Những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước
Hôm qua, 14-11, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ 20. Các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Phiên chất vấn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cử tri đã gửi đến Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm, những đề xuất, kiến nghị thiết thực đối với QH, các đại biểu QH và các thành viên Chính phủ.Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến, đề xuất của cử tri cả nước.Kết quả chống tham nhũng chưa như mong đợiVề điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chúng tôi tán thành nhóm giải pháp của Chính phủ về tập trung chỉ đạo bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Song có một vấn đề...
Hôm qua, 14-11, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ 20. Các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Phiên chất vấn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cử tri đã gửi đến Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm, những đề xuất, kiến nghị thiết thực đối với QH, các đại biểu QH và các thành viên Chính phủ.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến, đề xuất của cử tri cả nước.
Kết quả chống tham nhũng chưa như mong đợi
Về điều hành phát triển kinh tế – xã hội đất nước, chúng tôi tán thành nhóm giải pháp của Chính phủ về tập trung chỉ đạo bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Song có một vấn đề nhiều cử tri mong đợi mà lại ít đề cập. Đó là công tác phòng, chống tham nhũng.
Tại phiên khai mạc kỳ họp QH lần này, báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận: Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Như vậy, rõ ràng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua tuy có kết quả, nhưng chưa như mong đợi. Theo tôi, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là việc xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thật nghiêm, chưa đủ sức răn đe, chưa đúng người, đúng tội. Thủ tướng có đề cập một số giải pháp như siết lại bộ máy tổ chức, phát huy dân chủ để phát huy sức mạnh tổng hợp… Chúng tôi vẫn mong và tin rằng Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể, quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Cũng tại phiên chất vấn, lần đầu tiên đại biểu QH đã nêu vấn đề “văn hóa từ chức” trong đội ngũ cán bộ. Có thể, luật của chúng ta chưa có quy định nào về việc cán bộ tự cảm thấy không đảm đương được nhiệm vụ thì xin từ chức, nhưng theo chúng tôi, đại biểu QH nêu vấn đề này là rất “đúng” và “trúng”. Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn, việc Thủ tướng Chính phủ trả lời thắng thắn, không chỉ là trước kỳ họp QH, trước các đại biểu QH, mà chính là trả lời trước đông đảo cử tri.
LÊ KHÁNH PHƯƠNG (Cam Hải Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa)
Vẫn còn câu trả lời chưa cụ thể
Qua phiên chất vấn của các đại biểu QH đối với các thành viên của Chính phủ, có nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Y tế với nội dung rất “nóng” như: Về y đức, chất lượng khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở tư nhân), đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế, vấn đề giá thuốc, quản lý giá thuốc…
Tuy nhiên, nhiều nội dung Bộ trưởng Y tế trả lời còn chung chung hoặc chưa đúng với nội dung chất vấn của đại biểu QH. Nội dung đào tạo nguồn nhân lực của ngành y tế, Bộ trưởng trả lời chưa rõ. Chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế hiện nay vẫn chưa cao. Ngành y tế đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ?… Vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã, Bộ trưởng cũng không trả lời thẳng vào câu hỏi mà lại đề cập mạng lưới trạm y tế xã. Trên thực tế, chất lượng phục vụ người bệnh ở tuyến xã vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế đều thiếu, lạc hậu. Chính vì thế, bác sĩ về xã thường không có nhiều cơ hội để nâng cao tay nghề, dẫn đến chất lượng phục vụ người bệnh còn thấp. Nếu chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã tăng lên, sẽ giảm tải tình trạng người bệnh đổ dồn về các bệnh viện tuyến trên.
