luật cung – cầu, quy hoạch lại vùng sản xuất, gắn với liên kết vùng, tránh sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng cần tổ chức, hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất, bao tiêu theo chuỗi giá trị…
NGUYỄN VĂN HÙNG (Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Tự chủ, tự cường bảo vệ biển đảo thiêng liêng
Đảng, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có các tuyến biển, đảo có vị trí chiến lược vùng Đông Bắc.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để quân và dân đang sinh sống và công tác trên các tuyến biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc có cơ hội phát huy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự cường, đoàn kết một lòng, bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng. Để làm được điều này, Đảng và Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời không ngừng đề cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh – chính trị, phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững quốc phòng – an ninh ở địa phương.
VŨ ĐÌNH HỒNG (Tổ 5, khu Nam Tiến, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)
Vẫn còn tình trạng “chạy” dự án
Nhiều năm nay, Nhà nước đã có nhiều biện pháp loại bỏ cơ chế “xin cho”, “chạy” công trình, dự án. Tuy nhiên, tôi thấy rằng vẫn còn tình trạng “chạy” dự án, dưới dạng “dự án cấp bách” trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Việc “chạy” dự án phần lớn do các chủ doanh nghiệp thực hiện và do dự án “chạy” cho nên đích đến cuối cùng là lợi nhuận cho cá nhân, đơn vị đó. Còn địa phương, tuy được hưởng lợi từ dự án, công trình song cũng gặp không ít phiền toái, bất cập. Đó là có nhiều tuyến đường cần nâng cấp, tuyến đê kè sạt lở cần đầu tư để bảo đảm đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân nhưng vì chưa có vốn cho nên đành phải đợi. Vì vậy, để công tác quản lý đầu tư công có hiệu quả, tôi đề nghị Nhà nước có các biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng “chạy” dự án. Có như vậy mới tránh được sự lãng phí và bất hợp lý trong xây dựng cơ bản, gây bức xúc trong nhân dân.
NGUYỄN VĂN TUẤN (Phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình)
“Bốn nhà” gắn bó chặt hơn
Để khắc phục tình trạng nông sản ở miền trung và miền nam đến vụ thu hoạch không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ giá thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nông dân, đề nghị đẩy mạnh hơn nữa liên kết “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) quy hoạch hợp lý vùng sản xuất; đổi mới chính sách thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân; chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất theo quy hoạch và lợi thế so sánh từng vùng sinh thái, vùng sản xuất hàng hóa tập trung với sản phẩm có giá trị cao, phù hợp thị trường trong và ngoài nước; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ở trong và ngoài nước… Như vậy, mới tránh tình trạng chỉ đến kỳ thu hoạch mới quan tâm đến việc bán đi đâu.
NGUYỄN VĂN BÌNH (Huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)
Nặng về phát triển hạ tầng, nhẹ về chuyển đổi cơ cấu bền vững
Thực tế ở nhiều địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn nặng về phát triển hạ tầng, như giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, mà chưa thật sự hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bền vững. Chúng ta đã có bài học về mía, hồ tiêu, cao-su, cà-phê…; gần đây là cây ca-cao, mắc-ca… Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, phải có sự tính toán, nghiên cứu kỹ, nhất là khả năng tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu.
Hạn chế, giảm dần tình trạng phát triển nông nghiệp nặng tính tự phát như hiện nay.
LÊ XUÂN LAM (Phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng)
Bức xúc vấn đề thiếu việc làm ở nông thôn, miền núi
Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua, trong đó có việc giải quyết việc làm cho người lao động. Thực tế, người lao động khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có việc làm còn nhiều, nhiều học sinh, sinh viên vốn ở nông thôn tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhưng không xin được việc làm. Đây là vấn đề cử tri bức xúc, mong muốn Quốc hội, Chính phủ giải quyết.
HOÀNG KIỆM (Tổ 18, phường Minh Khai, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang)
Không chạy theo tiến độ, buông lỏng an toàn thi công
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, bức xúc, chậm được giải quyết, không chỉ khó khăn cho việc triển khai dự án, mà còn gây ảnh hưởng đời sống dân sinh. Việc thúc đẩy tiến độ các dự án là cần thiết, nhưng nếu không cẩn thận sẽ dẫn tới chỉ lo chạy đua về khối lượng mà không bảo đảm an toàn trong thi công và chất lượng công trình.
Đây là vấn đề cử tri mong muốn cần chú trọng quan tâm trong thời gian tới. Những sự cố nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người dân xảy ra tại một số công trường, khu công nghiệp gần đây làm dư luận nhân dân rất bức xúc. Cần phải triển khai nhiều hơn nữa các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng thi công nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, người dân và chất lượng, hiệu quả của công trình.
HOÀNG TUẤN ANH (Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()