Những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm VSATTP
LSO-Trong những năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của tỉnh đã được tăng cường chỉ đạo một cách chặt chẽ và đồng bộ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn, không phát hiện những vấn đề nguy hại trên diện rộng và không để xảy ra chết người do ngộ độc thực phẩm. Mặc dù đạt được kết quả đó, công tác bảo đảm VSATTP vẫn luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các cơ quan chức năng. Năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, công tác này tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh một bước.
![]() |
Lợn quay – món đặc sản được bày bán tại các hội xuân Xứ Lạng |
Đến nay, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP 11/11 huyện, thành phố đã được kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động, phân công thành viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn. 199/226 xã, phường, thị trấn thành lập được Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP. Những năm qua, công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin truyền thông; thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Trong năm 2013, toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông trực tiếp, truyền thông lồng ghép được 874 buổi với trên 16.581 người nghe, vận động 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tự treo băng rôn tại cơ sở trong các dịp Tết Nguyên đán, Tháng cao điểm, Tháng hành động đảm bảo chất lượng VSATTP. Đồng thời thực hiện sao in 356 đĩa hình và đĩa tiếng, 8.151 tờ gấp, tờ rơi; 237 tờ áp phích “10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn”; 14 tài liệu hỏi đáp về an toàn thực phẩm làm tài liệu cho công tác truyền thông.
Trong năm, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp đã thành lập 517 đoàn thanh tra, kiểm tra 5.428 cơ sở và phát hiện xử lý 577 cơ sở vi phạm. Công tác quản lý thực phẩm nhập khẩu, nhập lậu được phối hợp và tăng cường, nhất là thực phẩm nhập khẩu nông sản chủ yếu là các loại quả tươi, nấm tươi, bột mỳ, tỏi củ khô, chè ướp, cà rốt củ tươi, đỗ tương, đỗ xanh, gừng củ tươi, hành tây củ… đều được quan tâm giám sát. Kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên trên 200 mẫu nông sản, chưa phát hiện mẫu nào có chứa chất độc hại. Riêng đối với thực phẩm nhập lậu chủ yếu là gà, vịt con giống, chim bồ câu, gà, vịt thịt sẵn… vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, ngăn chặn, bắt giữ. Hiện nay đối tượng nhập lậu động vật – thực phẩm động vật qua biên giới là những tư thương, tổ chức mua động vật từ biên kia biên giới rồi vận chuyển nhập lậu qua đường mòn lối tắt với nhiều hình thức tinh vi, thủ đoạn nhằm tránh kiểm soát của các lực lượng chức năng. Khi đã đưa động vật – thực phẩm động vật vào địa bàn tỉnh, các tư thương thường tổ chức những điểm tập kết thu gom và thường xuyên thay đổi địa điểm gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát. Việc bắt giữ những tư thương, những đầu nậu tổ chức mua bán, vận chuyển nhập lậu động vật – sản phẩm thực vật qua biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Song với sự chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y lưu thông trên địa bàn tỉnh hoặc vận chuyển về các tỉnh phía sau giảm đáng kể. Kết quả, năm 2013 toàn tỉnh đã kiểm tra 901 vụ, xử phạt 512 vụ, phạt vi phạm hành chính gần 1,4 tỷ đồng..
Công tác quản lý bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố cũng còn nhiều bất cập. Tính đến tháng 12/2013, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.820 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng chỉ có 70 nhà hàng có quy mô, còn lại 2.750 cơ sở nhỏ lẻ và thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy thức ăn đường phố có nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là do người chế biến có trình độ thấp, không đạt yêu cầu tay nghề, ít vốn nên điều kiện trang thiết bị thiếu thốn; cộng với địa điểm mua bán gần nơi ô nhiễm, thiếu nước sạch, nguyên liệu chưa an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phẩm thiếu che chắn, bảo quản cẩn thận. Đây chính là nhóm có nguy cơ tiềm ẩn mất VSATTP cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng và cả cộng đồng.
Để phòng, chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong năm 2014, ngành y tế là cơ quan thường trực được giao nhiệm vụ chủ động chủ trì, tham mưu cho tỉnh kế hoạch, cơ chế phối hợp, thực hiện giám sát và đánh giá việc triển khai công tác đảm bảo VSATTP tại các huyện, thành phố. Hiện nay, mùa lễ hội đang diễn ra, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, hy vọng với sự chủ động ý thức của người tiêu dùng, sự vào cuộc quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện và cơ sở, công tác bảo đảm VSATTP sẽ tiếp tục được tăng cường và thu được kết quả mong muốn.
MAI VĂN HOA

Ý kiến ()