Những điểm mới trong giao đất, cho thuê đất
LSO-Gần 10 năm qua, việc giao đất, cho thuê đất (GĐ,CTĐ) thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003 đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư và bước đầu phát huy nguồn lực của đất đai trong phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số điểm hạn chế dẫn đến vẫn còn tình trạng đất được giao cho thuê sử dụng không đúng mục đích, vi phạm pháp luật. Để khắc phục những hạn chế trên, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều đổi mới trong công tác GĐ,CTĐ.
![]() |
Giao quyền sử dụng đất giúp người dân chủ động sản xuất |
Một trong những điểm mới đáng chú ý là thu hẹp các trường hợp được nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ, giao đất không thu tiền SDĐ và cơ bản chuyển sang cho thuê đất nhằm SDĐ tiết kiệm, hiệu quả. Quy định hình thức GĐ,CTĐ chủ yếu thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ để đảm bảo tính công khai minh bạch, đồng thời huy động được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và từng địa phương.
Luật Đất đai mới thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đảm bảo yêu cầu hội nhập và phù hợp với các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền SDĐ để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; các trường hợp còn lại được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần việc thu hồi đất cho cả thời gian thuê. Quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền SDĐ cũng được mở rộng. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, được bổ sung nhận quyền SDĐ ở trong các dự án phát triển nhà ở. Đối với dự án chậm triển khai, Luật bổ sung chế tài xử lý theo hướng chủ đầu tư tiếp tục được gia hạn thêm 24 tháng và trong thời gian này chủ đầu tư phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng với mức tiền SDĐ, tiền thuê đất; sau 24 tháng được chậm tiến độ, nếu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước sẽ thu hồi và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Đồng thời, Luật cũng đưa ra các quy định để ngăn ngừa phát sinh mới các trường hợp dự án chậm triển khai, để lãng phí đất đai như: quy định việc giao thu hồi đất, GĐ,CTĐ chuyển mục đích SDĐ phải căn cứ vào kế hoạch hàng năm để đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương. Quy định điều kiện để được GĐ,CTĐ như chủ đầu tư phải có năng lực tài chính để đảm bảo việc SDĐ theo tiến độ ghi trong dự án; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang SDĐ do nhà nước GĐ,CTĐ để thực hiện dự án đầu tư khác.
Thêm nữa, Luật Đất đai mới đã quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm. Đồng thời, cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích lớn hơn không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền SDĐ, nhận quyền thuê đất để thuận lợi cho ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa và phát triển sản xuất hàng hóa. Bổ sung quy định về điều kiện được GĐ,CTĐ để thực hiện các dự án có SDĐ trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Bổ sung quy định điều kiện để được giao đất thực hiện dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.
Ở Lạng Sơn, trong những năm qua việc thực hiện công tác thu hồi, GĐ,CTĐ chuyển mục đích SDĐ đảm bảo đúng quy trình, phù hợp với quy hoạch của địa phương. Từ đó, đã kịp thời giao mặt bằng cho các dự án khu đô thị, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; các dự án trọng điểm của tỉnh về xây dựng, giao thông, phát triển kinh tế; giao đất cho các tổ chức thuê để thực hiện dự án đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư cấp; giao đất cho các tổ chức cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã giao đất với diện tích gần 10.000 ha, cho thuê đất đạt gần 30.000 ha; ngoài ra đã thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, gia hạn SDĐ; thẩm định các dự án có SDĐ. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn còn thường xuyên tổ chức kiểm tra về tình hình quản lý, SDĐ của các tổ chức được GĐ,CTĐ, qua đó chấn chỉnh và hướng dẫn các tổ chức chấp hành nghiêm Luật Đất đai. Tuy nhiên, việc GĐ,CTĐ ở một số nơi còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng có dự án treo, tính khả thi chưa cao; tình trạng SDĐ công lãng phí, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép, chuyển nhượng quyền SDĐ thực hiện dự án không phù hợp với quy hoạch phê duyệt… vẫn còn diễn ra.
Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, UBND tỉnh chỉ đạo phải chấn chỉnh công tác GĐ,CTĐ, chuyển mục đích SDĐ. Cụ thể, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố thực hiện chặt chẽ quy trình GĐ,CTĐ, chuyển mục đích SDĐ, khắc phục tình trạng GĐ,CTĐ chưa đúng quy định, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích SDĐ trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác. Đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền SDĐ, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền SDĐ, đấu giá quyền thuê đất. Rà soát toàn bộ diện tích đất đai đang sử dụng của các tổ chức sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp để có hình thức GĐ,CTĐ phù hợp với quy định của Luật Đất đai mới.
XUÂN HƯƠNG

Ý kiến ()