Những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước
Hôm qua, 20-5, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014. Ngay sau khi nghe Báo cáo nêu trên, nhiều cử tri cả nước đã gửi tới Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, kiến nghị về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu những ý kiến tâm huyết đó.
Nông dân rất cần vay vốn
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khi banhành chính sách hỗ trợ cần cụ thể, rõ ràng và có nguồn vốn riêng dành cho từng đối tượng, để khi triển khai được thông suốt, thống nhất, như vậy nông dân dễ tiếp cận được vốn vay. Ðặc biệt, Chính phủ cần quan tâm ưu tiên vốn để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…
NGUYỄN THANH HÙNG
(Phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Giải pháp nào ngăn dịch bệnh bùng phát ?
Những tháng đầu năm nay, bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, viêm não vi-rút, thủy đậu, quaibị… đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013. Chính phủ nêu nhiệm vụ thời gian tới, không để dịch lớn xảy ra, nhưng giải pháp nào thực hiện, cử tri chưa thấy nêu trong báo cáo. Tại các bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên tập trung đông bệnh nhân, nếu có dịch, cơ sở vật chất sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu và sự lây nhiễm chéo rất có thể xảy ra như từng xảy ra ở các tỉnh phía bắc trong dịch sởi vừa qua.
Chính phủ nên xem xét cho thành lập các bệnh viện dã chiến quy mô từ 100 đến 200 giường bệnh. Trong mùa hè này, khi học sinh các trường nghỉ học, ngành y tế cần chuẩn bị thuốc, y cụ, máy móc (tập trung tại các trường học) để ứng phó tình huống bất ngờ nếu có dịch xảy ra, bệnh nhân các tỉnh dồn về tuyến cuối.
Thạc sĩ NGUYỄN ÐÌNH BÁ
Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Y dược Quang Trung, TP Hồ Chí Minh
Ðiều chỉnh các quy định giúp dân nghèo mua nhà giá rẻ
Sau gần một năm triển khai gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng, tiến độ giải ngân của các ngân hàng mới được gần 1.700 tỷ đồng, trong đó riêng tại Hà Nội mới có hơn 2.100 hộ dân được vay vốn, với số tiền gần 500 tỷ đồng… Nhưng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng khan hiếm, nhiều hộ gia đình thu nhập thấp vẫn chưa có cơ hội cải thiện chỗ ở. Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh các quy định liên quan gói tín dụng nêu trên, như cho phép kéo dài thời hạn vay, cho phép các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại đô thị được mua nhà ở thương mại giá rẻ… để người dân dễ dàng có điều kiện mua nhà.
NGUYỄN THỊ THỦY
(Phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Ðồng bộ các chính sách, giải pháp xóa nghèo nhanh, bền vững
Ở miền núi Tây Bắc, tôi thấy Nhà nước đầu tư nhiều nhưng thành quả xóa đói, giảm nghèo còn chậm, kết quả chưa tương xứng. Ba nguyên nhân chính là chồng chéo chính sách xóa đói, giảm nghèo; thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư; tái nghèo do thiên tai.
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần đồng bộ các chính sách và giải pháp xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
LỤC THƯỢNG CƯỜNG
(Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai)
Quyết bám biển bằng cả trái tim
Với truyền thống đấu tranh, yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta, dù Trung Quốc ngang ngược đến mấy thì nhân dân Quảng Ngãi cùng nhân dân cả nước luôn sát cánh bên Ðảng, Nhà nước quyết tâm bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với sự trợ giúp của các cơ quan chức năng và những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và chính quyền địa phương, nhân dân Quảng Ngãi vững vàng trước những “sóng gió”, luôn giương cờ Tổ quốc tiến ra bám biển Hoàng Sa bằng tất cả trái tim mình.
NGUYỄN VĂN MINH
Bí thư Chi bộ tổ 11, P Trần Phú, TP Quảng Ngãi
Nâng cao thu nhập cho nông dân
Hiện nay, phần lớn nông dân lúng túng, không biết nuôi con gì, trồng cây gì để có hiệu quả lâu dài. Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ từ kế hoạch, quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng; chỉ đạo tổ chức lại sản xuất đến cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân; đẩy mạnh hỗ trợ vốn sản xuất; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời, có chế tài đủ mạnh và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
NGUYỄN VĂN LŨY
(Xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng)
Dành nguồn vốn vay ưu đãi đóng tàu vỏ sắt
Hiện nay, tàu thuyền của ngư dân nước ta chủ yếu là vỏ gỗ, công suất nhỏ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quảng Bình có hơn 1.000 tàu xa bờ đang vào vụ cá nam, nhiều chuyến đi biển thắng lợi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân. Ðể đủ vốn đóng chiếc tàu vỏ sắt trị giá ba, bốn tỷ đồng, phần lớn các hộ phải cầm cố giấy tờ, đất đai để vay vốn ngân hàng. Nhà nước cần xem xét cho vay ưu đãi để ngư dân đóng tàu vỏ sắt, các tỉnh ven biển có kế hoạch và những bước đi cụ thể để thực hiện đề án này, khi đó, chúng ta mới có các biên đội tàu cá hùng hậu, khai thác hiệu quả kinh tế biển, góp sức bảo vệ ngư trường Việt Nam.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()