"Nhốn nháo" đào tạo đại học không chính quy
Bản tin cập nhật thị trường lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) cho biết: Quý I năm 2014, cả nước có hơn 162 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp. Lý giải tình trạng này vấn đề chất lượng đào tạo được coi là yếu tố quyết định. Trong đó, hệ đào tạo đại học không chính quy (vừa làm vừa học, từ xa, liên thông, liên kết…) trực tiếp góp phần quan trọng gây nên “thảm cảnh” này!
Bài 1: “Loạn” tuyển sinh, đào tạo
Không ồn ào như tuyển sinh, đào tạo đại học (ĐH) chính quy, việc tuyển sinh, đào tạo không chính quy “lặng lẽ” hơn vì các trường tổ chức tuyển sinh riêng lẻ, diễn ra nhiều đợt trong năm. Tuy nhiên, ẩn chứa vẻ bề ngoài ấy lại là sự nhốn nháo, mạnh ai nấy làm, “xé rào” tuyển sinh đào tạo sai quy định.
Đâu cũng thành “trường”
Đào tạo không chính quy (còn gọi là giáo dục thường xuyên), như vừa làm vừa học, liên thông, liên kết, đào tạo từ xa đều được quy định trong Luật Giáo dục ĐH và ở nhiều văn bản pháp quy. Trong đó, các lớp đào tạo không chính quy trình độ ĐH, cao đẳng (CĐ) chỉ được liên kết, đặt lớp tại trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) cấp tỉnh, trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), ĐH, CĐ hoặc trường của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội… Tuy nhiên, trước nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, lại thêm tâm lý chuộng bằng cấp, nhất là nhiều trường ĐH, CĐ coi đào tạo không chính quy là “nồi cơm chính”, đã “tạo động lực” để cơ sở đào tạo mở lớp ĐH ở bất cứ đâu.
Đến TTGDTX và Hướng nghiệp (HN) huyện Tiền Hải (Thái Bình) những ngày cuối tuần, việc dạy và học ở đây diễn ra khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, người đi học lại không phải là học sinh, học nghề, học phổ thông mà chủ yếu là sinh viên của các lớp đào tạo ĐH không chính quy. Theo Giám đốc Trung tâm Lâm Văn Nho, hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông và liên kết đào tạo còn rất thiếu, cho nên đơn vị phải mượn cơ sở vật chất của trung tâm dạy nghề huyện. Mặc dù vậy, TTGDTX và HN huyện Tiền Hải vẫn thu hút nhiều lớp đào tạo của một số trường ĐH đặt tại trung tâm. Đến đầu năm 2014, trung tâm có tám lớp ĐH, CĐ không chính quy với 443 sinh viên; trong đó có hơn 300 sinh viên ĐH.Mỗi năm, TTGDTX và HN Tiền Hải có từ một đến hai lớp ĐH được mở, thu hút hàng trăm người tham dự.
Không chỉ ở những cơ sở giáo dục như TTGDTX và HN hoặc Trung tâm dạy nghề huyện mở “lò đại học”, thậm chí cả những cơ quan không liên quan đào tạo cũng được đặt lớp. Trường hợp Bưu điện tỉnh Hòa Bình là một thí dụ. Ở đây, lớp đào tạo ĐH của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (HVCNBCVT) được mở từ năm 2013. Theo thời khóa biểu năm học 2014-2015 do Phó Trưởng phụ trách Trung tâm đào tạo ĐH mở HVCNBCVT Nguyễn Quý Sỹ ký, lớp học tại Bưu điện tỉnh Hòa Bình có 36 sinh viên, học vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Gọi là “lớp học” cho sang, thực ra chỉ là hội trường nhỏ của Bưu điện tỉnh với vài bộ bàn ghế cùng loa đài.
Có thể nói, các văn bản pháp quy đều quy định rõ việc đặt các lớp đào tạo trình độ ĐH không chính quy, nhưng việc tổ chức lớp ở các huyện vẫn phổ biến, như: Trường ĐH Kinh tế quốc dân có các lớp đào tạo từ xa ở Tuyên Hóa và Minh Hóa (Quảng Bình), Giao Thủy (Nam Định)… Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) mở lớp đào tạo vừa làm vừa học tại Trung tâm dạy nghề huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đáng chú ý, trên trang thông tin điện tử của Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Huế (www.huecdt.edu.vn) ngày 7-7-2014 đăng thông báo địa điểm học tập trung đợt tháng 7 và 8-2014 có lớp ngành Luật học ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP Hồ Chí Minh); tỉnh Sóc Trăng học ở Trường THCS phường 4 (TP Sóc Trăng); tỉnh Quảng Trị học tại Trường mầm non Họa Mi (huyện Gio Linh)…
Quy định cho có
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 57 quy định tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học, liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy. Tuy nhiên, chỉ tiêu không chính quy của các trường ĐH hằng năm thường không được công khai, cho nên khó có thể xác định có sai phạm hay không. Vì vậy, số liệu về sinh viên tuyển mới vừa làm, vừa học của nhiều trường có tỷ lệ khá cao so với tuyển mới chính quy. Con số thống kê công bố năm 2013 của các trường cho thấy, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển mới 939 sinh viên không chính quy, bằng 70,65% so với tuyển mới chính quy; Trường ĐH Luật Hà Nội tuyển mới không chính quy 1.211 sinh viên, bằng 63% so với tuyển mới chính quy; Trường ĐH Đà Lạt tuyển mới 957 sinh viên không chính quy, bằng 66,2% so với tuyển mới chính quy; Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, tuyển mới 1.240 sinh viên không chính quy, bằng 70% so với tuyển mới chính quy.