VÕ AN GIA (Phường 4, TP Tân An, tỉnh Long An)
Chăm lo lợi ích của nhân dân
Trong Báo cáo giải trình, phần chất vấn của đại biểu QH và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ luôn theo sát, thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn hiện nay. Đây không những là lợi ích của doanh nghiệp mà còn là lợi ích của cả nền kinh tế đất nước. Chính phủ đã đưa ra bốn nhóm giải pháp cơ bản nhất để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đây là giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, sản xuất ổn định. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, giám sát của Chính phủ, Thủ tướng cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ là tập trung cải cách hành chính như thuế, đất đai, các thủ tục hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với các vi phạm pháp luật…
Giải pháp là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm, giữ ổn định sản xuất… Đời sống của người dân còn khó khăn, an sinh xã hội còn có những yếu tố chưa bền vững… Chúng tôi rất hy vọng những giải pháp của Chính phủ đưa ra sớm được triển khai thực hiện. Phải làm sao để thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, chăm lo lợi ích của người dân và tạo sự đồng thuận cao…
NGUYỄN CHÍN Tổ trưởng dân phố 11, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi
Giải pháp đã có, cần sớm triển khai quyết liệt
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ: Trước khó khăn thách thức, Chính phủ luôn quan tâm theo sát và tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động. Nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài về vốn, về cơ chế đã và đang được thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi tin tưởng và hy vọng khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Năm 2013, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, như hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Thực hiện các giải pháp phù hợp để giải quyết hàng tồn kho, khôi phục thị trường bất động sản…
Giải pháp, biện pháp đã có, chúng tôi mong Chính phủ và các ngành, các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời hơn nữa, để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất và thời hạn hợp lý, góp phần sản xuất và tiêu thụ được sản phẩm. Chúng tôi cũng mong Chính phủ sớm sửa đổi, hoàn thiện và ban hành thêm các cơ chế, chính sách mới phù hợp thực tế, tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
HUỲNH DU Giám đốc Công ty TNHH Hoa Hồng, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh
Đầu tư công phải đồng bộ, không xé lẻ
Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư công, tôi nhận thấy, Thủ tướng đã trình bày rất cụ thể. Tuy nhiên, cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể.
Tại Sóc Trăng, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, tính đến đầu tháng 9, đạt chưa tới 56% kế hoạch năm. Ngược lại, có nhiều công trình, tiến độ thực hiện kéo dài do thiếu vốn như: Dự án khôi phục và nâng cấp đê cửa sông tả, hữu huyện Cù Lao Dung; dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh và dự án Bệnh viện chuyên khoa sản, nhi; dự án đường 940… Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cử tri mong muốn đầu tư công mang lại hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách. Vì thực tế, ở địa phương có nhiều dự án triển khai với hai nguồn vốn: Vốn địa phương và vốn cấp trên. Ngân sách cấp trên đầu tư xây dựng hạng mục chính của dự án. Ngân sách địa phương đầu tư xây dựng các hạng mục phụ. Để triển khai dự án, địa phương phải tiến hành xây dựng những hạng mục phụ trước. Tuy nhiên, khi có chủ trương thắt chặt đầu tư công, hạng mục chính của dự án không được triển khai xây dựng. Hậu quả là các hạng mục phụ không phát huy tác dụng, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí. Ngoài ra, đất đai đã thu hồi, đầu tư san lấp mặt bằng hoàn chỉnh rồi bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân. Điều đáng nói, vốn địa phương đầu tư xây dựng các hạng mục phụ là tiền các doanh nghiệp ứng trước để xây dựng, dẫn đến tình trạng địa phương nợ doanh nghiệp.
Rõ ràng là Chính phủ cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công không bị “xé lẻ” như hiện nay.
NGUYỄN TIẾN LÊN (Thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)
Quan tâm đời sống đối tượngchính sách, cán bộ về hưu
Tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã đề xuất và được QH thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, trong đó có việc điều chỉnh tăng mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công từ ngày 1-7-2013… Đó là những cố gắng của Chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, đời sống của người dân hiện nay, nhất là người có công, cán bộ hưu trí sinh sống tại khu vực đô thị vẫn còn nhiều khó khăn, do giá nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn ở mức cao.
Chúng tôi rất đồng tình trước các giải pháp Chính phủ đưa ra nhằm cân đối nguồn thu, để khi có điều kiện tiếp tục tăng lương theo sát lộ trình cải cách tiền lương như quản lý thu, chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả và triệt để thực hành tiết kiệm, loại bỏ các khoản chi chưa cấp bách, hạn chế đi công tác nước ngoài… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng tôi đề nghị việc tăng lương cần ưu tiên đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, nhằm sớm giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống. Trong những tháng cuối năm, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp hạn chế hội họp, đi công tác nước ngoài, dành thời gian chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ; nhất là các giải pháp tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ vui tươi, lành mạnh.
NGUYỄN THỊ VINH (Phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội)
Nâng cao y đức là trách nhiệm của ngành y tế
Là cử tri ở tỉnh miền núi, biên giới chúng tôi thấy những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, quan tâm đào tạo đội ngũ y, bác sĩ, nhất là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế… góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân miền núi. Tuy nhiên, trong thực tế, mạng lưới y tế cơ sở từ xã đến huyện ở một số địa phương trong tỉnh, cơ sở vật chất còn quá thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn. Đó là nguyên nhân khiến người dân thiếu tin tưởng khi khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở.
