Những dự án "rùa" ở Ninh Thuận
Những năm qua, thu hút đầu tư là mục tiêu mà tỉnh Ninh Thuận rất chú trọng, địa phương đã có nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp đến tìm hiểu tiềm năng lợi thế, cơ hội đầu tư và đăng ký đầu tư dự án. Nhưng hiện tại, có nhiều dự án không triển khai hoặc bỏ dở dang đã gây lãng phí rất lớn về quỹ đất, tiềm năng lợi thế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như đời sống của người dân. Nhà đầu tư thiếu… tâm huyếtNinh Thuận hiện có 232 dự án (trong đó có 22 dự án đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài) ở các lĩnh vực, như: công nghiệp, xây dựng; du lịch, thương mại dịch vụ; nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) và chấp thuận địa điểm đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 88.796 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua công tác rà soát tình hình triển khai thực hiện của 187 dự án được cấp Giấy CNĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ rất chậm so với quy định tại Giấy CNĐT, một phần là...
Những năm qua, thu hút đầu tư là mục tiêu mà tỉnh Ninh Thuận rất chú trọng, địa phương đã có nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp đến tìm hiểu tiềm năng lợi thế, cơ hội đầu tư và đăng ký đầu tư dự án. Nhưng hiện tại, có nhiều dự án không triển khai hoặc bỏ dở dang đã gây lãng phí rất lớn về quỹ đất, tiềm năng lợi thế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như đời sống của người dân.
Nhà đầu tư thiếu… tâm huyết
Ninh Thuận hiện có 232 dự án (trong đó có 22 dự án đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài) ở các lĩnh vực, như: công nghiệp, xây dựng; du lịch, thương mại dịch vụ; nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) và chấp thuận địa điểm đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 88.796 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua công tác rà soát tình hình triển khai thực hiện của 187 dự án được cấp Giấy CNĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ rất chậm so với quy định tại Giấy CNĐT, một phần là do khó khăn chung của nền kinh tế tác động, nhưng nguyên nhân chính là do nhà đầu tư thiếu quyết tâm và năng lực tài chính hạn chế.
Đơn cử như Dự án Resort và dịch vụ du lịch ven biển (Công ty CP Đầu tư – Kinh doanh nhà Intresco) tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2-2011 và quy định đến tháng 6-2011, chủ đầu tư phải hoàn tất thủ tục hồ sơ đăng ký đầu tư để được cấp Giấy CNĐT dự án. Đến thời hạn, chủ đầu tư xin gia hạn và được UBND tỉnh chấp thuận đến cuối tháng 12-2011 phải hoàn tất hồ sơ, nhưng đến nay đã quá thời gian gia hạn chín tháng mà chủ đầu tư vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy CNĐT. Khi Sở KH&ĐT mời nhà đầu tư họp để báo cáo tiến độ thì nhà đầu tư không tham dự.
Dự án xây dựng Nhà máy phong điện Phước Thành (Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư năng lượng Toàn Cầu) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương vào tháng 5-2011, cho phép công ty khảo sát, lập dự án đầu tư nhà máy điện gió với diện tích đất khảo sát khoảng 600 ha tại xã Phước Thành, huyện Bác Ái. Tỉnh yêu cầu trong thời gian sáu tháng, công ty cần triển khai công tác khảo sát thu thập số liệu gió; hoàn tất thủ tục đầu tư đăng ký theo quy định, nhưng đến thời điểm này đã hơn mười hai tháng, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai hoàn tất các yêu cầu đặt ra và thể hiện sự thiếu quyết tâm đầu tư.
