Những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước
Ngày 13-6, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ 19 và cũng là ngày đầu các đại biểu Quốc hội (QH) tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Cùng tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu QH có một số Bộ trưởng khác.Báo Nhân Dân đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri cả nước nhận xét về hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cũng như bày tỏ ý kiến đối với những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được nêu lên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này.Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến tâm huyết đó.Sớm có những giải pháp sử dụng quỹ đất hiệu quảChất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tôi thấy các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, đề cập trúng các vấn đề bức xúc của cử tri. Tôi...
Ngày 13-6, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ 19 và cũng là ngày đầu các đại biểu Quốc hội (QH) tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Cùng tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu QH có một số Bộ trưởng khác.
Báo Nhân Dân đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri cả nước nhận xét về hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cũng như bày tỏ ý kiến đối với những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước được nêu lên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến tâm huyết đó.
Sớm có những giải pháp sử dụng quỹ đất hiệu quả
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tôi thấy các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, đề cập trúng các vấn đề bức xúc của cử tri. Tôi đồng tình với chất vấn của các đại biểu Quốc hội, đề nghị các bộ, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đất đai cần phải có biện pháp phối hợp tốt hơn trong quản lý, sử dụng đất trong cả nước, không để tình trạng lãng phí kéo dài. Nhưng, việc trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và các bộ trưởng khác chưa có giải pháp hữu hiệu, còn lòng vòng, không đi vào trọng tâm, khiến cử tri chưa thật yên tâm. Dù đất đai là tài sản quý giá gắn liền với cuộc sống của nông dân, nhưng tôi nghĩ hầu hết nông dân đều sẵn sàng hy sinh cho lợi ích chung của toàn xã hội.
Nhưng, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi hoàn gặp khó khăn, khiếu kiện kéo dài là do mục đích thu hồi không được rõ ràng, không hài hòa giữa lợi ích các bên, hoặc có lợi ích cá nhân, lợi ích cho một nhóm người. Tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa chức năng giám sát của mình, để công bằng xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn, người dân sẽ không còn phải khiếu kiện vì đất đai.
HUỲNH VĂN PHƯỚC
(Ấp An Bình, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh)
Người dân phải đợi đến bao giờ ?
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tôi thấy việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Nguyễn Minh Quang còn chung chung.
Bộ trưởng thừa nhận các vấn đề phức tạp liên quan đất đai xảy ra là khá bức xúc, đã xác định các nguyên nhân làm cho tình hình ngày càng phức tạp là do việc tổ chức bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong quá trình thu hồi đất chưa thật sự dân chủ, công khai và chưa kiên quyết để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người có đất bị thu hồi. Hay, giá đất còn nhiều bất cập, năng lực của cán bộ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng thu hồi đất còn hạn chế… Bộ trưởng cho rằng, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp giải quyết thì người dân phải đợi đến bao giờ?
Tại Ninh Thuận, năm 2009, để xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, Nhà nước đã thu hồi đất của 152 hộ dân với 837 nhân khẩu trong vùng dự án và di dời số hộ dân này đến khu tái định cư mới. Lẽ ra, nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng chỗ cũ, nhưng thực tế đã nhiều năm rồi người dân vẫn chưa được cấp đất sản xuất. Hoặc, Khu Công nghiệp Du Long (huyện Thuận Bắc), Khu Công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam) đã bỏ hoang nhiều năm qua, gây lãng phí quỹ đất trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Thiết nghĩ, Bộ trưởng TN và MT cũng có phần trách nhiệm đối với tình trạng này ở các địa phương.
NGUYỄN NGỌC NGÔN
(UBND xã Phước Sơn,huyện Ninh Phước, Ninh Thuận)
Thiếu kiên quyết trong việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước
Là người dân sống ở Bình Dương, chúng tôi mừng là kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cùng việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, thì ô nhiễm môi trường nước cũng gia tăng. Nguồn nước của các con sông lớn, như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và hầu hết các kênh rạch ở khu vực Đông Nam Bộ đều bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sạch cho hàng chục triệu người tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Nguyên nhân ô nhiễm chủ yếu do các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn gây ra. Bình Dương có 28 KCN, với hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà máy; nhiều cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải, mà xả thẳng ra môi trường. Chỉ riêng kênh Ba Bò, mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nỗ lực kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm từ các nguồn thải của khu dân cư, KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, nhưng gần bốn năm qua, ô nhiễm nước thải tại dòng kênh này vẫn chưa được cải thiện. Đây là thực tế, nhưng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) lại chưa dành thời gian làm rõ, chưa có giải pháp khắc phục cụ thể tại các KCN, mà chỉ nêu chung chung như: sẽ giải quyết dần, sẽ làm việc với các tỉnh, thành phố có sông đi qua, sẽ thành lập Chi cục bảo vệ các dòng sông và tìm nguồn vốn,…
Để giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các KCN, đề nghị Bộ trưởng TN và MT đưa ra lộ trình cụ thể, xử lý nghiêm minh theo pháp luật, buộc các KCN phải xử lý dứt điểm nạn ô nhiễm môi trường.
