Những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước
Hôm qua, 13-11, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ 19. Các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn một số thành viên Chính phủ, gồm: Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Phiên chất vấn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cử tri đã gửi đến Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm, những đề xuất, kiến nghị thiết thực đối với QH, các đại biểu QH và các thành viên Chính phủ. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến, đề xuất của cử tri cả nước.Cần cải tổ việc quản lý và phát triển thị trường vàngMột số nội dung câu hỏi của đại biểu QH, cử tri chúng tôi rất quan tâm nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chung chung, chưa đưa ra được giải pháp khả thi. Đó là việc huy động vàng từ trong dân...
Hôm qua, 13-11, kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ 19. Các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn một số thành viên Chính phủ, gồm: Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Phiên chất vấn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cử tri đã gửi đến Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm, những đề xuất, kiến nghị thiết thực đối với QH, các đại biểu QH và các thành viên Chính phủ. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến, đề xuất của cử tri cả nước.
Cần cải tổ việc quản lý và phát triển thị trường vàng
Một số nội dung câu hỏi của đại biểu QH, cử tri chúng tôi rất quan tâm nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chung chung, chưa đưa ra được giải pháp khả thi. Đó là việc huy động vàng từ trong dân và làm gì để giá vàng trong nước sát với giá vàng trên thế giới. Theo Thống đốc thì hiện nay, lượng vàng người dân đang cất giữ khoảng 250 đến 300 tấn và chỉ trong năm tháng, các tổ chức tín dụng đã mua lại của người dân hơn 60 tấn vàng. Thời gian tới, hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ huy động vàng nhiều hơn nữa.
Thống đốc trả lời như vậy là chưa sát với thực tế, vì không phải đến nay Ngân hàng Nhà nước mới có giải pháp huy động vàng trong dân. Trước đây, các tổ chức tín dụng đã huy động vàng, cho vay bằng vàng nhưng do biến động quá lớn của giá vàng trên thị trường đã làm cho việc huy động vàng, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng gặp nhiều rủi ro. Điều mà chúng tôi quan tâm hiện nay là, nếu gửi vàng vào ngân hàng, khi cần chúng tôi có được ngân hàng trả lại bất cứ lúc nào không, và liệu ngân hàng có bảo đảm giá trị tài sản của mình khi có biến động về giá không?… Giải quyết được vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng gửi vàng vào ngân hàng để góp phần tháo gỡ khó khăn về huy động vốn từ trong dân, chung sức phát triển nền kinh tế của đất nước.
Theo chúng tôi, trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn tiềm ẩn các biến động, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là Ngân hàng Nhà nước phải cải tổ việc quản lý vàng và phát triển thị trường vàng. Nhà nước cần phải nắm quyền và có các công cụ hữu hiệu điều chỉnh cung – cầu vàng để có một thị trường vàng ổn định, bảo đảm lợi ích của người có vàng và mục đích sử dụng vàng, không để nền kinh tế bị “vàng hóa”. Chúng tôi mong muốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng có các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường vàng để có thể can thiệp khi có các biến động về giá vàng trên thị trường…
NGUYỄN XUÂN THÀNH
(109 đường Nguyễn Huệ,
TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)
————————————
Siết chặt hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, tôi nhận thấy, Thống đốc trả lời chưa đi vào trọng tâm vấn đề, nên chủ tọa kỳ họp nhiều lần nhắc nhở. Một số vấn đề được cử tri quan tâm như: giá vàng và quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu…, Thống đốc trả lời chưa đáp ứng yêu cầu của đại biểu QH, nên nhiều đại biểu phải chất vấn lại.
Đối với nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cần phân loại, so sánh tỷ lệ nợ xấu giữa các ngành. Nếu tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực nông nghiệp thấp, hệ thống ngân hàng cần tăng cường hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực này vì nó liên quan đến hàng triệu nông dân. Như Thống đốc đã thừa nhận, để xảy ra nợ xấu, trách nhiệm này trước hết là của các tổ chức tín dụng, do tình trạng ngân hàng dùng luôn vốn tự có, vốn điều lệ để đi xóa nợ. Mặt khác, do bộ phận Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước chưa làm hết khả năng. Thời gian tới, Thống đốc cần làm rõ sai phạm và xử lý nghiêm bộ phận Thanh tra giám sát thiếu tinh thần trách nhiệm.