Cho đến thời điểm này, hàng chục dự án được tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương, cấp Giấy phép đầu tư đã nhiều năm, như: Nhà máy sản xuất, chế biến và xuất khẩu muối tinh (tại Cụm công nghiệp Tri Hải, huyện Ninh Hải, Công ty TNHH Cường Thịnh); Dự án sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây neem (tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam,Công ty TNHH Kawa); Dự án khách sạn – nhà hàng Phố Nhớ (tại phường Mỹ Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Công ty TNHH Phố Nhớ); Dự án cao ốc trung tâm thương mại – xúc tiến đầu tư (tại phường Mỹ Bình, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Công ty CP Xúc tiến đầu tư thương mại Minh Anh Ngọc)…không triển khai hoặc xây dựng dở dang, để hàng nghìn ha đất phải bỏ trống rất lãng phí, gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Cần có biện pháp mạnh
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, Phạm Đồng, cho biết “Trong tổng số 187 dự án được cấp Giấy CNĐT, có 80 dự án đi vào hoạt động với vốn đăng ký hơn ba nghìn tỷ đồng; 33 dự án đang triển khai thi công; 74 dự án đang hoàn tất thủ tục sau cấp Giấy CNĐT. Tuy nhiên có 31 dự án làm nhiều năm chưa xong, đơn vị đã có báo cáo đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh các biện pháp xử lý để bảo đảm hiệu quả thu hút đầu tư mà tỉnh đã đề ra”.
Cụ thể đã kiến nghị UBND tỉnh hủy bỏ chủ trương đầu tư bốn dự án, gồm: Dự án Resort và dịch vụ du lịch ven biển; Khu đô thị du lịch biển Ninh Chữ; Nhà máy phong điện Phước Thành và Nhà máy sản xuất, chế biến, xuất khẩu muối tinh, vì các chủ đầu tư thiếu quyết tâm. Thu hồi Giấy CNĐT sáu dự án, gồm: Dự án sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây neem; Khách sạn nhà hàng-Phố Nhớ; dự án cao ốc trung tâm thương mại- xúc tiến đầu tư; Khu du lịch sinh thái biển Phố Nhớ; Khu vui chơi và giải trí Du Long; Trung tâm dạy nghề các dân tộc miền núi Nam Trung bộ, vì các chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ quy định tại Giấy CNĐT, không hợp tác với tỉnh để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư của 14 dự án có triển khai nhưng tiến độ chậm phải có cam kết chi tiết tiến độ; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án để làm cơ sở xử lý trường hợp tiếp tục vi phạm, đồng thời tham mưu cho tỉnh một số biện pháp tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho từng dự án mà nguyên nhân làm cho tiến độ chậm là do vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng… Điển hình như Dự án khu du lịch sinh thái bãi biển San Hô do Công ty CP Mỹ Kim Phát xây dựng ở huyện Ninh Hải, hiện tại Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) đang triển khai xây dựng kè chắn sóng Tri Hải có đi qua phần đất của dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của chủ đầu tư. Dự án khu du lịch Hoàn Mỹ tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, chủ đầu tư triển khai xây dựng từ năm 2008 nhưng đến nay chưa hoàn thành để đi vào hoạt động là do có hộ bà Đỗ Thị Anh Đào chưa chịu di dời, bàn giao đất cho dự án đã gây cản trở việc thi công. Dự án trồng cây cao su và trồng rừng kinh tế tại huyện Bác Ái do Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Thuận Hưng Thịnh đầu tư xây dựng trong năm 2011. Đến nay nhà đầu tư đã xây dựng một số hạng mục, nhưng phát sinh tình trạng có nhiều hộ dân lấn chiếm đất của dự án, cho nên chủ đầu tư vẫn chưa nhận hết phần diện tích đất được thuê để thực hiện dự án đúng tiến độ….
Ninh Thuận đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng là điều tất yếu, tuy nhiên địa phương cũng nên rút ra bài học kinh nghiệm trong vấn đề này để đừng rơi vào tình cảnh là số lượng dự án đầu tư nhiều nhưng chất lượng thì không như mong muốn đã dẫn đến hệ lụy là tiềm năng lợi thế bị bỏ hoang gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Ninh Thuận cần kiên quyết xử lý dứt điểm đối với những dự án đầu tư chậm hoặc không triển khai thực hiện theo đúng quy định, đồng thời kiên quyết xử lý tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm trái phép đất của các dự án để sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của những nhà đầu tư thật sự. Có như vậy, việc thu hút đầu tư mới thật sự mang lại hiệu quả tích cực cho tỉnh.
Theo Nhandan

Ý kiến ()