Từ những quy định không rõ ràng về quy mô đào tạo không chính quy, dẫn đến nhiều trường ĐH có số lượng đào tạo không chính quy tương đương hệ chính quy. Số liệu công bố năm 2013 cho thấy, Trường ĐH Vinh có 15.145 sinh viên không chính quy (chính quy là 17.242 sinh viên); Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) có 7.560 sinh viên không chính quy (chính quy là 7.913 sinh viên); ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) có 6.034 sinh viên không chính quy (chính quy là 6.029 sinh viên). Đáng chú ý, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh có 7.959 sinh viên không chính quy, nhưng chỉ có 6.967 sinh viên chính quy. Trung tâm đào tạo từ xa ĐH Huế trong một văn bản mới đây cho biết, đang đào tạo con số “khủng” với hơn 30 nghìn sinh viên không chính quy.
Ít đi học, vẫn chất lượng?
Việc tuyển sinh, đào tạo không chính quy tràn lan, dễ dãi khiến chất lượng giáo dục ĐH ngày càng thiếu tin cậy. Ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch – Tài chính (đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý chỉ tiêu, quy mô đào tạo) của Bộ GD và ĐT nhấn mạnh: “Nếu như cách làm không nghiêm túc; việc tổ chức lớp không chặt chẽ, không kiểm soát được giờ lên lớp, thời gian dạy và học thì đương nhiên ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Như vậy, phải khắc phục tình trạng tăng trưởng quá nóng, ồ ạt, ảnh hưởng cả đào tạo không chính quy và chính quy”.
Tuy nhiên, trên thực tế các văn bản quy định cách thức tổ chức, đào tạo một đằng, các trường lại triển khai một nẻo. Các lớp mở ở các địa phương thường bị cắt xén chương trình, không bảo đảm cả khối kiến thức, thời gian dạy và học. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đội ngũ giảng viên giảng dạy ở các lớp đào tạo không chính quy ở địa phương chủ yếu dạy các môn chuyên ngành, còn các môn khoa học cơ bản, môn chung phó mặc cho các cơ sở mở lớp. Trong khi đó, các môn chuyên ngành sinh viên học tại các TTGDTX, trung tâm dạy nghề… thường không được thí nghiệm, thực hành; kiến thức của một môn “nhồi nhét” trong thời gian ngắn cho “đủ tên” môn học. Vì vậy, sinh viên tham gia học tập hay không, “đến hẹn” vẫn nhận bằng tốt nghiệp. Trong quá trình tìm hiểu về các lớp đào tạo ĐH không chính quy, chúng tôi được cán bộ tên Hà của TTGDTX huyện Đan Phượng (Hà Nội) khẳng định: “Viện ĐH Mở Hà Nội mở lớp cử nhân Luật tại trung tâm từ năm 2012. Việc học tập của sinh viên rất dễ dàng vì trung tâm chịu trách nhiệm quản lý. Sinh viên muốn đi học hay nghỉ đều được ghi danh, tính điểm chuyên cần đầy đủ. Lớp vẫn có lịch học hẳn hoi, thầy dạy bình thường, có môn học cả ngày thứ bảy, chủ nhật còn lại chủ yếu phát tài liệu, sinh viên thích thì tự đọc”.
Đáng chú ý, Phó Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định: “Hiện nay, trong đào tạo từ xa áp dụng theo Quyết định 40/2003/QĐ-BGDĐT không tạo ra cơ hội cho các trường đào tạo từ xa một cách ồ ạt, bừa bãi, kém chất lượng”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các trường ĐH khi đào tạo từ xa vẫn áp dụng Quyết định số 40/2003/QĐ-BGDĐT, trước khi có Luật Giáo dục ĐH cả chục năm trời cho nên nhiều quy định không còn phù hợp. Quyết định nêu trên quy định: Số giờ tập trung để nghe hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, phụ đạo chiếm từ 15% đến 25% số giờ kế hoạch toàn khóa; hiệu trưởng có thể quy định số giờ tập trung tăng thêm, nhưng không vượt quá 30% số giờ kế hoạch của học phần…
Có nhiều lý do đưa ra cho việc rút ngắn thời gian lên lớp đối với đào tạo từ xa nói riêng, không chính quy nói chung. Trong đó, lý do chính là những người đã đi làm, trải qua thực tiễn cho nên có thể giảm được thời gian lên lớp mà chuyển sang tự học. Tuy nhiên, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT vì không đỗ chính quy cho nên chuyển sang học không chính quy theo dạng xét duyệt hồ sơ đầu vào cũng đầy đủ “lý lịch đi làm”. Vì vậy, về mặt kiến thức, học lực những người học không chính quy kém hơn những người học ĐH chính quy nhưng thời gian lên lớp nghe giải đáp thắc mắc tối đa chỉ bằng 30% so với chính quy thì không thể nói là bảo đảm chất lượng được.
(còn nữa)
NGUYỄN VĂN TUẤN
Giám đốc Sở GD và ĐT Nam Định
PGS, TS NGUYỄN VĂN NHÃ
Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi

Ý kiến ()