Thời gian qua, Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, nhất là nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng rất ít người dân tiếp cận được nguồn vốn này. Từ chủ trương đến thực tế còn khoảng cách lớn. Nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, muốn vay vốn phải qua nhiều khâu, tốn kém chi phí,… Cử tri mong muốn, ngân hàng có chính sách ưu đãi, thông thoáng hơn về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn, tăng số tiền vay trên đơn vị diện tích đất, thời gian vay dài hơn để nông dân yên tâm sản xuất.
CAO HOÀNG HẢI
(Khu vực 2, phường
An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
————————————-
Phòng, chống tiêu cực, sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng
Qua phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi thấy các đại biểu đã có nhiều câu hỏi về các vấn đề cử tri quan tâm.
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc sai phạm, tham nhũng liên quan đến cán bộ ngân hàng, như lợi dụng chức vụ, quyền hạn tạo dựng hồ sơ, giấy tờ hoặc giả mạo chữ ký của khách hàng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng; huy động vốn nhưng không đưa vào ngân hàng, sửa chữa, tẩy xóa, nâng giá trị tiền lên nhiều lần ở các giấy tờ, hồ sơ, rồi tìm cách rút tiền ngân hàng; “vay ké” khách hàng… đã bị phanh phui, xử lý.
Theo chúng tôi, để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, trước hết phải tập trung thực thi các giải pháp phòng, chống sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, mà đối tượng là cán bộ, nhân viên các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Phải quan tâm giáo dục đạo đức, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ ngân hàng; tăng quyền hạn đi đôi với quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong điều kiện tiếp cận nguồn vốn khó khăn như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm.
PHẠM VĂN ĐẠT
(Xã Quang Trung,
huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa)
————————————-
Vốn vay lãi suất thấp chưa đến với doanh nghiệp
Theo dõi phần trả lời chất vấn tại kỳ họp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi thấy vấn đề nổi lên khá rõ được cử tri quan tâm là gần đây, Nhà nước đã có những chủ trương và các giải pháp lớn tăng cường kiểm soát, thắt chặt tín dụng, hạn chế cho vay trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… để ưu tiên, tập trung nguồn vốn quốc gia cho sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu…
Tuy nhiên, tại Cà Mau, hiện nay tình trạng thiếu vốn, lãi suất vay vốn cao làm ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản của hàng loạt doanh nghiệp đang là vấn đề “nóng”, chưa được giải quyết tốt.
Để các doanh nghiệp được vay vốn với trần lãi suất theo quy định, chúng tôi kiến nghị: Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cụ thể các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương có liên quan rà soát, tăng cường kiểm tra việc các ngân hàng thương mại vì sao chậm triển khai việc cho vay theo trần lãi suất mới. Đồng thời, xem xét tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp đã vay trước đây và hiện nay đang gặp khó khăn để có biện pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
THUẬN LÝ
(Phường 7, TP Cà Mau,
tỉnh Cà Mau)
————————–
Doanh nghiệp vẫn lao đao vì thiếu vốn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong thời gian qua, tỷ giá ngoại tệ không có biến động, tiền tệ vẫn ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong nước bị phá sản, đóng cửa và hàng triệu lao động thất nghiệp, dẫn tới tình trạng nhập siêu giảm đáng kể so với những năm trước, nên nhu cầu mua ngoại tệ giảm và vì thế mới có chuyện tỷ giá ngoại tệ không biến động. Do vậy theo chúng tôi, việc tỷ giá ngoại tệ thời gian qua không biến động cũng chưa phải là tín hiệu đáng mừng.
