Thứ 2, 28/04/2025 22:00 [(GMT +7)]
Những người thầy- người thợ ở một trường nghề
Thứ 5, 15/11/2012 | 08:13:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Thông tư số 30/2010/TT- LĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định giáo viên trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp Đại học hoặc Đại học Sư phạm Kỹ thuật, có trình độ B về ngoại ngữ và có trình độ A về tin học; có kỹ năng nghề tương đương trình độ cao đẳng nghề hoặc bậc 4/7, bậc 3/6 hoặc là nghệ nhân cấp quốc gia…
Về quy định trên, ông Đặng Anh Giang, Hiệu trường Trường Trung cấp nghề Việt Đức phân tích rằng, đã là giáo viên nghề phải vừa là nhà sư phạm tốt và là người thợ giỏi. Nói cách khác, sự kết hợp giữa kỹ năng sư phạm và giỏi tay nghề sẽ làm nên một giáo viên nghề vững vàng. Là một trường nghề còn non trẻ về tuổi đời, lại đứng chân trên địa bàn có nền công nghiệp chưa phát triển, nên việc xây dựng đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn. Từ nhiều nguồn khác nhau, đội ngũ giáo viên nhà trường dần hình thành và phát triển, đến nay toàn trường đã có 60 cán bộ giáo viên (CBGV), trong đó tỷ lệ chuẩn theo Thông tư 30 đã đạt 80%, số còn lại phần lớn là những giáo viên đã cao tuổi, có tay nghề cao, khả năng sự phạm còn hạn chế, được nhà trường phân công phụ trách các xưởng thực hành.
Tâm sự về nghề nghiệp của mình, thầy giáo Trương Anh Sơn, giáo viên Khoa Cơ khí cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh phải trải qua nhiều công việc khác nhau. Đến năm 2002, khi trường Trung cấp nghề Việt-Đức được thành lập, anh Đặng Anh Giang đã mời thầy về giảng dạy tại trường. Đang làm nghề tự do, song sự trăn trở về những yếu kém về nghề nghiệp của thanh niên Lạng Sơn đã khiến anh gắn bó với nhà trường hơn 10 năm nay. Anh cho biết, với mức lương hiện tại rất khó đủ sống và nuôi các con ăn học. Cũng rất may là vợ anh gánh vác vai trò trụ cột về kinh tế gia đình để anh yên tâm với công việc của người thầy- người thợ. Khác với thầy Sơn, thầy giáo Phùng Chí Định, Trưởng khoa Cơ khí, Chủ tịch Công đoàn nhà trường khi mới về công tác tại trường năm 2006 chỉ với tấm bằng Cao đẳng nghề. Vừa công tác, vừa học tập, anh đã tốt nghiệp Trường Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, bằng B về ngoại ngữ và nay đã trở thành một trong những giáo viên đầu đàn của nhà trường. Tâm sự về nghề, anh nói rằng, không giống như suy nghĩ của một số người, rằng học sinh vào học nghề, thì chỉ biết…học nghề; mà còn học, rèn luyện phẩm chất của người thợ. Vì vậy, vai trò của người thầy trường nghề là phải vừa dạy nghề, vừa dạy người. Dạy nghề là dạy kỹ năng nghề một cách thuần thục, đủ để họ có thể hành nghề, có thu nhập, đảm bảo cuộc sống sau khi ra trường. Dạy người là dạy và bồi dưỡng phẩm chất giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành tác phong công nghiệp, tính trung thực của đạo đức con người nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Do học sinh của nhà trường hầu hết là thanh niên các dân tộc ở vùng cao, vùng xa; họ còn thiếu rất nhiều thứ từ kiến thức nghề đến kỹ năng sống, nên các giáo viên ở đây phải tốn nhiều công sức hơn.
Là thầy giáo trường nghề, nhưng họ không được may mắn như các đồng nghiệp tại các trường chuyên nghiệp khác trên địa bàn như Trường CĐSP Lạng Sơn, Trường CĐ Y tế Lạng Sơn…Thầy Sơn cho biết, đã 10 năm đứng trên bục giảng và trong xưởng thực hành, nhưng chỉ vài lần thầy được nhận những bó hoa của học sinh nhân ngày 20/11. Nhiều khi cũng tủi thân và lý giải rằng học sinh của mình do ở vùng sâu, vùng xa nên nhận thức còn có hạn. Mặt khác cũng chính yếu tố “thầy và thợ” đan xen, nên vai trò của “thầy nghề” không được quan tâm bằng “thầy văn hóa”. Câu chuyện cô giáo người thành phố vào dạy học tại thôn bản vùng cao, đến ngày 8/3, ngày 20/10 hoặc ngày 20/11, lặng lẽ rẽ vào chợ mua một bó hoa để tự tặng…cho mình, cũng an ủi các thầy phần nào.

Poll
Ý kiến ()