PHẠM HOÀNG DẬU
(15T/6, ấp Đồng An I, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương)
Quản lý chặt chẽ đầu tư công
Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tôi xin có ý kiến góp ý về quản lý đầu tư công hiện nay. Tôi nhận thấy, hiệu quả đầu tư công không cao. Lượng tiền bỏ ra đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả công trình đầu tư thấp; đầu tư dàn trải, không hợp lý. Một thí dụ về đầu tư công không hợp lý, là cùng lúc, nhiều tỉnh, thành phố gần biển đều phấn đấu xây dựng cảng nước sâu. Nhiều người cho rằng, cơ chế cấp vốn trong đầu tư công, việc quản lý chưa tốt đầu tư công, dẫn đến tình trạng nêu trên. Có những địa phương, đơn vị coi vốn ngân sách là “bầu sữa” để xin về địa phương, đơn vị mình. Như chúng ta biết, vốn cho đầu tư công là từ ngân sách, vốn vay từ các nguồn khác nhau. Việc sử dụng đồng vốn đầu tư công không hiệu quả, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước rất lớn, đồng thời, khiến nợ công của Việt Nam tăng cao.
Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa khá nhiều vào đầu tư công. Bởi vậy, tái cơ cấu đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế nói chung. Việc tái cơ cấu đầu tư công, theo tôi, trước hết phải bắt đầu từ việc quản lý chặt chẽ, không để nguồn vốn bị thất thoát, hoặc kém hiệu quả. Các dự án phải được thẩm định, rà soát chặt chẽ trước khi cấp vốn, để tránh tình trạng một số ngành bị thừa về số lượng, nhưng lại thiếu chất lượng dự án. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn. Việc quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công phải gắn liền với công cuộc chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành. Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực khoa học – công nghệ, nông nghiệp – nông thôn.
NGUYỄN HẢI NAM
(Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội)
Còn tình trạng “lách luật” để chỉ định thầu không đúng nguyên tắc
Theo dõi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tôi xin phản ánh hoạt động thực tế hiện nay của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Hiện nay, các nhà thầu thường không muốn làm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vì thủ tục pháp lý rườm rà, thanh, quyết toán thường gây phiền hà. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện các dự án đều do nhà thầu phải bỏ tiền ứng trước, nhưng khi hoàn thành xong công trình, thì phải hàng năm sau mới được thanh, quyết toán. Sự chậm trễ này làm nhà thầu rất khó khăn trong điều tiết vốn để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, theo Luật Đấu thầu, thì công trình giá trị từ năm tỷ đồng trở lên phải tổ chức đấu thầu, nhưng thực tế ở một số nơi vẫn lách luật để triển khai chỉ định thầu và đang tiếp tục hình thành cơ chế “xin-cho”. Điều này gây lãng phí ngân sách nhà nước và sẽ không hiệu quả nếu nhà thầu được chỉ định có năng lực yếu, kém.
TRẦN QUỐC VIỆT
(Doanh nghiệp xây dựng tại TP Nam Định)
Quan tâm địa bàn miền núi, biên giới
Tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là, cần xác định rõ trách nhiệm của người ký quyết định phê duyệt đầu tư. Ai ký quyết định đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm đủ vốn để hoàn thành công trình đúng tiến độ, nếu sai, người ký phải chịu trách nhiệm. Để thay đổi cơ chế “xin – cho”, nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, từ năm 2012, cần có cơ chế đầu tư trung hạn, công khai nguồn vốn đầu tư trong 5 năm tới. Từ đó, Bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn những công trình thật cần thiết, Trung ương cho phép mới được làm. Đồng thời, cần công khai các quy hoạch để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đúng cho các dự án, công trình; nếu nhà đầu tư, nhà thầu làm không tốt sẽ thu hồi dự án.
Những năm qua, ở địa bàn tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai, việc đầu tư của Nhà nước bằng các Chương trình 135, kiên cố hóa trường học, kè sông Hồng biên giới, định canh, định cư, Chương trình 30a… đã và đang phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn về hạ tầng xã hội, trình độ dân trí, vì vậy, cần được ưu tiên đầu tư đúng và trúng.