Về vấn đề quản lý thị trường vàng, rõ ràng là Ngân hàng Nhà nước đang lúng túng. Theo Thống đốc, thì SJC được chọn là thương hiệu “vàng chuẩn” vì qua khảo sát thấy nhãn hiệu này uy tín, chiếm hơn 90% thị trường. Theo chúng tôi, cần phải kiểm chứng lại con số này bởi vì các công ty vàng Bảo Tín Minh Châu, Phú Nhuận… cũng là những đơn vị có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực này.
Theo trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang “thừa tiền”. Nhưng thực tế ở tỉnh Ninh Bình thì ngược lại. Các doanh nghiệp cần có vốn để duy trì sản xuất nhưng đi vay tiền quá khó khăn. Không ít doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, khó tiếp cận được nguồn vốn. Chỉ trong 10 tháng, tỉnh Ninh Bình có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, chỉ khoảng 40% số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Có doanh nghiệp thêu ren với hơn năm nghìn lao động trong các làng nghề vẫn chẳng vay được vốn. Cử tri chúng tôi thấy chưa yên tâm vì chưa thấy Thống đốc đưa ra được giải pháp nào để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phát triển bền vững.
DUY KIÊN
(Ninh Bình)
———————————
Tăng viện phí, phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Tôi đồng tình với ý kiến của một số đại biểu đưa ra với Bộ trưởng Y tế trước QH về chất lượng thuốc, việc quản lý giá thuốc chữa bệnh và chất lượng các cơ sở khám, chữa bệnh. Người dân bình thường như chúng tôi không có chuyên môn nên không thể kiểm tra được chất lượng thuốc. Hiện nay, cơ sở bán thuốc chữa bệnh tràn lan, giá thuốc thì “nhảy múa” theo từng bệnh viện, đối với từng loại bệnh… trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được chất lượng và giá bán. Thời gian tới, rất mong các cơ quan chức năng, đặc biệt ngành y tế tăng cường giám sát chặt chẽ lĩnh vực này.
Cũng như cả nước, Nghệ An đã tăng viện phí theo quy định mới. Tuy nhiên, việc tăng viện phí phải kèm theo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ở tỉnh Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An có quy mô lớn nhất khu vực, nhưng qua hai thập kỷ hoạt động, bệnh viện đã xuống cấp toàn diện.
Dự án đầu tư xây dựng mới bệnh viện đa khoa 700 giường được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ tháng 8-2004, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011. Tuy vậy, đến nay dự án trên vẫn đang dang dở. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu vẫn là do thiếu nguồn vốn. Trong lúc nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng và viện phí đã tăng, bao giờ người dân Nghệ An mới được thụ hưởng điều kiện khám, chữa bệnh chất lượng cao?
VI THỊ ĐẮM
(Xã Chiêu Lưu,
huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)
———————————–
Không nên đổ lỗi do khách quan
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri chúng tôi vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Thời gian gần đây, dư luận lo lắng về việc có quá nhiều trường hợp người bệnh chết do sơ suất của cán bộ ngành y. Tại sao trong khi giá thuốc tăng, viện phí tăng, chất lượng khám, chữa bệnh lại có vẻ giảm sút? Chúng tôi thông cảm với những khó khăn của ngành Y tế, tuy nhiên, cử tri mong muốn Bộ trưởng có giải pháp cụ thể, kiên quyết và thuyết phục để nâng cao y đức, bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh. Ngành Y tế cần nghiêm túc nhận trách nhiệm. Không thể đổ lỗi y đức kém, chất lượng khám, chữa bệnh giảm là do khách quan, do tình trạng quá tải, lương thấp… Bộ Y tế cần làm rõ chất lượng đào tạo y, bác sĩ thế nào? Cơ chế tài chính cho các bệnh viện ra sao? Quy chế kiểm tra, giám sát của ngành chức năng như thế nào?