Vấn đề y đức ngày càng trở nên bức xúc hơn. Rõ ràng, trách nhiệm chính và đầu tiên thuộc về ngành y tế. Để giải quyết tình trạng xuống cấp về y đức, bác sĩ, y tá “đòi” phong bì, không thể đổ lỗi cho người bệnh hay người nhà bệnh nhân. Bởi khi đã có bệnh, chẳng ai dám lơ là với tính mạng, nên nếu Bộ trưởng nói rằng để nâng cao y đức, người bệnh kiên quyết đừng đưa phong bì nữa, cử tri chúng tôi thấy không khả thi. Rõ ràng là còn khá nhiều lĩnh vực Bộ Y tế quản lý như giá thuốc, chất lượng khám, chữa bệnh, vấn đề y đức, quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài…, Bộ trưởng chưa có giải pháp cụ thể, kiên quyết, khả thi.
LUÂN VĂN HÙNG (Xã Mai Sao, Chi Lăng, Lạng Sơn)
Quyết liệt hơn trong phòng, chống tham nhũng
Trong phiên chất vấn sáng 14-11, có nhiều nội dung mà cử tri chúng tôi rất quan tâm. Có đại biểu QH đặt câu hỏi vì sao công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả cao? Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả, nhưng chưa ngăn chặn, đẩy lùi được vấn đề này. Theo Thủ tướng, hiện nay Trung ương đã có kết luận, chỉ đạo tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng nhằm đạt được hiệu quả cao hơn.
Theo chúng tôi, trong bối cảnh hiện nay, tham nhũng đang là “vấn nạn”, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước. Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp triệt để, mạnh mẽ, quyết liệt hơn để loại trừ tham nhũng ra khỏi xã hội. Để làm được điều đó thì cần có sự đãi ngộ vật chất hợp lý để cán bộ, công chức, viên chức sống ổn định bằng tiền lương, từ đó mới không nghĩ đến tham nhũng, tiêu cực; có bộ máy phòng, chống tham nhũng độc lập, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đồng thời làm tốt việc kê khai tài chính, tài sản của cấp lãnh đạo, hằng năm bổ sung hồ sơ số tài sản phát sinh; phát động toàn Đảng, toàn dân tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có chế tài đãi ngộ với những người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng cũng như xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng.
BẠCH QUỐC KHÁNH (Số 175, tổ 5A, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình)
Quan tâm đội ngũ cộng tác viên y tế ở cơ sở
Tiếp tục theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, tôi thấy Bộ trưởng vẫn trả lời chung chung và dài dòng; các giải pháp để khắc phục những bất cập thì chưa cụ thể, thiếu thuyết phục. Thời gian gần đây, dư luận lo lắng, bức xúc về việc có không ít trường hợp người bệnh chết mà nguyên nhân là sự tắc trách của các y, bác sĩ. Vấn đề ở đây là ngành y tế đã có giải pháp gì để tăng cường công tác giáo dục y đức; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh chứ không thể đổ lỗi do khách quan, do tình trạng quá tải của các cơ sở khám, chữa bệnh, do cơ chế, do lương cán bộ y tế thấp…
Về vấn đề cân bằng giới và giảm tỷ lệ sinh, Bộ trưởng nêu ra các biện pháp mang tầm vĩ mô như sẽ đào tạo và tăng cường đội ngũ y, bác sĩ về tuyến dưới… nhưng có một lực lượng ở cơ sở làm công việc này rất hiệu quả trong thời gian qua là các cộng tác viên dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và các “cô đỡ thôn, bản” lại không đề cập. Theo tôi, ngành y tế nên chú trọng, thậm chí đầu tư nhiều cho đội ngũ này (mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; tăng tiền phụ cấp…). Thực tế, ở các vùng sâu, vùng xa và nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cộng tác viên DS – KHHGĐ và các “cô đỡ thôn, bản” chính là những tuyên truyền viên gần gũi nhất và chính vì vậy công việc của họ mang lại hiệu quả nhất. Thế nhưng, việc được tham dự các lớp bồi dưỡng do ngành y tế mở còn quá ít, trong khi phụ cấp cho họ lại rất thấp, chỉ 70.000 đồng/tháng. Thiết nghĩ, việc cử bác sĩ về cơ sở là việc làm lâu dài, nhưng động viên cũng như có chính sách hỗ trợ về tài chính tương xứng để khuyến khích sự nhiệt tình của các cộng tác viên y tế ở thôn, bản là việc làm trước mắt mà ngành y tế nên quan tâm.
Theo Nhandan

Ý kiến ()