Những nét chính kinh tế thế giới tám tháng 2016
Do phải chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu, giá dầu và hàng hóa thất thường, sự giảm tốc của một số nền kinh tế mới nổi, sự sa sút của nguồn cung lao động, vốn đầu tư; làn sóng di cư, khủng bố, sự kiện Brexit và các cuộc cấm vận, cũng như căng thẳng khu vực, nền kinh tế thế giới trong tám tháng năm 2016 ngày càng có vẻ kém lạc quan hơn so với những kỳ vọng từ đầu năm. Những dự báo của các tổ chức quốc tế hàng đầu đều có xu hướng hạ dần mức dự báo tăng trưởng GDP thế giới cả năm 2016 và chưa có điểm dừng.
Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại
Ngày 19-7-2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF dự báo GDP toàn thế giới chỉ tăng trưởng 3,1% năm 2016 và 3,4% năm 2017, tức giảm 0,1% so dự báo đầu quý II-2016 và dự báo 3,5% hồi đầu quý I-2016 (WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2016 chỉ còn 2,4%, so mức tăng trung bình hàng năm trên 4% của giai đoạn 2000-2010 và 3,1% trong giai đoạn 2010-2014 và cả so mức tăng 3% của năm 2015).
Theo IMF, khu vực châu Á đạt nhịp độ tăng trưởng 5,3% năm 2016 và 2017, giảm nhẹ so mức dự báo trước đó là 5,4%.
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu – có thể tăng trưởng 6,5% năm 2016 và 6,2% năm 2017. Mức dự báo này giảm so mức tăng 6,9% năm 2015 của Trung Quốc, thấp nhất trong vòng 25 năm qua ở nước này.
Nhật Bản sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2016 và sụt giảm 0,1% năm 2017 do việc tăng thuế tiêu dùng theo kế hoạch gây ra, cũng như vấn đề dân số già hóa và nợ tăng cao.
Ấn Độ sẽ vẫn là một trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới: dự kiến ở mức 7,5% năm 2016 và 2017 nhờ giá dầu thấp, đầu tư của chính phủ và tiêu thụ trong nước khởi sắc bù đắp cho hoạt động xuất khẩu yếu kém.
Châu Á nói chung tăng trưởng 5,7% nhờ mức tăng trưởng khá cao của Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Bangladesh .
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, các nước châu Á phải đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ; phát triển các thị trường tài chính và cải thiện môi trường kinh doanh. EC đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone năm 2016 xuống 1,6%, từ mức 1,7% đưa ra trước đó, song sẽ đạt mức tăng trưởng 1,8% năm 2017.
Trên bình diện toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang định hình, xu hướng lớn chủ đạo là những máy móc tự động, ngày càng thông minh, sự kết hợp giữa công nghệ người máy và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế 50% lao động hiên nay và làm thay đổi sâu sắc cấu trúc các nền kinh tế. Giới “cổ cồn trắng” cũng bị đe dọa, tầng lớp trung lưu có thể sẽ biến mất trong một “thế giới không có việc làm. 7,1 triệu việc làm sẽ dư thừa vào năm 2021, trong khi chỉ có 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra – chủ yếu trong các lĩnh vực chuyên môn cao như tin học, toán học, kiến trúc, kỹ thuật…
Số phụ nữ bị mất việc sẽ nhiều hơn nam giới vì phụ nữ khó thích nghi với công nghệ mới trong các công việc làm mới. Tự động hóa làm tăng năng suất máy móc và vì thế người ta chỉ cần đầu tư ít vốn hơn mà vẫn thu được kết quả tương ứng, thậm chí nhiều hơn. Đầu tư sẽ ngày càng ít hơn, dẫn đến tình trạng thừa mứa tiền gửi không thể đầu tư được và do đó làm thu hẹp quy mô nền kinh tế.
Số người di cư đến châu Âu ngày càng tăng, cùng với những vụ tấn công khủng bố đẩy châu Âu tới bùng nổ tranh cãi tìm tiếng nói chung và buộc châu lục này phải có những thay đổi trong chính sách.
Lạm phát chung thế giới không cao, nhưng nguy cơ biến động các đồng tiền vẫn thường trực cùng với xu hướng cho vay lãi suất thấp, thậm chí âm. Đồng USD mạnh hơn và lãi suất cao hơn đang và sẽ chi phối các dòng tiền chảy khỏi các thị trường mới nổi để đổ về các thị trường tài chính Mỹ. Tình trạng ảm đạm của dòng đầu tư vào các thị trường mới nổi lần đầu tiên xuất hiện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. USD mạnh hơn cũng có nghĩa là các nước đang phát triển gặp khó khăn lớn do giá trị thực của các khoản nợ tính bằng USD tăng lên…
Giá dầu mỏ ấm dần
Trên quy mô thế giới, từ tháng 2 đến tháng 6-2016, giá dầu đã tăng gần gấp đôi và có chuỗi thời gian tăng giá mạnh, lên mức 42 USD/thùng và trên dưới 50 USD/thùng dầu.
Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit đã có sự đảo chiều giá dầu thế giới, chốt phiên thứ hai, ngày 17-7-2016, trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8-2016 giảm 1,5% xuống 45,24 USD/thùng. Nhưng sau đó lại tăng 2,04 USD/thùng, tương đương 4,56% và chốt phiên ở mức 46,80 USD/thùng – mức đóng cửa cao nhất trong hơn một tuần. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn giảm 65 cent tương đương 1,4% xuống 46,96 USD/thùng, tức thấp hơn 11% so mức trên 50 USD/thùng vào đầu tháng 6-2016.