Về vấn đề giá thuốc, khi bị bệnh, chẳng có ai lại “mặc cả” được giá thuốc, nên các bệnh viện, nhà thuốc cứ tùy tiện nâng giá. Bộ trưởng cũng có giải thích về cơ chế đấu thầu giá thuốc, có tham khảo giá trên thị trường thế giới… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Bộ Y tế đang không quản lý được giá thuốc. Nếu cần sự phối hợp của các ngành chức năng khác trong việc quản lý giá thuốc, thiết nghĩ, Bộ Y tế cũng cần đưa ra giải pháp cụ thể.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
(Phường Phan Thiết,
TP Tuyên Quang,
tỉnh Tuyên Quang)
————————————
Còn lỏng lẻo trong quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài
Trong phiên trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng Y tế đã nêu lên tình trạng người dân tự ý khám, chữa bệnh vượt tuyến, khiến cho các bệnh viện tuyến trên quá tải, một phần là do bảo hiểm y tế vẫn thanh toán 30% chi phí khám, chữa bệnh cho các trường hợp này. Theo chúng tôi, một trong những lý do khiến người dân khám, chữa bệnh vượt tuyến, mặc dù khi khám, chữa bệnh vượt tuyến, người dân phải chờ đợi, việc đi lại xa xôi mất nhiều thời gian và tiền bạc là do các bệnh viện tuyến dưới trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực và khám, chữa bệnh không bảo đảm. Sau nhiều năm, Bộ Y tế triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng y tế tuyến, trong đó có Đề án 1816, nhưng chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến dưới vẫn chưa tạo niềm tin với người dân. Để thu hút người dân khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế cần có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới, trong đó có việc nâng cao y đức, trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế.
Việc quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài hiện chưa chặt chẽ. Ngay tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, không ít cơ sở khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài vi phạm nhiều lần vẫn không bị xử lý nghiêm. Nhiều cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động, vẫn chữa bệnh trái phép và gây tai nạn cho bệnh nhân. Điều này cho thấy những yếu kém trong quản lý của ngành y tế hiện nay. Cử tri mong muốn Bộ Y tế thấy rõ trách nhiệm và có giải pháp cụ thể trong việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân, nhất là các cơ sở có yếu tố nước ngoài. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiêm túc để hạn chế tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh sai phép, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
PHẠM MINH TRANG
(Quận 12, TP Hồ Chí Minh)
——————————————–
Chưa yên tâm về sự an toàn của Thủy điện Sông Tranh 2
Qua theo dõi phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp QH lần này, cử tri chúng tôi nhận thấy nội dung trả lời của Bộ trưởng Xây dựng về an toàn Thủy điện Sông Tranh 2 chưa thỏa đáng, chưa dứt khoát và người dân chưa thể yên tâm. Thời gian qua, sau sự cố rò rỉ nước tại Thủy điện Sông Tranh 2, nhất là tình hình động đất xảy ra liên tiếp tại khu vực huyện Bắc Trà My, đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, hàng trăm nhà ở của dân và công trình công cộng bị sạt nứt, hư hỏng, chưa khắc phục được. Hiện tình trạng động đất chưa có dấu hiệu giảm.
Mặc dù, Bộ trưởng cho rằng, ở mực nước tràn thì hoàn toàn yên tâm, người dân không phải di dời, nhưng người dân chúng tôi không thể tin được, khi động đất liên tục xảy ra, nhà ở bị rạn nứt. Tình hình động đất xảy ra không chỉ gây thiệt hại nhà ở, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, việc học hành của học sinh. Điều người dân lo lắng nhất là khi động đất làm cho hồ chứa nước Thủy điện Sông Tranh 2 vỡ đập, tính mạng, tài sản của hàng chục nghìn người dân ở vùng hạ lưu sẽ ra sao… Ai là người chịu trách nhiệm? Do vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng mời nhà khoa học của các nước có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu và sớm có văn bản kết luận một cách khoa học về sự cố rò rỉ nước và động đất ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2.
ĐINH MƯỚK
(Thị trấn Trà My,
huyện Bắc Trà My,
Quảng Nam)
Theo Nhandan

Ý kiến ()