NGUYỄN ĐỨC SINH
(Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Bát Xát, Lào Cai)
Còn nặng giải thích cơ chế, chưa thấy rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chiều 13-6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, những vấn đề mà cử tri chúng tôi rất quan tâm, bức xúc: Việc đầu tư công dàn trải không hiệu quả, việc làm ăn thua lỗ ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nhưng Bộ trưởng trả lời còn “nặng” về giải thích cơ chế, chính sách, mà không thấy trách nhiệm của bộ mình trong việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề xã hội quan tâm, nhất là việc xây dựng kế hoạch, việc “chạy dự án”, việc chỉ đạo, “gợi ý” các địa phương xây dựng kế hoạch. Bộ đã không uốn nắn, chấn chỉnh ngay từ địa phương để đồng vốn phát huy hiệu quả.
Đáng lẽ, Bộ KH-ĐT phải tham mưu, đề ra các biện pháp để hạn chế tham nhũng, lãng phí trong đầu tư. Nhưng trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng chưa đưa ra được vấn đề này.
Cử tri nơi tôi sinh sống nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng đưa ra là, chúng ta phải thành lập một cơ quan để quản lý có hiệu quả những đồng vốn đầu tư cho các địa phương; các bộ, ngành, địa phương phải khắc phục ngay những yếu kém trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, chống lãng phí, tham nhũng…
Chưa có câu trả lời thỏa đáng
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13-6, các đại biểu Quốc hội chất vấn những vấn đề cụ thể về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất, đền bù đất khi triển khai các dự án, việc hỗ trợ của Nhà nước trong chuyển đổi nghề… Thế nhưng Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang lại trả lời chung chung.
Hiện nay, hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai được điều chỉnh ở nhiều văn bản khác nhau tại nhiều thời điểm dẫn đến chồng chéo, nhiều điểm chưa thống nhất khiến cơ quan quản lý ở địa phương khó áp dụng, gây ách tắc cho việc thực hiện, dễ xảy ra khiếu kiện. Tại Ninh Bình, tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Các nhà máy xi-măng trên địa bàn tỉnh với mật độ khá gần nhau khiến ô nhiễm môi trường về không khí là rất lớn.
Trên đây là những vấn đề bức xúc về pháp luật, quản lý đất đai, thu hồi, đền bù đất xây dựng các dự án, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân cả nước và địa phương chúng tôi. Cử tri muốn được Bộ trưởng trả lời cụ thể trong những chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhưng phần trả lời chưa thỏa đáng.
MINH THỦY
(Phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình)
Ô nhiễm môi trường các dòng sông chậm được khắc phục
Xem truyền hình trực tiếp phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tôi nhận thấy những câu hỏi chất vấn hay, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, đúng các vấn đề cử tri bức xúc. Nhưng, việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng chưa đưa ra được các giải pháp để giải quyết vấn đề. Việc cấp chứng nhận Quyền sử dụng đất cho dân, đã quá thời gian quy định mà vẫn chưa hoàn thành, đạt tỷ lệ còn thấp. Cử tri đều biết các nguyên nhân khách quan và chủ quan đồng thời muốn nghe Bộ trưởng có giải pháp khắc phục các nguyên nhân trên. Nhưng Bộ trưởng chủ yếu nêu nguyên nhân, mà không nêu ra giải pháp khắc phục.
ĐỖ QUANG HUY
Giảng viên Trường đại học Cần Thơ
Đầu tư hiệu quả để góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 13-6, theo tôi, những vấn đề nổi cộm hiện nay trong lĩnh vực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là, cần tập trung đầu tư để bảo đảm sự công bằng giữa các vùng, miền và các lĩnh vực, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo. Cử tri bức xúc về việc thất thoát, lãng phí trong đầu tư công như: xây trường học không có học sinh, làm chợ dân không họp, xây dựng công trình thủy lợi không có nước, nhiều công trình đầu tư gián đoạn… Do vậy, cần bố trí vốn phù hợp, không đầu tư dàn trải, chọn lựa các công trình đầu tư có mục tiêu, trọng điểm. Cần xem xét, đánh giá kỹ việc quy hoạch và đầu tư các dự án tái định cư, các khu công nghiệp, khu kinh tế, tránh việc xây xong lại bỏ hoang, dân vừa mất đất sản xuất nông nghiệp vừa không có việc làm. Cần chú ý hiệu quả đầu tư và tiến độ thực hiện các khu quy hoạch, bảo đảm đời sống dân sinh tại vùng đó.
Ngoài ra, cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí tại Vinashin, Vinalines; tăng cường việc quản lý, giám sát vốn ODA, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước; có biện pháp hữu hiệu chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; việc “chạy dự án”, quy hoạch các khu công nghiệp, gây khó khăn cho người dân.
NGUYỄN CƯƠNG
(Tổ 4, phường Phú Hội, TP Huế, Thừa Thiên – Huế)
Theo Nhandan

Ý kiến ()