Đặc biệt, ngày 18-8-2016, chốt phiên, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 9-2015 tăng 1,43 USD, hay 3,1%, lên 48,22 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9-2016 tăng 1,04 USD, tương ứng 3,1%, lên 50,89 USD/thùng. Cả giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 20% từ mức đáy hồi đầu tháng 8-2016.
Đây là mức giá cao nhất và ghi nhận phiên tăng thứ sáu liên tiếp trong sáu tuần qua, kể từ 5-7-2016. Động thái nổi bật làm ấm lòng giới đầu tư và các nước xuất khẩu dầu mỏ là kỳ vọng mới vào khả năng OPEC và các nước sản xuất ngoại khối chủ chốt có thể nối lại đàm phán về đóng băng sản lượng khi nhóm họp tại Algeria vào tháng chín tới.
Ngoài ra, sự cộng hưởng tạo lực đẩy cho giá dầu còn là xu hướng đồng USD suy giảm 0,6% so với các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ và xuống thấp nhất tám tuần qua so với đồng franc Thụy Sĩ. Trong tháng 6-2016, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt 7,5 triệu thùng/ngày và sẽ đứng ở mức trung bình khoảng 7,4 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2016, cao hơn so với con số 6,7 triệu thùng dầu/ngày của năm ngoái. Nhu cầu dầu từ phía Mỹ tăng cao kỷ lục, các công ty năng lượng Mỹ tăng sản lượng khi Canada bị cháy rừng và bất ổn chính trị tại một số nước xuất khẩu năng lượng Trung Đông khiến nguồn cung giảm đi.
Nhìn chung, có lẽ chưa bao giờ giá dầu thô thế giới lại trở nên khó đoán định như năm 2016, khi chập chờn tăng, lúc ngập ngừng giảm. Bởi cũng có lẽ, chưa bao giờ giá dầu lại chịu cộng hưởng tác động trái chiều nhau của nhiều nhân tố chính trị, kinh tế và kỹ thuật như vậy…
Về triển vọng, giá dầu thô năm 2016 có thể nằm ở ngưỡng 50-60 USD/thùng trong nửa cuối năm 2016. Sau đó, giá dầu có thể tăng lên mức 60-70 USD/thùng năm 2017. Giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức trung bình 70 USD/thùng và giá dầu WTI bình quân là 65 USD/thùng trong hai năm 2016 và 2017.
Những động thái giá dầu thô gần đây không chỉ phản ánh và chịu ảnh hưởng của quy luật cung – cầu thông thường, mà đã và đang tiếp tục trở thành chiến trường cho các cuộc chiến công khai hoặc ngấm ngầm, nhưng đều hết sức mạnh mẽ, gây sức ép lên các đối thủ chính trị, vốn phụ thuộc nặng vào sản xuất và xuất khẩu năng lượng. Đây cũng là cuộc cạnh tranh thị trường và “nắn gân” sức chịu đựng về kinh tế giữa các nước sản xuất và xuất khẩu dầu được sản xuất theo công nghệ kiểu truyền thống, với các công ty – đối thủ mới sử dụng công nghệ khai thác dầu khí đá phiến. Ngoài ra, giá thị trường dầu còn chịu sự cạnh tranh thị phần của một số nguồn cung giá rẻ khác, như sự quay trở lại chính thức đầy háo hức của nguồn cung lớn Iran và cả do buôn lậu dầu mỏ từ IS…
Cuộc chiến giá dầu thế giới thử thách sức chịu đựng của các đối thủ. Trên thực tế, giá dầu giảm khiến các nước sản xuất dầu đều phải chịu thiệt hại lớn vì lợi nhuận giảm mạnh. 12 nước thành viên OPEC đã thiệt hại khoảng 257 tỷ USD thu ngân sách trong năm 2015 vì giá dầu giảm. Trong quý I-2016, khối này lại đang lao đao vì giá dầu từng tụt hẫng dưới mức 30 USD/thùng.
Những công ty sở hữu công nghệ khai thác dầu đá phiến cũng là những người dễ tổn thương nhất. Đến cuối năm 2015, hơn nửa trong số 1.500 giếng dầu của các công ty Mỹ dùng công nghệ khai thác khí đá phiến đã đóng cửa và làn sóng phá sản các công ty dầu lửa trong năm 2016 dưới sức ép nợ nần vẫn tiếp tục gia tăng. Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) mới trong ngành dầu khí thế giới cũng đang đậm dần, với lợi thế rơi vào một số đối thủ ngày càng nặng ký, nổi bật là Trung Quốc…
Cuộc chiến giá dầu sắp kết thúc, cơ hội và lợi ích cho các nước nhập khẩu dầu sẽ giảm dần; ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã và đang thay đổi thị trường dầu, cũng như dầu đá phiến chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại. Những nước nhập khẩu nhiều dầu thô đang tiếp tục thu lợi.
Sự suy giảm giá dầu kéo dài đã gây thiệt hại nặng cho những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đầu thô đạt 1,4 tỷ USD, giảm 44,5%; sản lượng dầu xuất khẩu giảm 21,8%. Vừa là nước xuất khẩu dầu thô, lại vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm, lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động thu hẹp khai thác dầu thô khi giá dầu giảm. Đây là sự lựa chọn đúng để khỏi lãng phí nguồn tài nguyên không tái tạo này…
Theo Nhandan

Ý kiến ()